Góc nhìn TTCK tuần 13-17/11: Thận trọng nhưng chưa cần nghĩ tới rủi ro giảm sâu

Các vùng hồi phục tiếp theo của cổ phiếu là điểm phù hợp để hạ một phần tỷ trọng nếu danh mục đang nắm giữ nhiều cổ phiếu.

Sự chú ý của thị trường tập trung vào các nội dung của Dự thảo Luật Đất đai và các nội dung về bất động sản được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc Hội khóa XV (kỳ họp thứ sáu).

Dòng tiền hứng khởi trước sự chờ đợi của các thông tin này, thể hiện qua sự tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản khá tốt, thanh khoản tích cực. Dĩ nhiên, cần theo dõi thêm, bởi kỳ họp Quốc Hội có thời gian tạm nghỉ tuần này, sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc Hội sẽ thống nhất lại việc liệu có đưa dự thảo sửa đổi Luật Đất đai vào biểu quyết thông qua hay không.

Dù được biểu quyết thì cũng cần khá nhiều thời gian để hoàn thiện các văn bản dưới luật để có thể tác động trực tiếp lên diễn tiến pháp lý của các dự án.

Dĩ nhiên, về dài hạn, có một hành lang pháp lý minh bạch sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản dễ dàng xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển dự án.

Cuộc họp rất đang quan tâm vào sáng thứ 2, ngày 13/11 là giữa nhiều bộ ngành, bao gồm Ngân hàng nhà nước, Bộ xây dựng, Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng) và các doanh nghiệp bất động sản lớn nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.

Thông tin vĩ mô đáng quan tâm khác là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện. Cụ thể, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ bình quân lên 2.006đ/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng tương ứng 4,5% so với mức giá bán lẻ hiện tại. Đây là đợt tăng lần thứ 2 trong năm nay, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,6%.

Thị trường đâu đó có lo ngại về câu chuyện lạm phát khi tăng giá điện, tuy nhiên, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể (do lạm phát lương thực thực phẩm chưa quay trở lại ngay lập tức do tiêu dùng yếu trong nước, còn giá dầu toàn cầu cũng đang trầm lắng).

SSI Reasearch duy trì quan điểm lạm phát năm 2023 của Việt Nam sẽ rơi vào 3,2-3,5%, đã bao gồm tính toán tăng giá điện lần này.

Số liệu về tài khoản chứng khoán sau tháng 10 giảm 377.000 tài khoản so với số liệu tính đến cuối tháng 9, theo VSD, sự sụt giảm đến chủ yếu từ việc đóng hơn 545.000 tài khoản không hoạt động – một trong những chu trình làm sạch dữ liệu tài khoản chứng khoán. Điều này cũng sẽ cho số liệu chuẩn hơn về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán (loại bỏ các trùng lặp một cá nhân mở nhiều tài khoản).

Ở các thị trường chứng khoán khác, đến cuối tháng 9/2023, thị trường Thái Lan ghi nhận 5,53 triệu tài khoản chứng khoán. SSI Research ước tính, nếu loại bỏ các tài khoản trùng lặp thì con số tài khoản giao dịch chứng khoán vào khoảng 2,48 triệu tài khoản. Tính số tài khoản đang hoạt động trong 6 tháng trở lại đây thì khoảng 1 triệu tài khoản chứng khoán.

Như vậy, nếu sử dụng tỷ lệ của Thái Lan để tham chiếu so sánh cho Việt Nam thì ước tính tỷ lệ xâm nhập chứng khoán chỉ mới khoảng là 3-4% dân số.

Nhưng, con số này cũng cho thấy dư địa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển còn lớn.

Vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP của Việt Nam từ 21% (năm 2010) lên 42% (năm 2022) nhưng cũng thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Giá trị tương đương tại Đài Loan là 195%, Thái Lan 119%, Hàn Quốc 96%.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán, khối ngoại rất đáng chú ý, nếu có sự chủ động trở lại vào giai đoạn cuối tháng 10 (dòng tiền trên thị trườn chung suy yếu) giúp thị trường hồi phục, thì trong tuần hồi phục cả thanh khoản và chỉ số thì khối ngoại đang có 4 phiên bán ròng liên tục.

