Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ

'Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ' là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, sáng 25/12 tại Hà Nội.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dự Hội thảo có hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

GÓP PHẦN TỔNG KẾT 40 NĂM ĐỔI MỚI VÀ XÂY DỰNG DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI XIV

Phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa nhằm thảo luận, tổng kết những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ, đề ra những giải pháp, nhất là trong tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trong giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ. Đặc biệt, Hội thảo còn góp phần tham gia việc tiến hành tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Theo GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, điểm nhấn nổi bật của nhiệm kỳ XIII là việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược và mang tư duy đổi mới cả về lý luận và thực tiễn, đã được nêu ra từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế và đại dịch COVID-19, chúng ta đã đảm bảo được an sinh xã hội, an ninh và an toàn cho nhân dân. Các chính sách xã hội đã được quyết liệt triển khai với tinh thần tất cả vì nhân dân; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Nhờ đó, đời sống của nhân dân được bảo đảm và tiếp tục cải thiện.

"Trong nửa đầu nhiệm kỳ của khóa XIII, chúng ta đã kết hợp nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kết hợp hài hòa, toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng với nhiều cách làm mới, sáng tạo có hiệu quả cao. Đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng Đảng ngay từ cơ sở, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu", GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, tình hình thế giới, trong nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhiều biến động khó dự báo. Để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở một số vấn đề về định hướng giải pháp tổ chức thực hiện để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thảo luận, phân tích làm sâu sắc hơn, như: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam; hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện...

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG QUAN LIÊU, THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, “LỢI ÍCH NHÓM”

Hội thảo diễn ra với 2 phiên: Tham luận, phát biểu tại chỗ và Thảo luận bàn tròn. Cùng với hơn 50 tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, các ý kiến phát biểu trực tiếp và thảo luận tại Hội thảo đã có những đánh giá khách quan, toàn diện đối với kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó có minh chứng sinh động từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tại các địa phương và các ngành.

PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận.

Hội thảo thống nhất nhận định, hơn 2 năm qua, đất nước ta đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm an sinh xã hội; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam...

Đồng thời, các đại biểu cũng đề cập những nguyên nhân, hạn chế, điểm nghẽn trong thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm nửa nhiệm kỳ vừa qua; cho rằng, các quan điểm, chủ trương của Đảng vẫn chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa đồng bộ thành các chương trình và kế hoạch hành động. Công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có đột phá trong khâu triển khai thực hiện. Bất cập trong công bằng xã hội chưa được khắc phục. Có khó khăn, vướng mắc trong huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách xã hội; chậm triển khai thực hiện một số chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…

GS. TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tham luận.

Từ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, các ý kiến tham luận, thảo luận, phát biểu tại Hội thảo đã tập trung đề xuất, lý giải những giải pháp quan trọng, cơ bản để trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XIII. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là cần thực hiện thành công 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra trong các lĩnh vực: 1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; 2) Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; 3) Tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; 4) Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; 5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; 6) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ việc đánh giá vai trò quyết định của hệ thống chính trị trong thực hiện đường lối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, gợi mở những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, các đại biểu phát biểu tham luận, đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh giai đoạn mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững; kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trên lĩnh vực xã hội và định hướng giải pháp trong giai đoạn tiếp theo; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập của Việt Nam.

TS. Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại chỗ.

Các đại biểu cũng nêu ý kiến, thảo luận bàn tròn về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế số; các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; một số giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; những gợi ý từ thực tiễn khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, các giải pháp đột phá thu hút đầu tư, khắc phục “điểm nghẽn” của một số địa phương…

Các đại biểu tham gia Thảo luận bàn tròn.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MẠNH MẼ TƯ DUY, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, KHƠI DẬY TIỀM NĂNG, NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều coi trọng sự chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo.

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, từ những nghiên cứu công phu, tâm huyết, trong các tham luận gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo cùng những ý kiến phát biểu, thảo luận của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý tại Hội thảo đã tập trung làm rõ:

Thứ nhất, đề xuất các giải pháp khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cơ chế, chính sách phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ thông qua phương thức nêu gương; tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng; tăng cường tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một số vấn đề đặt ra trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, trong lĩnh vực kinh tế, đề xuất những chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bảo đảm sự phát triển bền vững; xu hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; các giải pháp gia tăng năng suất lao động trong tình hình mới; xu hướng chuyên môn hóa sản xuất kinh doanh ở các vùng của Việt Nam; giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung bộ; hiệu quả từ việc thực hiện các khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương…

Quảng cảnh Hội thảo.

Thứ ba, đề cập sâu, đồng thời gợi ý giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trên lĩnh vực xã hội; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; quản lý phát triển xã hội bền vững, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam; phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam; phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội; sự biến đổi tôn giáo và công tác tôn giáo ở Việt Nam trong tình hình hiện nay...

Thứ tư, về đối ngoại, đề cập xu hướng định hình trật tự thế giới đa cực và hàm ý chính sách cho Việt Nam; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng trong bối cảnh mới ở Việt Nam; giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, thành công của Hội thảo sẽ góp phần tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để từ đó tạo ra những đột phá quan trọng hơn nữa, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước ta, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII cho đến hết nhiệm kỳ.

“Những ý kiến đề xuất của các đại biểu hôm nay thiết thực, gợi mở một số vấn đề lý luận và kết quả tổng kết thực tiễn, đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh./.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/giai-phap-thuc-hien-cac-nhiem-vu-trong-tam-cua-dai-hoi-xiii-tu-nay-den-het-nhiem-ky-152391