Giải 'cơn khát' bác sĩ nội trú!

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với các trường khác đào tạo ngành y rà soát, tổng kết sâu sắc công tác đào tạo bác sĩ nội trú thời gian qua, từ đó tham mưu cho Bộ Y tế theo hướng hội nhập quốc tế và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của nguồn nhân lực y tế Việt Nam.

GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - Bác sĩ nội trú khóa 14 của Trường Đại học Y Hà Nội - Ảnh: VGP/HM

"Khát" bác sĩ chất lượng cao ngay cả ở Thủ đô

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, lịch sử đào tạo bác sĩ nội trú ở Việt Nam khởi phát từ Trường Đại học Y Hà Nội năm 1974, đến nay tròn 50 năm.

Hiện, trường Đại học Y Hà Nội là cơ sở đào tạo bác sĩ nội trú nhiều nhất trên cả nước, chiếm 41% số bác sĩ nội trú trên toàn quốc. Trong 50 năm, Trường đã đào tạo 5.159 bác sĩ nội trú.

Tuy nhiên, trong 40 năm đầu, chủ trương đào tạo bác sĩ nội trú là đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, chỉ tiêu có giới hạn, đào tạo theo chương trình đặc biệt 3 năm sau khi kết thúc 6 năm cơ bản.

Phải trải qua kỳ thi đầu vào rất khắc nghiệt, quá trình học và đầu ra đều yêu cầu rất cao, nên mỗi khóa chỉ rất ít bác sĩ nội trú được tuyển chọn.

Tổng kết 40 năm đào tạo bác sĩ nội trú (1974 - 2014), Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo 1.812 bác sĩ, nhưng đa số các bác sĩ công tác tại các BV tuyến Trung ương. Ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng chỉ có 2 bác sĩ nội trú "đầu quân". Tại các tỉnh, bác sĩ nội trú về công tác càng hiếm.

Hà Nội đã ký hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú với trường Đại học Y Hà Nội trong thời gian tới - Ảnh: VGP/HM

"Trong 40 năm đầu, Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo khoảng 17.000 sinh viên và 1.770 bác sĩ nội trú, tức là chỉ 10% bác sĩ được đào tạo nội trú. Số bác sĩ này đều về làm việc ở các BV Trung ương, mà số BV Trung ương chỉ chiếm 10% tổng số BV cả nước.

Như vậy, 90% bác sĩ không học nội trú lại đang phủ 90% BV trong cả nước. Tức là, đa số người bệnh không được các bác sĩ giỏi điều trị, dẫn đến tình trạng quá tải tại tuyến Trung ương. Đây là lý do để chúng tôi đề xuất thay đổi mô hình đào tạo bác sĩ nội trú theo hướng mở rộng và tiến tới bắt buộc đào tạo nội trú với 100% bác sĩ khi tốt nghiệp", GS.TS Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sau đại học của trường Đại học Y Hà Nội phân tích.

Hiện nay, trường Đại học Y Hà Nội có 39 chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú, mỗi chuyên ngành có khoảng 6-7 bác sĩ nội trú/khóa. Như vậy, trung bình một khóa cũng chỉ có 350-440 bác sĩ được đào tạo nội trú. Con số này vẫn rất ít so với hàng nghìn sinh viên y khoa tốt nghiệp một năm.

Các địa phương như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh và dự án đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn của Bộ Y tế, các BV Tâm Anh, BV Vinmec… cũng đã ký hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú với trường Đại học Y Hà Nội.

Điều này cho thấy, nhu cầu bác sĩ nội trú rất lớn, trong khi hầu hết các tỉnh hiện nay vẫn "trắng" bác sĩ nội trú. Do đó, chúng ta không sợ đào tạo thừa, GS Tạ Thành Văn cho biết.

Số bác sĩ học nội trú đang tăng dần đến 75%

Hiện nay, trên thế giới, đào tạo bác sĩ nội trú là xu hướng bắt buộc đối với tất cả các bác sĩ muốn tham gia hành nghề. Ở Việt Nam, nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân cũng ngày càng tăng, do đó, mô hình đào tạo y tế cần phải thay đổi để hội nhập và phù hợp với thực tiễn về nguồn nhân lực cao của đất nước.

Trong 50 năm, Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ nội trú - Ảnh: VGP/HM

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, từ nhu cầu thực tế về nguồn bác sĩ chất lượng cao, trường Đại học Y Hà Nội đã đề xuất với Bộ Y tế thay đổi cách thức thi tuyển, đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ nội trú, nhằm tăng nguồn cung bác sĩ tay nghề cao phục vụ các cơ sở y tế trên cả nước, để mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, hiện đại.

Theo đó, Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương mở rộng quy mô đào tạo bác sĩ nội trú, tiến tới bắt buộc đào tạo nội trú với 100% bác sĩ khi tốt nghiệp. Vì vậy, 9 năm trở lại đây, mô hình đào tạo bác sĩ nội trú đã và đang thay đổi, khác biệt rất nhiều so với trước.

