Giải tỏa nông sản xuất khẩu

Hàng nghìn tấn nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang ùn ứ tại các cửa khẩu. Ngoài ra, hàng trăm tấn sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2020, nhưng tất cả các nội dung thương thảo hai bên đều tạm phải dừng lại do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Ảnh: minh họa

Theo đó, với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỉ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và các lễ sau Tết đang “tắc đường” xuất khẩu. Từ nay đến tháng 3, Việt Nam sẽ thu hoạch gần 200.000 tấn thanh long, chủ yếu là xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do dịch nCoV.

Chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn, hiện có khoảng trên 330 xe đang chờ thông quan, trong đó, riêng thanh long có 190 xe, tổng trọng lượng hơn 3.500 tấn do Trung Quốc ra lệnh đóng cửa 9 cặp chợ biên giới.

Không chỉ khó khăn ở đường bộ, một số hãng tàu biển chuyên đi Trung Quốc cũng thông báo ngừng vận chuyển container đến nước này khiến lượng hàng tồn kho ngày càng lớn. Nhiều đơn hàng xuất khẩu thủy sản doanh nghiệp ký với phía Trung Quốc gần đến ngày giao nhưng họ thông báo nhận hàng chậm so với hợp đồng.

Theo Bộ Công thương, mấu chốt hiện nay là phía Trung Quốc thông báo dừng giao dịch hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân trên toàn tuyến biên giới, đóng các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới từ ngày 31-1 đến 8-2 để ứng phó với dịch nCoV, khiến hệ thống chợ, nhà hàng, chuỗi bán lẻ đều không hoạt động, nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Do vậy, Bộ Công thương khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngừng đưa hàng lên biên giới, đồng thời chuẩn bị sẵn nguồn hàng trong chu kỳ 3 - 5 tháng tới khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Để đối phó với tác động tiêu cực của dịch nCoV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến sản phẩm đồ hộp, đồ đông lạnh.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng nếu lệ thuộc duy nhất vào thị trường này sẽ rất rủi ro. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đoàn đi xúc tiến thương mại nông sản ở Dubai, Brazil, Nhật Bản, Nga để mở thêm các thị trường mới cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Mặt khác, các chuyên gia đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các hoạt động giao thương bị ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp bằng cách cắt giảm các loại thuế, phí, giảm lãi suất cho vay, hoãn trả vốn vay... để giúp các doanh nghiệp, nông dân vượt qua khó khăn. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa; kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng tác động từ dịch nCoV với các mặt hàng nông sản đòi hỏi các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

Vấn đề quan trọng đặt ra với nông sản xuất khẩu lúc này là chủ động ứng phó tác động dịch bệnh, không quá hoảng sợ, bi quan mà phải tìm cách thích ứng, khai thác cơ hội khi thời gian tác động sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giai-toa-nong-san-xuat-khau/