Giáo dục truyền thống qua hoạt động vui chơi, trải nghiệm Tết

Gói bánh chưng, viết thư pháp, bày mâm ngũ quả,... là những hoạt động thú vị và ý nghĩa được các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức để học sinh trực tiếp tham gia, tìm hiểu về Tết cổ truyền của dân tộc, từ đó giúp các em thêm tự hào, biết trân trọng và yêu quê hương đất nước.

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Đông Ngạc B (quận Bắc Từ Liêm), trong không khí tưng bừng của những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhà trường đã tổ chức hội chợ quê với chủ đề “Xuân yêu thương”.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Ngạc B được tham gia trò chơi nhảy sạp.

Để tái hiện lại nét đẹp của ngày Tết, không gian hội chợ đã được các thầy cô giáo cùng các em học sinh và phụ huynh trang trí đẹp mắt, đậm chất Tết quê với những câu đối chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý, điểm xuyết theo đó là những cành hoa đào rực rỡ cùng với bánh chưng, mâm ngũ quả…

Chia sẻ về những trải nghiệm lý thú tại hội chợ ngày Tết, Phạm Như Ngọc (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đông Ngạc B) cho biết: “Em được cùng các bạn gói bánh chưng, trang trí không gian ngày Tết, tham gia các trò chơi dân gian. Em thấy rất vui và ý nghĩa. Qua các hoạt động trải nghiệm này đã giúp chúng em thêm hiểu về những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết và nhận thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp đó”.

Những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm phù hợp để học sinh tham gia, trong đó có hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền của dân tộc vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nội dung chương trình đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa các hoạt động nhằm hòa nhập nét đẹp của Tết xưa và nay. Thông qua đó nhằm bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc.

Theo cô giáo Ngô Thị Bích Hằng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc B), trong năm học, nhà trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh. Hoạt động lần này được tổ chức với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích; từ đó giúp học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo; rèn luyện cho các em kỹ năng sinh hoạt tập thể, tinh thần tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cho bản thân, phát triển năng lực.

“Thông qua các hoạt động tại hội chợ, nhà trường đã tạo sân chơi cho học sinh làm quen với bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp vốn hiểu biết về văn hóa ngày Tết cổ truyền với khung cảnh chợ quê, làm bánh chưng. Đặc biệt, tại hội chợ, các em học sinh cũng có cơ hội được tham gia những trò chơi dân gian đậm nét truyền thống của dân tộc như: Nhảy sạp, kéo co, nhảy bao bố… Đây là cơ hội giúp các em hiểu biết thêm về Tết cổ truyền và yêu hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc”, cô giáo Ngô Thị Bích Hằng nhấn mạnh.

Tương tự, tại Trường Tiểu học An Hòa (quận Cầu Giấy), nhà trường cũng tổ chức phiên chợ Tết đậm chất xưa. Các tiểu cảnh, gian hàng đều trang trí theo phong cách cổ truyền giúp học sinh có cơ hội cảm nhận hương vị ngày Xuân, được rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, tư duy sáng tạo thông qua việc mua sắm mặt hàng mình yêu thích, được xem ông đồ viết thư pháp và xin chữ đầu năm...

Không chỉ Trường Tiểu học Đông Ngạc B hay Trường Tiểu học An Hòa, nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tổ chức chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền dân tộc bằng nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Trong đó, nổi bật với những hoạt động phong phú tái hiện lại không gian, phong tục và không khí ngày Tết cổ truyền như: Gói bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian, tái hiện phiên chợ quê ngày Tết...

Trẻ tại Trường Mẫu giáo Số 5 được tập gói bánh chưng.

Đến với Trường Mẫu giáo Số 5 (quận Ba Đình) vào những ngày cận Tết, không khí luôn rộn rã, tưng bừng tiếng cười nói, nô nức với những hoạt động đa dạng. Với các giáo viên tại đây, Tết không chỉ là những ngày lễ hội mà Tết còn là thời điểm tuyệt vời để giúp trẻ hiểu hơn về văn hóa, truyền thống dân tộc, từ đó giúp các em vun đắp tình yêu quê hương, tự hào về dân tộc Việt Nam với những truyền thống nghìn xưa để lại.

Do điều kiện thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, ngay từ đầu tháng 1, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng tổ chuyên môn thảo luận và đưa ra những hình thức tổ chức phù hợp. Với yêu cầu đưa giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu văn hóa truyền thống vào từng hoạt động của trẻ, các lớp đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, không chỉ giúp trẻ tiếp thu kiến thức, nâng cao hiểu biết mà còn giúp các em có những giờ phút vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề. Những hoạt động trải nghiệm, vui Xuân, đón Tết tại các trường học trên địa bàn Thủ đô đã tái hiện không khí rộn ràng của mùa Xuân với phong vị Tết xưa độc đáo, hấp dẫn, từ đó mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm đáng nhớ, tô đậm thêm ký ức tươi đẹp của tuổi học trò; đồng thời góp phần giúp các em ý thức được trách nhiệm của mình là luôn phải gìn giữ, phát huy những phong tục, nét đẹp của ngày Tết cổ truyền Việt Nam…

Từ hôm nay (8/2), học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và học viên các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ chính thức được nghỉ Tết Nguyên đán. Kỳ nghỉ kéo dài đến hết ngày 14/2.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo; nâng cao kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích, phòng tránh các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trên không gian mạng; thực hiện nghiêm túc công tác phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học dịp nghỉ Tết; phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương để có các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng chống cháy nổ... cho đơn vị.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giao-duc-truyen-thong-qua-hoat-dong-vui-choi-trai-nghiem-tet-165922.html