GIÁM SÁT TỈNH NGHỆ AN VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Chiều 10/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về 'việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022'.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó trưởng Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn công tác. Tham gia Đoàn giám sát có Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh; ông Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh; bà Thái Thị An Chung, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Cùng đi có các chuyên gia, khách mời gồm: Thiếu tướng Huỳnh Thới An, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC& CNCH, Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Đoàn Việt Mạnh, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an); đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Giao thông Vận tải), Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng).

Làm việc với Đoàn giám sát, về phía tỉnh Nghệ An có ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh và các Sở, ban ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An.

Đại tá Nguyễn Duy Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Trình bày Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội, Đại tá Nguyễn Duy Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 28.300 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, với hơn 6.400 cơ sở do cơ quan Công an quản lý, gần 22.000 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 252 vụ cháy, làm 10 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 22 tỷ đồng, ảnh hưởng gần 70 ha rừng. So với cùng kỳ giai đoạn 2017-2019, giảm 13 vụ cháy, tăng 9 người chết, thiệt hại về tài sản giảm trên 14 tỷ đồng.

Trong giai đoạn giám sát, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết, 3 Kế hoạch; trực tiếp ban hành 39 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/2021 quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001 có hiệu lực; trong đó chỉ đạo việc di dời các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong khu dân cư không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 809 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC; 386 mô hình Khu dân cư an toàn PCCC và gần 2.000 điểm chữa cháy công cộng.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Tuy nhiên, việc xử lý đối với các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực còn gặp một số khó khăn, nhất là đối với các cơ sở công lập bởi việc khắc phục đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn từ ngân sách Nhà nước. Tỉnh Nghệ An đề xuất quy định việc xử lý các cơ sở nêu trên đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc; đồng thời quy định cụ thể nguồn ngân sách để thực hiện quy định này đối với các cơ sở công lập được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC 2001 có hiệu lực thi hành. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về chính sách đặc thù cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tới đây.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả công tác tuyên truyền về PCCC trên địa bàn tỉnh đã đi vào chiều sâu. Phong trào toàn dân tham gia PCCC được quan tâm, gắn với cơ sở, phát huy vai trò của lực lượng dân phòng. Đề nghị tỉnh báo cáo làm rõ thêm việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 211 lượt cơ sở có vi phạm nghiêm trọng trong công tác PCCC và CNCH; số liệu di dời các cơ sở có nguy cơ cao về an toàn PCCC ra khỏi khu dân cư; công tác xã hội hóa trong hoạt động PCCC; việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; sự phối hợp giữa lực lượng PCCC tại chỗ với lực lượng chuyên ngành. Ý kiến khác đề nghị tỉnh báo cáo rõ kết quả, cách thức xử lý đối với các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực; chất lượng hoạt động của các Đội dân phòng; công tác PCCC rừng.

Thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, qua phản ánh của dư luận, doanh nghiệp cho thấy, đang có những vướng mắc trong việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến PCCC, trong đó có Quy chuẩn 06:2022 của Bộ Xây dựng về An toàn cháy cho nhà và công trình. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như nhà hàng, quán bar, karaoke là nơi có rủi ro cao về cháy nổ. Việc siết chặt các tiêu chuẩn về PCCC của các cơ sở này để nâng cao an toàn phòng chống cháy nổ, nhưng đã làm ảnh hưởng, thậm chí đình trệ hoạt động của các cơ sở. Đề nghị tỉnh báo cáo cụ thể những vướng mắc, bất cập, số liệu thiệt hại về kinh tế đối với thu ngân sách và các hộ kinh doanh; từ đó có những đề xuất phương hướng giải quyết.

Ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An

Tại buổi làm việc, ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cũng nêu lên những khó khăn về thủ tục pháp lý khi tiến hành cải tạo, chuyển đổi mục đích, công năng của công trình. Cụ thể tại Khoản 4, Điều 13, Nghị định 136 của Chính phủ quy định về các thủ tục thẩm duyệt điều chỉnh thiết kế phải có “Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình”, gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm duyệt PCCC. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị các thành phần hồ sơ nêu trên chỉ áp dụng khi xây dựng mới các công trình.

Đối với các công trình chuyển đổi mục đích, công năng, cải tạo nhà xưởng, chỉ xem xét nội dung về PCCC phù hợp với hồ sơ thiết kế theo đề nghị của doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng cho rằng, đối với nhà ở chuyển đổi công năng sang kết hợp sản xuất, kinh doanh, việc xin cấp phép xây dựng gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết nội dung này. Quy chuẩn 06:2022 của Bộ Xây dựng và Tiêu chuẩn 3890:2023 chưa phân loại cụ thể các loại hình công trình cần áp dụng các điều kiện về PCCC, dẫn đến một số công trình quy mô nhỏ nhưng lại phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về PCCC dẫn đến khó áp dụng trong thực tế. Ví dụ, cửa hàng kinh doanh gas tại nông thôn có diện tích khoảng 15m2. Theo quy định, cửa hàng này phải xây dựng bể nước chữa cháy tối thiểu 54 m3, trang bị máy bơm chữa cháy và các hệ thống, phương tiện PCCC khác. Trên thực tế không thể xây dựng bể nước PCCC do không đủ quỹ đất. Kinh phí để trang bị hệ thống, thiết bị PCCC cao gấp nhiều lần so với kinh phí đầu tư xây dựng và đưa cửa hàng đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Hải Dũng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phân loại cụ thể về loại hình, đối tượng áp dụng của các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC để phù hợp khi triển khai trong thực tế.

Thay mặt Đoàn giám sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định, 9 kiến nghị của Đoàn giám tối cao của Quốc hội năm 2019 về phòng cháy chữa cháy đã và đang được tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh. Buổi làm việc sôi nổi đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực này.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Trưởng đoàn công tác cũng cho rằng, thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội, đã có nhiều văn bản pháp lý như: Quyết định 630/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 136/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về an toàn PCCC. Việc ban hành các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn là hết sức cần thiết, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế cũng có những vướng mắc.

“Chúng tôi khẳng định, không phải tự nhiên các doanh nghiệp có ý kiến. Việc truyền thông, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp cũng có hạn chế. Việc chuyển đổi mục đích, công năng từ nhà ở sang kinh doanh dịch vụ là những cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Song nếu làm không nghiêm, không chặt chẽ thì cháy nổ lại xảy ra”, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng phân tích.

Phó Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định để có những kiến nghị cụ thể, đầy đủ trên tinh thần kết hợp hài hòa giữa các quy định “cũ” và “mới”, vừa chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước để bảo đảm an toàn cho người dân nhưng cũng không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Chẳng hạn như Quy chuẩn 06:2022 cũng cần tính đến việc hài hòa đối với các loại hình, phân loại các cơ sở, công trình đáp ứng theo quy chuẩn an toàn phòng cháy.

Phó trưởng Đoàn giám sát đề nghị cũng đề nghị tỉnh Nghệ An có những kiến nghị cụ thể đối với việc sửa đổi các quy định pháp luật để vừa đảm bảo an toàn PCCC, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói riêng và toàn quốc nói chung./.

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77844