Giá dầu tăng trở lại khi OPEC+ bất ngờ cắt giảm thêm sản lượng

Với tuyên bố nhằm ổn định thị trường dầu, trong cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng, hôm qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác OPEC+ đã bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày.

Động thái ngay lập tức khiến giá dầu tăng lên hơn 5 USD mỗi thùng trong phiên giao dịch hôm nay.

Theo các dự đoán trước cuộc họp, OPEC+ sẽ giữ nguyên mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp, OPEC+ bất ngờ cắt giảm thêm 1,16 triệu thùng mỗi ngày. Việc cắt giảm theo cơ chế tự nguyện sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết năm nay.

Cụ thể, Iraq sẽ giảm 211.000 thùng dầu/ngày, Saudi Arabic cắt giảm 500.000 thùng/ngày, United Arab Emirates (UAE) giảm 144.000 thùng/ngày, Kuwait giảm 128.000 thùng/ngày, Oman giảm 40.000 thùng/ngày, Algeria giản 48.000 thùng/ngày, Kazakhstan giảm 78.000 thùng/ngày.

Trong khi, Nga sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 năm nay cho đến cuối năm – đây là mức cắt giảm Nga đưa ra để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Với những cam kết này, tổng mức cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 3,66 triệu thùng mỗi ngày, tương đương với 3,7% nhu cầu toàn cầu.

(Ảnh minh họa: KT)

Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, giá dầu đã ngay lập tức tăng lên hơn 5 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần. Giá dầu thô biển Bắc tăng lên mức cao nhất trong gần 1 tháng, giao dịch với giá 85,56 USD/thùng, tăng 5,67 USD hay 7,1%.

Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 1, với 81,08 USD/thùng, tăng 5,41 USD tương đương 7,2%. Một số nhà phân tích cảnh báo giá dầu có thể tăng thêm 10 USD/thùng trong thời gian tới.

Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ diễn ra sau khi giá dầu giảm mạnh vào tháng trước sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon của Mỹ và việc UBS buộc phải tiếp quản Credit Suisse, làm dấy lên lo ngại về sự lây lan trên thị trường tài chính toàn cầu và nhu cầu dầu thô giảm đáng kể.

Amrita Sen, giám đốc nghiên cứu của Energy Aspects, cho biết, OPEC+ đã thực hiện cắt giảm ưu tiên để “đón đầu” bất kỳ sự sụt giảm nào về nhu cầu có thể xảy ra do cuộc khủng hoảng ngân hàng gây ra. Trong khi cả Nga và Ả Rập Xê-út – hai quốc gia đầu tàu trong OPEC+ đều khẳng định, việc các thành viên thực hiện những cam kết cắt giảm sẽ giúp ổn định thị trường dầu mỏ trong bối cảnh hiện nay.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Nga và Saudi Arabic đã xác nhận sự sẵn sàng của cả hai bên để phối hợp hành động hơn nữa trong khuôn khổ OPEC+. Tất cả các quốc gia tham gia vào định dạng này đều nhất trí thực hiện các cam kết của mình nhằm đảm bảo sự cân bằng và ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu”.

Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng cao trong thời gian tới và điều này đem lại lợi nhuận cho các thành viên OPEC+. Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ đã gọi bước đi này là không khôn ngoan, cho rằng các nước không nên cắt giảm sản lượng dầu vào thời điểm này do thị trường đang bất ổn.

Dự báo, việc cắt giảm sản lượng dầu một cách bất ngờ của OPEC+ còn tạo ra nguy cơ khơi lại căng thẳng giữa Saudi Arabic và Mỹ - quốc gia luôn muốn Riyadh bơm thêm dầu vào thị trường trong nỗ lực chế ngự lạm phát tràn lan trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.

Với lần cắt giảm trước đó, nhiều quan chức Mỹ cáo buộc Saudi Arabic đã đứng về phía Nga và tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng cho châu Âu. Theo một số nguồn tin, hiện tại, Saudi Arabic cũng không hài lòng với Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden loại bỏ khả năng mua dầu thô để bổ sung kho dự trữ chiến lược vốn đã cạn kiệt vào năm ngoái và đợi giá dầu giảm mới mua vào.

Sau quyết định của OPEC+, đồng USD cũng bắt đầu tăng giá do những lo ngại về rủi ro lạm phát trở lại với việc giá dầu tăng, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá./.

Đình Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gia-dau-tang-tro-lai-khi-opec-bat-ngo-cat-giam-them-san-luong-post1011484.vov