Giãn nộp thuế: Lo ngại trục lợi từ chính sách, không công bằng

Gia hạn, giãn nộp thuế cần đúng và trúng đối tượng hỗ trợ để DN có thể khắc phục được khó khăn, tránh những trường hợp trục lợi từ chính sách.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, sẽ gia hạn 5 tháng đối với các khoản: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 (với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc của Quý I và Quý II/2020 (với trường hợp nộp theo quý). Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền gia hạn đợt này là 30.100 tỷ đồng.

Chỉ gia hạn đối với thuế phát sinh

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc giãn thời gian nộp thuế chỉ áp dụng với một số nhóm ngành, không áp dụng với toàn bộ doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế. Riêng với DN nhỏ và vừa, có 93% số DN thực tế đang kinh doanh kê khai nộp thuế, nên theo quy định, cứ DN nhỏ và siêu nhỏ là được gia hạn nộp thuế, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, mức độ tác động ít hay nhiều.

Hàng loạt doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn vì thiếu nguyên vật liệu

Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách thuế khẳng định, dự thảo Nghị định quy định chỉ gia hạn tiền thuế phát sinh, không gia hạn số nợ thuế cũ nên sẽ hạn chế tiêu cực.

“Nếu gia hạn cả tiền nợ thì chúng ta đánh đồng DN chấp hành tốt với DN không chấp hành – là DN vẫn còn nợ thuế. Do đó, trong dự thảo có nêu rõ là chỉ gia hạn tiền thuế phát sinh phải nộp của các tháng có liệt kê”, ông Phạm Đình Thi nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), Nghị định khi được ban hành có thủ tục đơn giản, khác hoàn toàn với chính sách gia hạn hiện nay là người kinh doanh phải làm đơn đề nghị được gia hạn tiền thuế, rồi chứng minh thiệt hại về vật chất và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận... Tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận khi dịch bệnh gây ra làm đình trệ hoạt động sản xuất, doanh thu kinh doanh sụt giảm mạnh nên việc chứng minh về thiệt hại vật chất là rất khó.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)

“Các DN đối chiếu theo quyết định này để xác định mình thuộc đối tượng được gia hạn hay không. Thực tế, chúng ta không lo DN không tiếp cận được thông tin, bỏ lỡ quyền lợi của mình bởi hiện nay hơn 90% DN đang kê khai và nộp thuế điện tử và tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ nên chắc chắn DN sẽ biết và nắm được để đến kê khai”, ông Lưu Đức Huy nói.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, ngành Thuế không thể cử đoàn đi khảo sát, xác định đối tượng hỗ trợ, bởi đối tượng được hỗ trợ tại dự thảo Nghị định rất rộng. Riêng DN nhỏ và siêu nhỏ đã chiếm 93% số DN nộp thuế, ngoài ra còn các hộ, cá nhân kinh doanh.

“Hiện cơ quan thuế quản lí theo tính chất rủi ro. Khi xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro thì cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra, kiểm tra. Nếu quy định thời gian cơ quan thuế kiểm tra, thông báo xem DN có thuộc đối tượng giãn thuế hay không thì không thể làm hết được. Cho nên không thể quy định thời gian cơ quan thuế kiểm tra, ra thông báo được (doanh nghiệp phải tự xác định mình có thuộc đối tượng giãn thuế hay không - PV)”, ông Lưu Đức Huy chia sẻ.

Với các trường hợp xác định nhầm, không thuộc đối tượng nhưng vẫn đăng ký gia hạn, sau này mới phát hiện ra, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh, nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Quản lý thuế.

“DN được gia hạn thì không phải tính tiền chậm nộp nhưng với điều kiện DN đúng là đối tượng được gia hạn. Nếu sau khi cơ quan thuế rà soát thấy người nộp thuế không thuộc đối tượng được giãn thuế, thì sẽ bị tính thêm tiền chậm nộp theo quy định pháp luật”, ông Lưu Đức Huy nêu rõ.

Cần cụ thể hóa để tránh lợi dụng chính sách

Trao đổi với PV Báo điện tử VOV, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, dịch bùng phát bất ngờ và nhanh chóng, ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc ứng xử, xử lý của Bộ Tài chính là nhanh và kịp thời. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa hơn nữa các thông tin cụ thể về mức miễn, giảm, giãn thuế và đối tượng hỗ trợ cụ thể để tránh những sự lợi dụng chính sách một cách không đáng có.

“Để tránh việc các DN có thể lợi dụng chính sách miễn, giảm, giãn thuế này để đòi hỏi 1 cách vô lý thì cần phải làm rõ trường hợp được miễn, trường hợp nào được giảm và được miễn, giảm đến đâu, phải quy định rõ ràng. Và đặc biệt, loại hình DN được miễn, giảm ra sao thì phải cụ thể, vì có những ngành thiệt hại trực tiếp, thiệt hại lớn nhưng có những ngành chỉ bị thiệt hại ở mức nhẹ hoặc không bị ảnh hưởng gì”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, khi các thông tin về mức miễn, giảm, giãn thuế, đối tượng hỗ trợ cụ thể… được công khai, minh bạch thì các DN có thể theo dõi chéo lẫn nhau, tránh trường hợp lách luật, khai gian để hưởng lợi.

“Đơn cử như trong lĩnh vực kinh doanh bán buôn, bán lẻ, có những ngành vỡ nợ, phá sản do không bán được, nhiều DN, hộ kinh doanh phải xin trả mặt bằng, ngừng hoạt động, nhưng cũng có những ngành hàng, mặt hàng lại bán chạy; hay các dịch vụ mang tính cộng đồng, tập trung đông người đang khóc dở mếu dở, nhưng có những dịch vụ vẫn hoạt động bình thường… Do đó, cần phải xem xét cụ thể hóa mức hỗ trợ chứ không thể cào bằng như nhau”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Để hỗ trợ DN gặp khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc gia hạn, giãn thuế cũng như giảm một số loại phí là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước phải đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ để DN có thể khắc phục khó khăn, chuẩn bị điều kiện để tái cấu trúc, trở lại hoạt động có hiệu quả hơn sau khi dịch qua đi, đồng thời không bị thất thoát ngân sách nhà nước./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gian-nop-thue-lo-ngai-truc-loi-tu-chinh-sach-khong-cong-bang-1021477.vov