Gỡ vướng để Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sớm đi vào hoạt động hiệu quả

Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là 'siêu cảng' đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN có chức năng tích hợp của trung tâm phân phối và cảng cạn để cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu thị trường. Với sự hỗ trợ nhiều mặt của các cấp chính quyền, đến nay, các hạng mục Kho hàng không kéo dài và Kho ngoại quan tại dự án đã hoàn thành và được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ trong quá trình xuất khẩu hàng hóa thông qua Trung tâm.

Nhân viên cảng cạn vận hành hệ thống băng chuyền. Ảnh: Khánh Linh

Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được UBND tỉnh phê duyệt có quy mô hơn 83 ha với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, công suất thiết kế thông quan khoảng 530.000 TEU/năm nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) do Công ty Cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc (Liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn T&T, 2 nhà đầu tư Singapore là YCH Group Pte LTD và YCH Holdings (Pte) LTD) làm chủ đầu tư.

Dự án được kỳ vọng sẽ mở đầu cho sự đột phá của ngành logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam giảm xuống 14% và đến năm 2035 tiếp tục giảm xuống 8 - 10%.

Vào tháng 11/2020 trong khuôn khổ Chương trình hoạt động tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan - mạng lưới logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore bấm nút khởi động.

Sau thời gian khởi công xây dựng đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành công tác xây dựng nhà kho KL (theo ký hiệu tại quy hoạch 1/500 được phê duyệt) bao gồm 2 phân khu là Kho hàng không kéo dài (OACT) và Kho ngoại quan.

Trong đó, kho OACT ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của Tập đoàn Dell tại Việt Nam, góp phần giảm tắc nghẽn trong các hoạt động lưu thông hàng hóa tại Cảng hàng không Nội Bài, rút ngắn thời gian chờ hàng, giảm chi phí logistic, tăng hiệu suất thực hiện đơn hàng, góp phần tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Đây là mô hình chất xếp hàng hóa ngoài sân bay (BUP) đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, thông qua OACT mang lại hiệu quả cao về chi phí dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị với giá cước cạnh tranh, đóng ghép và tối đa tải hàng hóa ở cấp độ BUP, giảm các khâu trung gian trên lộ trình từ điểm xuất phát đến điểm đến.

Kho ngoại quan sẽ hỗ trợ hàng hóa xuất, nhập khẩu trong các công tác tạm lưu trữ và các dịch vụ khác như đóng ghép, chi tách hàng hóa. Kho OACT cũng là nhà kho được Tập đoàn Dell ưu tiên sử dụng để thông quan hàng hóa. Đến thời điểm này, các thủ tục, giấy tờ pháp lý để vận hành và hoạt động 2 kho này đã được cấp đầy đủ.

Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình hoạt động, 2 kho này của dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Theo Quy chế an ninh hàng không được phê duyệt bởi Cục Hàng không Việt Nam, sau khi Kho hàng không kéo dài tiếp nhận hàng hóa đã được thông quan từ các nhà máy sản xuất ODM Dell như Công ty TNHH Compal, hàng hóa sẽ được soi chiếu an ninh, chất xếp lên các thiết bị chất xếp (ULD) chuyển vào trong xe tải chuyên dụng, niêm phong kẹp chì và chở đến điểm dỡ hàng tại nhà ga hàng hóa tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm tra an ninh, hải quan, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam sẽ có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ các ULD hàng hóa và kéo các ULD hàng hóa vào trong khu vực hạn chế tại sân đỗ để chờ đưa lên tàu bay.

Toàn bộ quá trình từ khi xe chở ULD đến địa điểm bàn giao, thực hiện chất xếp lên tàu bay sẽ được đảm bảo an ninh bởi Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.

Ngày 12/4/2023, lô hàng chạy thử đầu tiên của Tập đoàn Dell thông qua Kho hàng không kéo dài được triển khai với hãng hàng không Turkish Airway. Tuy nhiên, sau khi chạy thử, nhà ga tiếp nhận hàng hóa của hãng hàng không Turkish Airway là ACSV đã gửi email cho các bên liên quan xác nhận rằng chỉ đồng ý hợp tác thực hiện lô hàng chạy thử đầu tiên mà không tiếp tục những lô hàng tiếp theo.

Tương tự, đại diện nhà ga hàng hóa là Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài cũng từ chối tiếp nhận hàng hóa. Như vậy, toàn bộ chức năng Kho hàng không kéo dài chưa thực hiện được.

Mặc dù Kho hàng không kéo dài đã có giấy phép và hoạt động thử nhưng mô hình xuất khẩu thông quan hàng hóa như đề xuất của Tập đoàn Dell vẫn chưa thực hiện được, toàn bộ hàng hóa của Dell, Apple đang được sản xuất, gia công tại Tập đoàn Compal thông qua kho OACT gặp vướng mắc.

Mặt khác, việc dỡ hàng tại khu vực không hạn chế trước cửa nhà ga ACSV như trong quy chế an ninh hàng không cũng chỉ mang tính chất tạm thời, không thuận lợi.

Các xe chở hàng hóa của Dell và các DN thông qua Kho hàng không kéo dài với kích thước lớn sẽ làm tăng tình trạng ùn tắc tại nhà ga hàng hóa ở sân bay.

Đối với Kho ngoại quan, theo quy định thì hoạt động đóng ghép hàng hóa được cho phép thực hiện trong Kho ngoại quan, hiện nay, cơ quan Hải quan chỉ cho phép thực hiện việc đóng ghép hàng hóa vào chung một container tại Kho ngoại quan với trường hợp hàng hóa được gửi từ một chủ hàng duy nhất; trường hợp với nhiều chủ hàng thì việc đóng ghép chung container phải thực hiện trong kho CFS (giao hàng lẻ).

Tập đoàn Dell đề nghị được thực hiện hoạt động đóng ghép hàng hóa vào chung 1 container tại Kho ngoại quan từ nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm của Dell để xuất khẩu để góp phần rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển.

Nhằm tạo điều kiện cho Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ.

Cụ thể, đề nghị Bộ GTVT xem xét chỉ đạo Cục Hàng không hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty T&Y Superport Vĩnh Phúc thực hiện dỡ hàng tại khu vực hạn chế trong sân đỗ, đáp ứng tiêu chuẩn về an ninh, an toàn hàng không nhằm làm giảm ách tắc tại khu vực nhà ga hàng hóa, giảm chi phí dịch vụ và không gặp khó khăn trong việc hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ hiện nay tại nhà ga hàng hóa.

Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho Tập đoàn Dell và một số khách hàng dự kiến trong tương lai được thực hiện việc đóng ghép hàng hóa vào chung container từ nhiều chủ hàng khác nhau tại Kho ngoại quan của Công ty Cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc, góp phần giảm chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96081//go-vuong-de-trung-tam-logistics-icd-vinh-phuc-som-di-vao-hoat-dong-hieu-qua