Giải quyết bất cập trong bồi dưỡng giáo viênTin khácTHÔNG BÁO NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021) HĐND TỈNH KHÓA XVII NHIỆM KỲ 2021 – 2026Phấn đấu bệnh viện luôn là 'vùng xanh' trong phòng chống dịch

Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018), trước hết phải nâng cao công tác bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên và nhà quản lý.Cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai một số chương trình nhưng nhiều bất cập vẫn tồn tại.

Giáo viên nòng cốt là chỗ dựa của giáo viên đại trà

Ba năm qua, Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gọi là Chương trình ETEP) nhằm triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. Chương trình đã giải quyết được nhiều bất cập, mang lại lợi ích thực sự, tuy nhiên quá trình áp dụng vẫn có sự “vênh nhau” giữa chương trình và thực tiễn nhiệm vụ.

Thực hiện theo Chương trình ETEP, 54 mô-đun bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho 3 cấp học, mỗi cấp học 2 đối tượng, mỗi đối tượng được bồi dưỡng 9 mô-đun. Tính đến ngày 18-11, cả nước đã có hơn 2,1 triệu lượt giáo viên và cán bộ quản lý GDPT hoàn thành các mô-đun bồi dưỡng; 56/63 sở giáo dục và đào tạo triển khai cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT học tập, bồi dưỡng trên Hệ thống quản lý học tập (Hệ thống LMS) thực hiện chương trình GDPT mới.

Kế hoạch bồi dưỡng sẽ theo thứ tự giảng viên sư phạm với giáo viên nòng cốt, giáo viên sẽ phụ trách hỗ trợ giáo viên đại trà. Từ thực tế của trường, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo (giáo viên cốt cán, Trường Tiểu học Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, đây là lần đầu tiên những giáo viên miền núi được tham gia việc học với sự hỗ trợ của giáo viên sư phạm. Hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến khá mới mẻ, khiến nhiều giáo viên lo lắng, các bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, họ đã lập ra nhóm chat để trao đổi trực tiếp, hướng dẫn các giáo viên. Các nhóm kết nối, tạo nên nhiều nhóm giáo viên học tập ở mọi miền Tổ quốc. Còn cô Nguyễn Thị Tách (giáo viên đại trà, Trường Tiểu học Tân Việt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) cho hay, tài liệu tập huấn trên mô-đun khá chi tiết, song cô rất muốn nhận được sự hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi của giáo viên cốt cán.

PGS, TS Nguyễn Văn Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ đã khắc phục được cách bồi dưỡng tập trung ngắn ngày trước đây là “bồi dưỡng xong xuôi tất cả lại về”. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, của đội ngũ giáo viên sư phạm và cốt cán, người học không còn cảm thấy mất động lực học tập. Họ luôn có sự đồng hành trước, trong và sau quá trình bồi dưỡng, hình thành các hội, nhóm, cộng đồng giáo viên học tập.

Bồi dưỡng vẫn “chạy” theo thực tế

Theo ban quản lý Chương trình ETEP, hiện chương trình đã tổ chức bồi dưỡng được 4 mô-đun trên tổng số 9 mô-đun cho mỗi nhóm đối tượng ở 3 cấp học. Trong đó có khoảng 600.000 giáo viên đã hoàn thành 3 mô-đun 1, 2, 3 và gần 193.000 giáo viên đã hoàn thành mô-đun 4. Số cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đã hoàn thành 3 mô-đun đầu là hơn 45.000 người, hoàn thành mô-đun 4 là hơn 1.600 người.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, ở nhiều địa phương, hoạt động này vẫn mang tính hình thức, đối phó và không hiệu quả. Sở dĩ có tình trạng đó bởi theo nhận xét của nhiều giáo viên, lượng kiến thức họ thu về còn rất chung chung, chưa giải quyết được những khó khăn thực tế họ gặp phải với chủ đề cụ thể. Đặc biệt, hoạt động bồi dưỡng triển khai khá chậm trễ so với tiến độ thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số trường ở Yên Bái và Bắc Giang, nhiều giáo viên chia sẻ nội dung bồi dưỡng còn mang tính hàn lâm, chưa sát với nhu cầu thực tiễn. Có giáo viên tập huấn xong vẫn thấy “ngẩn ngơ”. Chưa kể, các mô-đun tập huấn diễn ra liên tục theo kiểu “chạy” cho kịp tiến độ nên giáo viên rơi vào tình trạng chưa kịp “ngấm” mô-đun này và chưa có thời gian trải nghiệm thực tiễn đã “tải” thêm mô-đun mới. Bên cạnh đó, giáo viên phải tranh thủ “thời gian vàng” học sinh đến trường để hoàn thành truyền đạt những kiến thức cốt lõi; họ cũng phải “bù đầu” với các hoạt động thanh tra, tổ chức thi, thao giảng và tham gia các cuộc thi của ngành… khiến giáo viên rơi vào tình trạng “học cho xong”.

Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP, chương trình bồi dưỡng có nhiều điểm mới, phù hợp tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, chương trình cũng gặp một số khó khăn khi có khoảng 8-10% giáo viên phổ thông cốt cán hao hụt theo thời gian sau khi được bồi dưỡng các mô-đun, do nghỉ thai sản, chuyển đổi vị trí công việc, nghỉ hưu… Nhiều Sở GD&ĐT lựa chọn giáo viên cốt cán chưa phủ hết các môn học, cấp học, nhiều học viên sau khi hoàn thành mô-đun 1 lại không tiếp tục học mô-đun 2, 3. Cơ cấu đội ngũ chủ chốt chưa cân đối ở một số địa phương. Đặc biệt một số giáo viên phổ thông chỉ muốn chọn môn chính, không muốn lựa chọn học các môn kiêm nhiệm như hoạt động trải nghiệm, nhiều phòng GD&ĐT không có giáo viên cốt cán ở một số môn. Điều này dẫn đến một số giáo viên quá tải vì phải hướng dẫn 100 giáo viên đại trà, trong khi yêu cầu 1 giáo viên cốt cán chỉ hỗ trợ khoảng 30 giáo viên đại trà.

Theo Quandoinhandan

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/464919-giai-quyet-bat-cap-trong-boi-duong-giao-vien.html