Ghi nhận từ Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022

Đã hai năm kể từ Liên hoan đầu tiên năm 2019, người yêu Xẩm lại có dịp hội tụ tại Ninh Bình. Khó mà nói hết được niềm vui của những người yêu Xẩm, khi có dịp gặp gỡ, trao đổi, giao lưu ngay chính trên mảnh đất mà nghệ nhân xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu đã từng gắn bó suốt cuộc đời.

Liên hoan có sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ.

Nghệ sỹ Nguyễn Đức Danh, Chủ nhiệm câu lạc bộ Xẩm Quỳnh Phụ (Thái Bình) chia sẻ cảm nghĩ khi tham dự liên hoan: Đây là lần thứ 2 câu lạc bộ Xẩm Quỳnh Phụ chúng tôi tham dự liên hoan. Đoàn chúng tôi có 9 thành viên, dự thi 3 tiết mục: Dứa dại không gai, Vợ trẻ lấy chồng già, Có nhớ quê chăng... Cảm nhận chung của đoàn chúng tôi là Liên hoan lần này tổ chức quy mô, chất lượng chuyên môn cao hơn, đặc biệt là các tiết mục biểu diễn của các đoàn khá đa dạng.

Các bài Xẩm đem đến Liên hoan vừa giữ được làn điệu Xẩm, chất Xẩm, song trên cơ sở làn điệu ấy lồng vào lời mới, bối cảnh mới cho phù hợp với sự phát triển của xã hội và tâm lý thưởng thức của công chúng. Như vậy, Xẩm vừa giữ được bản sắc loại hình mà vẫn thích nghi được bối cảnh đời sống hiện đại, để tồn tại và phát triển.

Mong muốn của Câu lạc bộ Xẩm Quỳnh Phụ sẽ được tham dự nhiều Liên hoan như thế này để có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi, phát triển hơn nữa nghệ thuật hát Xẩm, đưa Xẩm đến gần hơn với công chúng hiện đại...

Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022 hướng đến nhiều mực tiêu và cái được lớn nhất vẫn là về chuyên môn. Nói khác đi, qua Liên hoan, nhiều vấn đề của hát Xẩm được nhìn nhận, rút tỉa, được uốn nắn. Những nghệ sỹ, nghệ nhân, các đoàn tuyển tham dự Liên hoan đều rút ra được những bài học bổ ích cho mình để tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, sáng tạo nghệ thuật hát Xẩm.

Tiến sĩ, Đạo diễn, NSND Thanh Ngoan, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan, một người nổi tiếng, có uy tín về chuyên môn và tâm huyết với nghệ thuật hát Xẩm bày tỏ: Tôi đã từng làm giám khảo của nhiều kỳ, cuộc liên hoan nhưng khó có thể tưởng tượng được đây lại là một Liên hoan nghệ thuật không chuyên. Bởi nhiều tiết mục biểu diễn có chất lượng rất tốt, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ, có những em chỉ mới sinh năm 2015, 2017 nhưng đã thể hiện kỹ năng biểu diễn nhuần nhuyễn, có nhiều em còn vừa hát vừa chơi nhạc cụ rất điêu luyện, đây là điểm đáng mừng, vì sức lan tỏa của Xẩm đã đến được với giới trẻ.

Để phát triển được phong trào, nhất là phong trào bén rễ trong giới trẻ, công lớn nhất thuộc về những người làm công tác văn hóa ở Ninh Bình. Theo tôi, để duy trì được nghệ thuật hát Xẩm thì trong khoảng thời gian nhất định, Sở văn hóa và thể thao Ninh Bình phải mở được những cuộc thi, giao lưu, liên hoan để mọi người được gặp gỡ giao lưu, hiểu biết thêm về Xẩm, hình dung được nghệ thuật hát Xẩm phải hát như thế nào, làm sao mới giữ đúng chất Xẩm, hồn Xẩm.

Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022.

Bên cạnh việc mở các liên hoan, ngành Văn hóa cần duy trì đều đặn các hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho các hạt nhân văn nghệ, cho những người yêu Xẩm, bởi chỉ có tập huấn, hát với nhau thì người hát mới nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản về làn điệu của Xẩm, mới có thể chỉnh sửa, uốn nắn những cái sai, lệch trong quá trình phát triển của Xẩm, để giữ cho nghệ thuật hát Xẩm phát triển đúng hướng.

Ngoài ra, trong kỳ Liên hoan này, Hội đồng nghệ thuật cũng thống nhất rất nghiêm khắc với những tiết mục Xẩm lai tạp, không giữ được chất Xẩm, những phá cách mất đi cái hồn, mất đi đặc trưng của Xẩm. Bằng chứng là có những đơn vị đưa cả giàn trống đến biểu diễn, tuy nhiên Hội đồng nghệ thuật đã kiên quyết không chấm tiết mục này.

Chúng tôi hết sức nghiêm túc về vấn đề này, vì việc đưa trống điện tử vào Xẩm có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ chất Xẩm, làm mất đi chất trong trẻo, mộc mạc của Xẩm, không đúng với tính chất đặc thù của loại hình âm nhạc này.

Bảo tồn Xẩm là điều tốt nhưng bảo tồn không đúng cách có thể làm hại đến Xẩm, đi ngược lại nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống. Do vậy chúng tôi không khuyến khích những cải biên kiểu như trên. Rất may những tiết mục như vậy chỉ là cá biệt, phần đa những tiết mục tham dự Liên hoan giữ được hồn cốt của Xẩm và đó là điểm rất đáng mừng của kỳ Liên hoan lần này.

Hát Xẩm là loại hình diễn xướng lưu truyền trong dân gian, phần nhiều gắn với đời sống của lớp người bình dân, do đó có sức sống bền chặt trong đời sống văn nghệ dân gian.

Ninh Bình tự hào có vùng đất Yên Mô gắn liền với nghệ nhân Xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu. Những di sản quý báu mà nghệ nhân Hà Thị Cầu để lại đặt ra những yêu cầu cần được bảo tồn và gìn giữ vốn âm nhạc quý báu ấy. Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022 chính là nỗ lực nhằm bảo tồn gìn, giữ và làm giàu có thêm di sản mà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đã truyền lại.

Cô Nguyễn Thị Mận, con gái nghệ nhân ưu tú Hà Thị Cầu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát xẩm Hà Thị Cầu, xã Yên Phong (huyện Yên Mô), người đã 2 lần tham dự liên hoan hát Xẩm bày tỏ sự xúc động: "Lúc mẹ tôi còn sống, cụ thường lo lắng rằng khi bà khuất núi, không còn có người nối nghiệp bà.

Nay qua 2 kỳ Liên hoan mà tôi trực tiếp tham dự, có thể thấy Xẩm đã không thất truyền, mà còn phát triển mạnh, nhiều người hát Xẩm rất hay, rất có hồn. Những người hát Xẩm có ở nhiều địa phương, cũng có nghĩa là nhiều người biết Xẩm, yêu Xẩm, trong đó có rất nhiều học trò của cụ. Chừng nào còn có những người yêu Xẩm thì chừng đó còn có người nhớ đến Xẩm u Cầu, nhớ đến đất Xẩm Yên Mô, Ninh Bình"...

Mai Phương - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ghi-nhan-tu-lien-hoan-hat-xam-ninh-binh-mo-rong-2022/d2022091915011866.htm