Giảm áp lực, tăng thực chất

Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013 và trở thành hoạt động thường niên.

Ảnh minh họa ITN.

Từ kết quả của cuộc thi, Bộ GD&ĐT lựa chọn những dự án đoạt giải cao nhất, có đủ điều kiện theo quy định để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc tế dành cho học sinh trung học (ISEF). Thành tích dự thi Hội thi ISEF của Việt Nam đến nay rất đáng tự hào, năm nào cũng có dự án đoạt giải.

Hằng năm, để có một số dự án tham dự Hội thi ISEF, đã có hàng trăm dự án dự cuộc thi cấp quốc gia; hàng ngàn dự án dự cuộc thi cấp tỉnh/thành phố; hàng chục ngàn dự án tại các cuộc thi ở trường trung học trên cả nước. Con số đó nói lên sự phát triển của hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật cũng như giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Đây là tiền đề quan trọng cho việc triển khai mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Có thể nói, Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giáo dục phổ thông. Đây là sân chơi bổ ích để học sinh có cơ hội tham gia nghiên cứu, thể hiện năng lực, tư duy, sáng tạo, những ý tưởng táo bạo của tuổi trẻ về khoa học, kỹ thuật.

Hơn 10 năm qua, cuộc thi đã thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, góp phần giáo dục toàn diện, định hướng cho học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật mở ra cơ hội cho học sinh tiếp cận thế giới, góp phần ươm mầm tài năng khoa học.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc tổ chức cuộc thi tại địa phương còn khó khăn. Trong đó, khó có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu đề tài; khó tìm được đề tài nghiên cứu có đủ tính mới, khoa học, sáng tạo, người hướng dẫn đủ trình độ và điều kiện; đội ngũ ban giám khảo có trình độ, kinh nghiệm…

Bộ GD&ĐT từng tiến hành khảo sát ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục cấp sở/phòng GD&ĐT, nhà trường và giáo viên trung học. Theo đó, có đến 41% trong số 87.909 ý kiến thu được cho rằng, nên tiếp tục tổ chức cuộc thi nhưng có những cải tiến phù hợp.

Một trong những động thái cải tiến thể hiện ở dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Dự thảo có nhiều điểm mới: Thay “Cuộc thi” thành “Hội thi”; quy định cụ thể số lượng dự án đăng ký dự thi cho mỗi đơn vị hằng năm; quy định lại 8 nhóm lĩnh vực dự thi, giảm nhiều so với trước (22); thay đổi nội dung mục đích, yêu cầu, thời gian thực hiện dự án; quy định thêm về kinh phí tổ chức Hội thi; tăng tỷ lệ xếp giải; tăng điểm cho tính sáng tạo (25 điểm so với 20 điểm theo quy định hiện hành)…

Những nội dung sửa đổi được nhiều nhà giáo nhận định giúp cuộc thi đi vào thực chất hơn, phù hợp với năng lực học sinh, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; tạo sân chơi bổ ích để học sinh giao lưu, học hỏi, tránh chạy theo thành tích...

Tuy nhiên, nhiều việc khác còn phải làm để nâng cao chất lượng cuộc thi. Đơn cử như tiếp tục nghiên cứu để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, đội ngũ chuyên gia làm ban giám khảo khách quan, chính xác, dễ thực hiện để sử dụng trong cuộc thi cấp quốc gia và tại địa phương; có chính sách động viên khuyến khích địa phương, thầy cô giáo, học sinh tham gia tích cực, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường phổ thông với viện nghiên cứu, trường ĐH, doanh nghiệp để huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-ap-luc-tang-thuc-chat-post662688.html