Giống tốt - yếu tố quyết định năng suất vụ mùa

Theo kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp truyền thống, để vụ mùa thắng lợi thì phải đáp ứng 4 yếu tố 'Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'. Nhưng với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay, giống quyết định đến năng suất, sản lượng, phẩm chất, lợi nhuận cho người trồng lúa. Với các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhiều giống lúa ngắn ngày năng suất cao đã được ngành nông nghiệp khảo nghiệm và đưa vào sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng vụ mùa.

Người dân đưa vào sản xuất các giống lúa mới khảo nghiệm cho hiệu quả cao -Ảnh: T.T

Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo cấy 25.979 ha lúa, đạt 101,8% kế hoạch, năng suất lúa ước đạt trên 60,5 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt trên 16 vạn tấn. Đặc biệt, giá lúa đầu mùa dao động từ 6.000 - 7.500 đồng/kg, cao hơn 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước nên người dân rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Thực hiện nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ đông xuân 2022 - 2023 do Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, các địa phương đã đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa chủ lực với cơ cấu hơn 70% diện tích gồm ĐD2, HN6, HC95, Bắc Thơm 7, Dự Hương 8, Đài Thơm 8, Khang Dân 18, Hà Phát 3, VNR20...

Đồng thời cơ cấu thêm 20% diện tích gieo cấy các giống lúa bổ sung như Thiên Ưu 8, Bắc Thịnh, HĐ9, HaNa số 7, ADI 28, Tân ưu 98, Mỹ Hương, ST24, ST25, DCG66, QR1...

Giống lúa ADI28 được đưa trồng thử nghiệm trên đồng đất Quảng Trị từ vụ hè thu 2020 tại HTX Đông Thanh, TP. Đông Hà và xã Phong Bình, huyện Gio Linh.

Vụ đông xuân 2022 - 2023 là vụ thứ 6 sản xuất trên đồng ruộng Quảng Trị, quy mô sản xuất toàn tỉnh trên 200 ha.

Vụ đông xuân năm nay, Hợp tác xã SXKD DVNNTH Thanh Liêm, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong gieo trồng 20 ha giống lúa ADI28.

Qua theo dõi cho thấy cây lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, phát triển tốt, cây cứng, không ngã đổ, bông lúa trĩu hạt, các đối tượng sâu bệnh gây hại không đáng kể. Dự ước năng suất đạt 70-75 tạ/ha.

Thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp thu mua lúa với giá cả hợp lý nên người dân rất phấn khởi.

Tại địa bàn huyện Hải Lăng, vụ đông xuân năm nay đưa vào sản xuất hơn 100 ha giống lúa ĐD2 ở các xã Hải Phú, Hải Lâm, Hải Trường và Hải Sơn.

Qua triển khai sản xuất vụ thứ tư tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Điền, xã Hải Sơn cho thấy, giống lúa ĐD2 đã khẳng định sức chống chịu sâu bệnh tốt, tỉ lệ gạo cao, cho cơm thơm mềm.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Điền, xã Hải Sơn Lê Văn Phước cho biết: “Vụ đông xuân 2022 - 2023, riêng với giống ĐD2, HTX liên kết với Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị sản xuất 12 ha lúa giống và 13 ha lúa, năng suất vụ này đạt 75 tạ/ha, được mùa bội thu.

Giá lúa tươi bán ra 6.800 đồng/kg. Hiện nay nông dân đang triển khai gieo cấy vụ hè thu giống lúa này với diện tích 30 ha”.

Là đơn vị chịu trách nhiệm thường xuyên khảo nghiệm và mở rộng sản xuất các giống lúa mới, Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất các loại giống lúa như LDA1, Khang Dân 18, BG1, Bắc Thơm 7, HC95, ĐD2, QR1, BQ... Đây là các giống lúa trung và ngắn ngày, cho năng suất và chất lượng cao.

Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân hằng năm, toàn tỉnh cần khoảng 2.500 - 2.700 tấn giống lúa các loại để gieo cấy, trong đó, trung tâm chịu trách nhiệm cung ứng từ 1.300 - 1.500 tấn lúa giống.

Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các HTX, người nông dân sản xuất lúa trên địa bàn để mở các lớp hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật… kịp thời tư vấn về ưu, nhược điểm của từng giống lúa ở từng địa phương khác nhau. Qua đó không chỉ giúp nông dân tìm ra được giống lúa chất lượng nhất đưa vào sản xuất hiệu quả mà còn phát huy được chất lượng giống lúa phù hợp từng vùng đất.

Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị Phạm Xuân Tuyên cho biết: “Đối với vụ hè thu, nông dân thường sử dụng nguồn giống tại chỗ, trung tâm đảm bảo việc chuẩn bị đủ nguồn giống đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân cũng như nguồn giống dự trữ, cơ cấu các giống lúa mới năng suất cao, bộ giống phong phú như ĐD2, ĐD18, QR1, Khang Dân 18, BQ... cung ứng đến người dân thông qua các HTX, đảm bảo khung lịch gieo cấy trước 5/6”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa được ngành Nông nghiệp và PTNT rất chú trọng.

Theo đó, ngành đã chỉ đạo thực hiện nghiên cứu khảo nghiệm các dòng, giống lúa đặc sản chất lượng cao, xây dựng được nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới và tổ chức các đợt hội thảo để nông dân so sánh, đánh giá về tính thích nghi, sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất của các giống trình diễn, từ đó chọn ra những giống thích nghi tốt với điều kiện của địa phương bổ sung thêm và cơ cấu giống sản xuất của vùng.

Đồng thời hướng dẫn nông dân thực hiện gieo trồng theo đúng kỹ thuật, giám sát thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh người dân cơ bản sử dụng 80% - 90% giống đảm bảo phẩm cấp để đưa vào sản xuất.

Ngoài các giống đã được đưa vào kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2023, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng nghiên cứu, thử nghiệm, tuyển chọn, đưa vào làm mô hình các giống lúa mới khác.

Từ đó đánh giá, lựa chọn ra giống có năng suất, chất lượng, giống chống chịu sâu bệnh, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu từng vùng để đưa vào cơ cấu theo phương châm tăng tỉ lệ giống lúa thuần, lúa có chất lượng cao, giống có thời gian sinh trưởng ngắn, giống chống chịu sâu bệnh…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả của việc sử dụng giống mới có tiềm năng, năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh giúp nông dân hiểu để ứng dụng nhanh vào sản xuất.

Đồng thời xây dựng nhiều mô hình sử dụng giống mới, giống chất lượng để nông dân tham quan, học tập, làm theo.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/giong-tot-yeu-to-quyet-dinh-nang-suat-vu-mua/176903.htm