Quỹ ETF chủ động giải ngân trong thời gian qua là Fubon FTSE Vietnam ETF cũng đang quay đầu bán ròng nhẹ.

Nhìn rộng ra dòng vốn đầu tư toàn cầu, cho thấy, quay đầu bán ròng ở thị trường cổ phiếu trong tháng 10, trong đó dòng vốn vào các thị trường phát triển rút ròng 9,8 tỷ USD, sức hút thị trường Mỹ được duy trì nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho sự rút ròng của dòng tiền toàn cầu ở EU. Định giá thị trường này vẫn ở mức cao, nhưng sự bất ổn địa chính trị và chênh lệch lãi suất thực khiến dòng tiến tìm đến thị trường Mỹ như tìm kiếm sự an toàn.

Dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở thị trường mới nổi đảo chiều rút ròng lần đầu tiên từ 7/2022, khi thị trường Trung Quốc ghi nhận rút ròng 1,9 tỷ USD, tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 2/2023 với lo ngại về tăng trưởng kinh tế, các biện pháp kích thích của Chính Phủ không mang lại hiệu quả. Dòng tiền vào ròng ở thị trườn Ấn Độ 1 tỷ USD, chậm đi đáng kể trong quý 1/2023.

Nhìn chung dòng tiền vào các quốc gia mới nổi Châu Á đang bị ảnh hưởng bởi môi trường USD cao và chênh lệch lãi suất thực giữa Mỹ và các quốc gia này.

Nói về thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động tương tự bởi dòng tiền khối ngoại. Chỉ số VN-index duy trì tuần thứ hai liên tiếp phục hồi tốt ở vùng giá 1.020 điểm. Trong tuần VN-index rung lắc điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá quanh 1.075 điểm và có phiên giao dịch tăng điểm mạnh 3,1%, thanh khoản gia tăng tích cực vượt vùng kháng cự mạnh 1.100 điểm. VN-index sau đó tiếp đà tăng lên vùng 1.125 điểm và chịu áp lực điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có sự tích cực xuyên suốt, lan tỏa sang chứng khoán, thép.

Thống kê của CTCK SHS cho thấy, trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 87.852,88 tỷ đồng, tăng 29,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 25,6%. Thanh khoản HNX tăng 17,6% với 10.255,15 tỷ đồng được giao dịch. Cho thấy dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt trở lại khi thị trường duy trì nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn tốt. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh với giá trị 1.221.39 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng trên HNX với giá trị 239,88 tỷ đồng, trong đó nổi bật ở các cổ phiếu chứng khoán.

Trong tuần này, sẽ cần chú ý tới kỳ công bố số liệu CPI tháng 10 của Mỹ; phiên ngày thứ 5 tuần này cũng là phiên đáo hạn phái sinh tháng 11.

Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Chiến lược đầu tư, SSI Research cho rằng, thị trường vẫn cần thời gian để kiểm định lại sức mạnh và tìm kiếm điểm cân bằng, tích lũy mới. Nên dù vẫn lạc quan cho kỳ vọng tạo vùng đáy trung hạn, nhưng các góc nhìn ngắn hạn thì có phần thận trọng hơn.

Qua đó, các vùng hồi phục tiếp theo của cổ phiếu là điểm phù hợp để hạ một phần tỷ trọng nếu danh mục đang nắm giữ nhiều cổ phiếu. Dù vậy, chưa cần vội vàng nghĩ về rủi ro giảm sâu của thị trường ngay lúc này vì chỉ số cần tìm kiếm điểm cân bằng mới trước khi phát đi những tín hiệu tiếp theo.

Một giai đoạn quan trọng cho kỳ vọng tạo điểm đảo chiều trung hạn cho thị trường, nếu các tín hiệu xác nhận diễn ra rõ rệt hơn vào tuần sau, cũng là điểm có thể đẩy mạnh giải ngân theo chiều mua và nắm giữ với khung thời gian dài hạn hơn.

Hải Trần

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/goc-nhin-ttck-tuan-13-1711-than-trong-nhung-chua-can-nghi-toi-rui-ro-giam-sau-d202911.html