Nếu như trước năm 2015, tỷ lệ sinh viên y tốt nghiệp học bác sĩ nội trú chỉ dưới 10%, thì năm từ 2016 đến nay, tỷ lệ này tăng dần từ trên 20% đến 75%.

Đặc biệt, trước năm 2015, 90% bác sĩ nội trú ở lại các trường hoặc công tác tại các BV Trung ương, thì sau năm 2015, tỷ lệ bác sĩ nội trú về các địa phương và BV ngoài công lập tăng lên khoảng 35%, GS Tạ Thành Văn cho biết.

Đào tạo bác sĩ nội trú là cho cả hệ thống y tế

Cũng theo GS Văn, mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú, để các BV tuyến tỉnh và các cơ sở y tế tư nhân đều có bác sĩ chất lượng cao. Vì dù là cơ sở y tế công lập hay tư nhân thì cũng đều là chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam và đều cần đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao.

Hơn nữa, trước đây bác sĩ nội trú đào tạo với chỉ tiêu ít nên được chọn nơi công tác, nhưng hiện nay, việc đào tạo bác sĩ nội trú phổ cập thì các bác sĩ sẽ không có quyền lựa chọn nữa. Và việc điều phối nguồn lực phải có chính sách của nhà nước.

GS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương cũng chia sẻ, năm 2022, BV tiếp nhận 27 bác sĩ nội trú, trong đó có 16 bác sĩ nhi và 9 bác sĩ ở các chuyên ngành khác. Với chỉ tiêu giới hạn đào tạo bác sĩ nội trú như trước đây, nguồn nhân lực bác sĩ chất lượng cao không đủ đáp ứng cho nhiều tuyến y tế. Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo thêm nhiều bác sĩ nội trú hơn nữa.

"Các trường đại học y có đủ điều kiện về nhân lực giảng dạy, cơ sở thực hành lâm sàng đạt chuẩn cần mở rộng đào tạo", ông Trần Minh Điển bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, việc đào tạo bác sĩ nội trú là cho cả hệ thống y tế, chứ không phải cho riêng trường Đại học Y Hà Nội, nên rất cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và hỗ trợ, nhất là về chính sách đối với đào tạo bác sĩ nội trú và các cơ sở thực hành.

Trong đó, vấn đề các cơ sở thực hành rất quan trọng vì đào tạo bác sĩ nội trú chủ yếu là thực hành. Đây là yếu tố quyết định sự thành bại của bác sĩ nội trú. Vì vậy, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đề nghị các BV, cơ sở y tế cần chung tay xây dựng chương trình và tham gia tích cực trong đào tạo bác sĩ nội trú cho cả nước.

GS Nguyễn Hữu Tú cũng cho rằng, nhà trường sẽ không ngừng cố gắng đổi mới chương trình đào tạo bác sĩ nội trú để phù hợp với thực tế, đề cao trách nhiệm của các thầy cô và bộ môn, tăng cường quản lý, đánh giá người học, đảm bảo chất lượng đào tạo và thương hiệu bác sĩ nội trú trường Đại học Y Hà Nội mà nhiều thế hệ thầy cô, sinh viên tự hào trong 50 năm qua.

Theo GS.TS Đoàn Quốc Hưng, để tiến tới 100% bác sĩ đều được học nội trú, tức là mọi người bệnh được các bác sĩ giỏi chăm sóc như nhau, thì từ năm 2024, Bộ Y tế cần có tầm nhìn và đưa ra con số cụ thể, như năm 2030, Việt Nam cần bao nhiêu bác sĩ ở từng chuyên ngành, tỷ lệ chung của bác sĩ nghỉ hưu và căn cứ chỉ tiêu để phân bổ cho các trường đại học Y tuyển sinh bác sĩ nội trú. Con số dự liệu chuẩn sẽ đảm bảo khi tốt nghiệp, các bác sĩ nội trú đều có chỗ làm.

Hiện nay, kỳ thi bác sĩ nội trú của Trường Đại học Y Hà Nội mang tính toàn quốc, nên cạnh tranh rất lớn. Do đó, nếu chỉ Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo bác sĩ nội trú, thì mục tiêu 100% sinh viên tốt nghiệp được đào tạo nội trú sẽ không thể thành hiện thực.

Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đề nghị trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với các trường khác đào tạo ngành y để rà soát, tổng kết sâu sắc việc đào tạo bác sĩ nội trú thời gian qua, từ đó tham mưu cho Bộ Y tế theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của nguồn nhân lực y tế Việt Nam.

Nhà trường cũng cần đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng mô hình đào tạo này. Quan trọng nhất là xác định rõ định hướng mô hình đào tạo bác sĩ nội trú sẽ đổi mới theo con đường nào, Bộ trưởng cho biết.

Hiện, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bác sĩ nội trú. Trung bình một năm có khoảng 900 người tốt nghiệp bác sĩ nội trú, trên 40% số này được đào tạo tại trường Đại học Y Hà Nội.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/giai-con-khat-bac-si-noi-tru-102240227080414759.htm