Gìn giữ và phát huy giá trị tủ sách gia đình trên quê hương xã Hoằng Trạch

Gia đình là tế bào của xã hội. Vì lẽ đó, mong muốn lan tỏa, kết nối tri thức, văn hóa đọc, tiến tới xây dựng xã hội học tập cần phải được bắt nguồn từ nền tảng gia đình. Càng nhận thức sâu sắc về vai trò của gia đình trong việc thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc, nhiều người càng trân trọng, yêu mến cách mà các thế hệ trong gia đình bà Lê Thị Suốt (xã Hoằng Trạch, Hoằng Hóa) gìn giữ, phát huy tủ sách gia đình – Thư gia Vạn Ninh Đường với hàng trăm cuốn Hán văn, sách chữ Nôm, trong đó có nhiều cuốn sách giá trị về mặt khoa học, lịch sử - văn hóa.

Một cuốn sách cổ trong Thư gia Vạn Ninh Đường của gia đình bà Lê Thị Suốt, ông Lê Mai Bửu (xã Hoằng Trạch, Hoằng Hóa). Ảnh: Việt Ngữ

Nằm trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà của gia đình bà Lê Thị Suốt - ông Lê Mai Bửu dẫu trải qua bao nhiêu biến chuyển thời gian vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ. Khoảng vườn trước sân và phía bên hông nhà xanh mướt màu cây lá, điểm xuyết sắc hoa gợi lên trong lòng vị khách lạ cảm giác thân thuộc, yên bình. Đã mấy năm nay, căn nhà vắng bóng ông Mai Bửu nhưng những câu chuyện kể về ông vẫn luôn rôm rả với tất cả tình yêu thương, kính trọng. “Ông Bửu nhà tôi ham học, ham đọc. Thuở còn sống, ông ấy rất tâm đắc, trăn trở với Thư gia Vạn Ninh Đường” - bà Lê Thị Suốt (vợ thầy giáo Lê Mai Bửu) chỉ tay về phía chiếc tủ gỗ màu nâu sẫm. Anh con trai thứ của cụ Mai Bửu đưa tay rót chén trà mời khách, thủ thỉ trò chuyện: Bố tôi luôn đề cao việc học và luôn răn dạy các con không ngừng nỗ lực cố gắng học tập, lao động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đến nay, gia đình bà Suốt – ông Bửu có 5 người đã và đang công tác trong ngành giáo dục.

Nhìn chiếc tủ gỗ ấy, ít ai biết được rằng, trong lòng nó lại chứa đựng kho tàng tri thức cổ thuộc đủ lĩnh vực: văn, sử, khoa học, y học... Tủ sách có gần 600 cuốn sách, chủ yếu là Hán văn, chữ Nôm, trong đó có nhiều cuốn sách giá trị như: “Kim Vân Kiều quảng tập truyện” (năm Giáp Thìn, đời Thành Thái); cuốn “Lã Đường di cảo” (khoảng thế kỷ XVII), “Nhật dụng thường đàm” của Phạm Đình Hổ; một số thơ văn của Phạm Lập Trai; “Tam quốc diễn ca” (chữ Nôm) in năm Nhâm Tuất, triều Khải Định,... Ngoài ra, tủ sách còn có một số cuốn viết về lịch sử, phong tục tập quán địa phương như: Địa chí Lôi Dương, Hoằng Hóa địa đồ... Thư gia Vạn Ninh Đường là niềm tự hào, “tài sản” quý giá, nét đẹp trong việc kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình cụ Mai Bửu, dòng họ Lê Mai và huyện Hoằng Hóa nói chung.

