Hà Nội đi đầu trong thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương sớm triển khai và đi đầu trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện thuộc Thành phố. Những kết quả bước đầu đạt được góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô; cũng là kinh nghiệm của Hà Nội đóng góp cho Trung ương trong việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bài 1: Mô hình cần nhân rộng

Thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập luôn là “bài toán khó”. Tuy nhiên, với một số đơn vị y tế của Hà Nội, việc được giao tự chủ đã tạo cơ hội để đổi mới tổ chức và hoạt động, từ đó nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Người bệnh hưởng lợi

Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong 2 cơ sở y tế đầu tiên của Thành phố (cùng với Bệnh viện Hòe Nhai) thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Bệnh viện đã thực hiện tự chủ về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

Khám chữa cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Công)

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội, cho biết, xuất phát từ cơ chế tự chủ, Bệnh viên Tim Hà Nội đã đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, từ mô hình “Bệnh viện là trung tâm” sang “Người bệnh là trung tâm”; từ cung cấp những dịch vụ mà mình có sang cung cấp những dịch vụ mà người bệnh cần.

Cũng chính từ tư duy đứng trên quan điểm của người bệnh để phục vụ, Bệnh viện đã thiết kế lại quy trình khám chữa bệnh, hạn chế bớt các thủ tục không cần thiết và các “nút cổ chai”, đồng thời sáp nhập những đơn vị có liên quan, tạo ra những vị trí “một cửa” được vận hành bởi những người có năng lực và được đào tạo đa kỹ năng.

Bệnh viện Tim Hà Nội cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ dựa trên 3 trụ cột chính là kỹ năng, trí tuệ và sự nhiệt tình, tâm huyết. Môi trường làm việc hướng tới tạo thuận lợi để đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên phát huy tốt nhất năng lực, sở trường; bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn, gắn với đánh giá thành tích, bổ nhiệm khoa học, đúng người, đúng việc.

Năm 2017, Bệnh viện được Thành phố giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế, số cán bộ, y bác sỹ, đến nay không có biến động lớn về số lượng, nhưng có sự chuyển dịch rõ nét về chất lượng.

Nguồn nhân lực của Bệnh viện được nâng cao hơn, số y bác sỹ được đào tạo sau Đại học, cử đi đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật ở trong và ngoài nước tăng lên so với các năm trước. Hiện nay, Bệnh viện có 1 giáo sư, tiến sỹ y học; 1 phó giáo sư, tiến sỹ; 10 tiến sỹ, 2 bác sỹ chuyên khoa II; 71 thạc sỹ y học, 41 bác sỹ nội trú...

Sau 15 năm thành lập, chất lượng hoạt động của Bệnh viện Tim Hà Nội đã nâng lên về mọi mặt. Tổng số lượt khám chữa bệnh tăng từ 7.005 lượt người (năm 2004) lên 345.575 lượt người (năm 2018), trong đó tổng số lượt khám chữa bệnh của bệnh nhân ngoại tỉnh từ 2.969 lượt người (năm 2004) lên 70.219 lượt người (năm 2018); số bệnh nhân được can thiệp tim mạch cũng tăng nhanh qua các năm, từ 504 ca (năm 2009) lên 8.247 ca (năm 2018). Đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện cũng đã kịp thời can thiệp xử lý nhiều ca bệnh khó, giúp cứu sống hàng tram bệnh nhân.

Cùng với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nguồn thu từ dịch vụ y tế của Bệnh viện cũng không ngừng tăng: Từ 22,5 tỷ đồng (năm 2005) lên 1.139 tỷ đồng (năm 2018), gấp 50,6 lần; giá trị tài sản ban đầu từ 50 tỷ đồng (năm 2005) lên 277 tỷ đồng (năm 2018), gấp 5,5 lần.

Đáng chú ý, mặc dù nguồn nhân lực tăng 6,6 lần, song thu nhập bình quân đầu người tăng 18,1 lần (từ 1,34 triệu đồng/người/tháng vào năm 2005 lên 24,3 triệu đồng/người/tháng vào năm 2018). Bệnh viện đã nộp ngân sách Nhà nước tăng dần qua các năm, từ 4,6 tỷ đồng (năm 2005) lên 14,7 tỷ đồng (năm 2018).

Bệnh viện Tim Hà Nội còn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đầu tư cho phát triển chuyên môn, kỹ thuật mới, hiện đại. Từ 9 khoa, phòng lúc mới thành lập, đến nay Bệnh viện phát triển lên 37 khoa, phòng, 5 trung tâm với 5 mũi nhọn chuyên môn là phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nội khoa, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô, Bệnh viện Tim Hà Nội còn tích cực chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện trên khắp cả nước.

Gỡ “nút thắt” về cơ chế để hoạt động tốt hơn

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho hay, một trong những khó khăn đặt ra đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ là đơn giá các dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ.

Theo ông Tuấn, mặc dù năm 2018, việc rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã được thực hiện, nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để hạn chế trong Thông tư 37 của Bộ Y tế, đó là phải tính chi phí quản lý, chi phí khấu hao vào trong giá dịch vụ y tế; tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, thay vì mức lương cơ sở 1.490.000 đồng như hiện nay, do vậy gây khó khăn trong hạch toán thu chi và trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, việc giao dự toán số tiền bảo hiểm y tế (BHYT) cho từng cơ sở khám chữa bệnh, cùng với việc tạm ứng và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT giữa cơ quan quản lý BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh chưa đảm bảo tiến độ, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong việc chi tiêu, cân đối tài chính.

Đồng tình với ý kiến của Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, PGS. TS. Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viên Xanh Pôn, cho biết, hiện nay đơn vị có số bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng đông, mặc dù việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT của Bệnh viện đúng quy định, đã có kiểm toán, nhưng với việc áp trần quỹ và dự toán bảo hiểm y tế khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Bởi nếu như đến tháng 11, Bệnh viện đã khám chữa bệnh bằng BHYT hết trần quỹ thì trong tháng 12 của năm đó, Bệnh viện sẽ không được thanh toán bằng BHYT cho bệnh nhân.

Ngoài ra, một khó khăn nữa được các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính đó là không được tự mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, mà phải mua sắm qua đấu thầu tập trung. Trong khi việc mua sắm tập trung không đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chi phí cũng không tiết kiệm so với các đơn vị tự mua sắm.

Một số bệnh viện thực hiện tự chủ, nhưng chưa được chủ động trong công tác cán bộ cũng như việc thành lập các khoa phòng theo yêu cầu nhiệm vụ. Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viên Xanh Pôn Trần Ngọc Sơn, trước đây việc thành lập các khoa, phòng ở Bệnh viện do Sở Y tế quyết định, nay chuyển về Thành phố, quy trình mất tới hơn 1 năm.

Còn theo TS. Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, do bị ràng buộc quy định về biên chế nên đơn vị khó tuyển dụng được nhân sự có trình độ cao, bởi muốn tuyển nhân sự là các phó giáo sư, tiến sỹ… thì phải bổ nhiệm họ giữ các chức vụ nhất định, trong khi họ lại chưa vào biên chế nên không thể bổ nhiệm.

Ngoài ra, trước đây việc bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc các bệnh viện do Sở Y tế thực hiện, nay chuyển về Thành phố nên quy trình kiện toàn nhân sự tại các đơn vị cũng mất nhiều thời gian hơn.

(Còn nữa)

Hoàng My

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-di-dau-trong-thuc-hien-tu-chu-doi-voi-cac-benh-vien-95355.html