Gỡ nút thắt cho đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò rất quan trọng trong thực hiện thành công Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính vì vậy, ngày 11-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn.

Công trình đường giao thông ngoài cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong gặp khó khăn về mặt bằng.

Còn nhiều bất cập

Năm 2023, vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh 7.014 tỷ đồng, vốn thực tế do tỉnh phân bổ 6.014 tỷ đồng (chưa phân bổ 1.000 tỷ đồng nguồn trái phiếu chính quyền địa phương). Đến hết tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt 55,2% vốn do Chính phủ giao, đạt 64,3% vốn do UBND tỉnh giao thực tế. Toàn tỉnh có 22 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân; 20 đơn vị giải ngân cao hơn mức bình quân của tỉnh, trong đó một số chủ đầu tư đã hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn. Ước đến ngày 31-12, tỷ lệ giải ngân vốn do Chính phủ giao đạt 69,8%; vốn do UBND tỉnh giao thực tế đạt 81,4%. Ước đến ngày 31-1-2024 (thời gian kết thúc niên độ giải ngân vốn năm 2023) toàn tỉnh giải ngân được 73,9% số vốn do Chính phủ giao và đạt 86,1% số vốn thực tế do UBND tỉnh giao. Tỷ lệ giải ngân như vậy sẽ thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (từ 95% trở lên).

Nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân còn thấp có cả khách quan và chủ quan; trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vai trò người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh.

Bên cạnh đó, một số địa phương có nhiều dự án trọng điểm, số lượng bồi thường, giải tỏa rất lớn, dẫn tới không đủ nhân lực để thực hiện. “Trong năm 2023, thị xã Ninh Hòa có hàng loạt công trình trọng điểm, như: Đường bộ cao tốc Nha Trang - Vân Phong, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân… với hàng ngàn trường hợp phải di dời. Vậy nhưng các phòng, ban chuyên môn rất ít biên chế nên không thể làm hết các phần việc. Dù có luân chuyển cán bộ song với chừng đó nhân sự khó có thể hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công” - bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Quyền Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang lại cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với địa phương có dự án đi qua. TP. Nha Trang có nhiều dự án trên địa bàn nhưng có nhiều chủ đầu tư giao phó việc giải phóng mặt bằng cho địa phương. “Khi chúng tôi mời họp, có chủ đầu tư không họp, thiếu phối hợp. Nếu cứ như vậy, hội đồng định giá đất làm sao có căn cứ để làm việc. Mỗi khâu chậm một chút, trách nhiệm này thuộc về nhiều phía”- ông Nguyễn Sỹ Khánh cho hay.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong những động lực rất quan trọng. Đơn vị tư vấn tính toán, từ nay đến năm 2030, mỗi năm tỉnh phải giải ngân được khoảng 10.000 tỷ đồng thì mới có thể hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đề ra. Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân như hiện nay, không chỉ năm 2023 mà các năm tiếp theo vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn khó giải quyết dứt điểm.

Khu tái định cư Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lâu nay, các chủ đầu tư phản ánh là gặp khó khăn, vướng mắc nhưng không chỉ ra cụ thể vướng như thế nào và làm gì để gỡ vướng. Muốn tháo gỡ, chủ đầu tư cần nêu ra các vướng mắc, đồng thời đề xuất hướng tháo gỡ chứ không thể nói chung chung. Cùng với đó, giữa chủ đầu tư và các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp nhịp nhàng, phân công công việc hợp lý, làm rõ trách nhiệm của các bên. Khi dự án gặp khó khăn cần giải quyết nhanh, cái nào vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh để được tháo gỡ, chỉ làm như vậy mới có thể đẩy nhanh được tỷ lệ giải ngân.

Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đều có chung nhận định, với nguồn nhân lực như hiện nay, trong khi năm 2024 có hàng loạt dự án được triển khai nếu không có phương án thuê thêm nhân lực ở bên ngoài sẽ khó hoàn thành việc giải ngân. Đồng thời, phải tách giải phóng mặt bằng ra một hợp phần riêng khi thực hiện dự án, cùng với việc bố trí, phân công nhiệm vụ hợp lý và chuẩn bị đủ quỹ đất tái định cư thì mới hy vọng giải ngân hết số vốn đầu tư công được phân bổ. Đặc biệt, khi nhận được dự án đầu tư công, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiện với vai trò, nhiệm vụ cụ thể.

Ông Đàm Ngọc Quang - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, khi triển khai dự án lớn trên địa bàn, huyện sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng để giải quyết tất cả vướng mắc. Cấp ủy đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công trong quá trình chỉ đạo, điều hành giải ngân. Với mỗi dự án, Vạn Ninh phân rõ trách nhiệm từng đơn vị cụ thể và đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận nhằm nhận được sự ủng hộ tối đa của người dân.

Để cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh yêu cầu tất cả sở, ngành, địa phương phải xác định, giải ngân vốn đầu tư công là nền tảng để phát triển kinh tế, đồng thời là một trong những yếu tố quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; do đó phải đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Trong điều hành, UBND tỉnh phải có sự phân công công việc rõ ràng, hợp lý; đối với cấp huyện phải có sự vào cuộc của cấp ủy, thành lập ban chỉ đạo riêng. Ông Nguyễn Hải Ninh yêu cầu cần nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu, tổng hợp cho UBND tỉnh về đầu tư công; nguồn lực phải tập trung vào các dự án trọng điểm, không dàn trải.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh còn chỉ đạo về công tác huy động, sử dụng nguồn nhân lực ngoài biên chế để phục vụ các hoạt động đầu tư công. “Trong giải phóng mặt bằng, cần phải thực hiện chặt chẽ; quỹ đất tái định cư phải được bố trí ở vị trí thuận lợi hoặc hoàn thiện hạ tầng. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nên học tập các địa phương khác trong giải phóng mặt bằng; tách giải phóng mặt bằng thành hợp phần riêng để thúc đẩy tiến độ dự án nhanh hơn” - ông Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202312/go-nut-that-cho-dau-tu-cong-a15505a/