Giáo dục đại học phân tích sự thích ứng của doanh nghiệp với biến động toàn cầu

Chiều 17/03/2023 tại Hà Nội, các nhà khoa học đại học đã cùng thảo luận về sự thích ứng của doanh nghiệp với những biến động toàn cầu.

Giáo dục đại học phân tích sự thích ứng của doanh nghiệp với biến động toàn cầu.

Hội thảo Kinh doanh quốc tế Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 3 (VJIBC#3 – 2023) với chủ đề “Sự thích ứng của doanh nghiệp với những biến động toàn cầu" với mục tiêu cung cấp cho các học giả, những doanh nghiệp cơ hội được gặp gỡ, chia sẻ nghiên cứu, trao đổi ý kiến và thông tin về nâng cao tính thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động toàn cầu.

Sự kiện do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các trường đại học đối tác Nhật Bản đồng tổ chức. Tham gia có đại diện các tổ chức quốc tế, trường đại học đào tạo kinh tế ở Việt Nam và Nhật Bản, cùng đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Trước những biến động toàn cầu”, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều bất ổn và chấn động do xung đột chính trị và bất ổn địa chính trị trong thời kỳ hậu Covid 19. Là một trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý, Trường ĐH Ngoại thương luôn nhận thức rõ điều đó nên đã sáng kiến tổ chức hội thảo trên.

Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội thảo.

"Với hơn 70 tham luận của các tác giả trong nước và quốc tế; trong đó có hơn 30 bài viết đến từ các tác giả quốc tế Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đan Mạch, Ấn Độ,… và hơn một trăm thành viên đăng ký tham dự hội thảo. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp đối với hội thảo. Những trao đổi, ý tưởng tại hội thảo sẽ giúp các chính phủ và doanh nghiệp tự chuẩn bị để mạnh mẽ hơn, vượt qua những bất ổn này một cách linh hoạt và đổi mới hơn để đối phó với những thách thức mới". - PGS.TS Bùi Anh Tuấn.

GS. Fukunari Kimura, chuyên gia kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Jakarta, Indonesia. Giáo sư, Khoa Kinh tế, Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản trình bày tham luận “Làm thế nào để đối mặt với những biến động toàn cầu? Trường hợp của mạng lưới sản xuất Đông Á”;

GS. Ari Olavi Kokko – Giáo sư Khoa Kinh tế Quốc tế, Chính phủ và Kinh doanh, Trường Kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch trình bày tham luận “Các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh nhiễu loạn toàn cầu”; GS. Hồ Tú Bảo - Giáo sư danh dự, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Nhật Bản; Giám đốc, Data Lab Science, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIAMS), Việt Nam trình bày tham luận “Sự chuyển dịch về giáo dục trong nền kinh tế số”.

PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại đã đánh giá cao các tham luận, đây là những tư vấn quý báu giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức và gián đoạn do các sự kiện bất ngờ như đại dịch Covid-19 và các xung đột chính trị và địa chính trị gây ra.

“Chúng tôi đã lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, đổi mới, tài chính và kinh doanh quốc tế, đến từ 13 quốc gia, những người đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu và hiểu biết mới nhất của họ. Sự hiện diện và tham gia tích cực để mang đến những góc nhìn đa dạng cho Hội thảo đã thực sự làm nên thành công tốt đẹp của sự kiện này". – PGS Phạm Thu Hương nhấn mạnh.

Hội thảo VJIBC#3 năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm đáng nhớ 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh 5 khía cạnh chính bao gồm quản trị doanh nghiệp; quản trị chuỗi cung ứng và vận hành; tài chính ngân hàng, quản trị đổi mới sáng tạo, kế toán và kiểm toán; với sự tham gia của những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế.

Hà An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-dai-hoc-phan-tich-su-thich-ung-cua-doanh-nghiep-voi-bien-dong-toan-cau-post630527.html