Trong câu chuyện về Thư gia Vạn Ninh Đường, con trai thứ của cụ Mai Bửu có nhắc đến nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn, nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa. Khi còn công tác trong ngành văn hóa huyện Hoằng Hóa, với niềm say mê, ham học hỏi, ưa thích tìm tòi, khám phá, ông Nguyễn Hữu Ngôn vẫn thường rong ruổi khắp các nẻo đường quê để tìm kiếm những nét hay, đặc sắc văn hóa của quê hương thì tình cờ biết đến tủ sách nhà thầy giáo Mai Bửu. Ông Nguyễn Hữu Ngôn chia sẻ: “Ban đầu, tôi đã vô cùng ngạc nhiên, thích thú trước quy mô và cách gia chủ nâng niu, gìn giữ tủ sách. Và khi được gia chủ giới thiệu về nguồn gốc và những chi tiết xoay quanh tủ sách thì tôi nhận thức được giá trị, ý nghĩa của nó. Thời điểm đó, không chỉ có sách, Thư gia Vạn Ninh Đường còn lưu giữ được các dụng cụ dùng để viết chữ Hán, chữ Nho như: tráp, bút, nghiên, mực... Đặc biệt, thư gia còn có các dụng cụ để đựng sách, vật dụng tham dự các kỳ khoa cử Nho học”.

G.S Trịnh Nhu, TS. Lê Thị Tình cùng nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngôn khảo sát sách cổ tại Thư gia Vạn Ninh Đường. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hữu Ngôn

Không có nhiều kiến thức, hiểu biết về Hán văn, chữ Nôm, nhưng với tất cả tấm lòng, trăn trở gìn giữ, phát huy giá trị tủ sách, ông Nguyễn Hữu Ngôn đã kết nối với một số nhà chuyên môn ở các viện nghiên cứu, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đến ghi nhận thực tế, tìm hiểu, khảo cứu, bước đầu đánh giá về giá trị của những cuốn sách. Sau đó, một số đoàn thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thư viện của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, nhà trường tìm đến tư gia. Ông Nguyễn Hữu Ngôn cho biết: "Thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, đánh giá cao giá trị của tủ sách và nỗ lực gìn giữ các cuốn sách cổ của gia đình. Nhiều cuốn sách tiêu biểu đã được các nhà nghiên cứu ngỏ ý mua lại nhưng gia đình không đồng ý. Cuốn “Địa chí Lôi Dương” của Thư gia Vạn Ninh Đường sau này là một trong những tài liệu tham khảo quan trọng để xây dựng cuốn Địa chí huyện Thọ Xuân”. Cũng theo ông Ngôn, điều thiết thực, hiệu quả nhất là các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện số hóa tủ sách này.

Giá trị đã được khẳng định nhưng vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị Thư gia Vạn Ninh Đường đến nay vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Hiện nay, gia đình vẫn đang bảo quản sách theo hình thức thủ công mà các thế hệ trước trong gia đình từng sử dụng, đó là rải vôi bột nhằm chống ẩm, mốc, côn trùng. Nhiều người ghé thăm Thư gia Vạn Ninh Đường đều chung một nỗi băn khoăn: Suốt những năm tháng đầy gian nan, vất vả, thời điểm bữa đói bữa no, bom rơi đạn lạc, gia đình vẫn nỗ lực, quyết tâm gìn giữ tủ sách cổ giá trị. Tuy nhiên, mọi vật đều hữu hạn trước thời gian, nhiều nguyên nhân khách quan – chủ quan, nếu không sớm có biện pháp bảo quản, gìn giữ, tủ sách cổ cũng sẽ ngày càng xuống cấp. Đến thời điểm nào đó, khi cần tìm lại sẽ chỉ còn tiếc nuối, nhắc mãi chuyện giá như...

Con trai thứ của cụ Mai Bửu bộc bạch: “Bố tôi luôn có nguyện vọng lớn là sẽ xây dựng một thư viện gia đình nhưng chưa thực hiện được thì bố tôi mất. Thư gia Vạn Ninh Đường là điều quý giá của gia đình nhưng vốn tri thức chứa đựng trong mỗi cuốn sách này là tài sản chung của toàn xã hội. Do đó, gia đình rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để gia đình làm tốt hơn nữa việc gìn giữ, phát huy giá trị tủ sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập”.

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-tu-sach-gia-dinh-tren-que-huong-xa-hoang-trach/27005.htm