Hà Nội: Phát hiện một số vi phạm trong tác tiếp công dân tại huyện Đan Phượng

Qua thanh tra tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), Thanh tra Thành phố Hà Nội đánh giá huyện Đan Phượng vẫn còn một số tồn tại, vi phạm về công tác quản lý tài chính, ngân sách; công tác thanh tra; tiếp công dân, xử lý đơn; giải quyết khiếu nại tố cáo...

Thực hiện có hiệu quả công tác khiếu nại tố cáo

Thanh tra Thành phố Hà Nội vừa có kết luận số 248/KL-TTTP (PGS) thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng trong việc thực hiện Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và quản lý ngân sách trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2019 - 2021.

Theo đánh giá của Thanh tra Thành phố, về cơ bản UBND huyện Đan Phượng đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC và quản lý tài chính ngân sách giai đoạn 2019 - 2021.

Việc thực hiện các cuộc thanh tra, cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP (ngày 16.10.2014) của Thanh tra Chính phủ và nội dung kế hoạch được phê duyệt, bám sát định hướng chỉ đạo của UBND thành phố, Thanh tra Chính phủ. Công tác tiếp công dân đã được Chủ tịch UBND huyện quan tâm chỉ đạo, đã thành lập Ban Tiếp công dân, ban hành Quy chế tiếp công dân và bố trí trụ sở tiếp công dân đảm bảo theo quy định. Chủ tịch UBND huyện và các Phó Chủ tịch UBND huyện đã duy trì thường xuyên việc tiếp công dân định kỳ.

Trụ sở UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội)

Từ năm 2019 đến năm 2021, UBND huyện Đan Phượng đã tiếp 951 lượt/1.402 người, trong đó lãnh đạo UBND huyện tiếp: 404 lượt/700 người; Thường trực tiếp công dân 547 lượt/702 người. Ngoài ra, công tác giải quyết KNTC được Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng quan tâm chỉ đạo giải quyết (tổng số vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện là 79 vụ gồm 54 vụ khiếu nại, 25 vụ tố cáo), trong đó số vụ đã giải quyết là 79 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND xã là 29 vụ (gồm khiếu nại 17 vụ, tố cáo 12 vụ), đến nay đã giải quyết 100% số vụ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành ngân sách được Chủ tịch UBND huyện thực hiện cơ bản đảm bảo theo các Quyết định phê duyệt của UBND thành phố và Nghị quyết của HĐND huyện. Phần lớn nguồn chi ngân sách được tập trung để chi đầu tư phát triển, chi cho sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục đào tạo phục vụ lợi ích dân sinh và thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chi bồi dưỡng cho lãnh đạo UBND xã chưa đúng quy định

Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra Thành phố đánh giá huyện Đan Phượng vẫn còn một số tồn tại, vi phạm. Cụ thể, đối với công tác thanh tra, có 2/12 cuộc thanh tra chậm kết luận so với thời hạn quy định tại Điều 45 Luật Thanh tra và 2/12 cuộc thanh tra không có báo cáo của Thành viên đoàn thanh tra theo quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật Thanh tra năm 2010. "Để xảy ra những tồn tại trên, trách nhiệm thuộc Chánh thanh tra huyện giai đoạn từ năm 2019 - 2021", kết luận thanh tra nêu rõ.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, kết luận thanh tra chỉ rõ tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện chưa cập nhật đầy đủ thông tin việc tiếp nhận, cập nhật, theo dõi quá trình tiếp công dân, xử lý đơn thư trên phần mềm “Quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo” dùng chung của thành phố Hà Nội. Lãnh đạo UBND huyện tiếp thiếu 14 buổi (7 ngày) với lý do UBND huyện thực hiện tạm dừng tiếp công dân của lãnh đạo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2021.

Riêng đối với thị trấn Phùng, 2 xã Tân Lập và Liên Hồng, tại các cột mục “Họ tên, địa chỉ và CMTND”, “Hướng xử lý” và “Theo dõi kết quả giải quyết đơn” của Sổ Tiếp công dân còn chưa ghi đầy đủ thông tin của một số công dân. UBND xã Liên Hồng chi bồi dưỡng cho lãnh đạo UBND xã làm công tác tiếp công dân với mức 50.000 đồng/người/ngày là chưa đúng quy định tại điểm 1, mục 3, Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND (ngày 3.7.2017) của HĐND thành phố với số tiền chi thiếu là 2.300.000 đồng (năm 2019 là 1.130.000 đồng, năm 2021 là 1.170.000 đồng).

Thanh tra thành phố cho rằng "Để xảy ra những tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về Trưởng Ban tiếp công dân của huyện; Chủ tịch và Phó Chủ tịch được phân công phụ trách công tác tiếp công dân, xử lý đơn của thị trấn Phùng và Chủ tịch UBND các xã Tân Lập, Liên Hồng giai đoạn từ năm 2019 - 2021".

Chưa lập bút lục hồ sơ của 28 vụ khiếu nại

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận Thanh tra chỉ rõ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đan Phượng chưa lập bút lục hồ sơ của 28 vụ khiếu nại; còn 1 vụ khiếu nại quá hạn đã ban hành Quyết định giải quyết (vụ bà Nguyễn Thị Hương, thôn Hoa Chữ, xã Thượng Mỗ); còn 1 vụ khiếu nại quá hạn đang xem xét giải quyết (vụ Bà Hoàng Thị Phương thôn 4, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng báo cáo trước ngày 28.1.2022, hiện đã có báo cáo xác minh số 172 ngày 5.5.2022 và đang trình quyết định giải quyết) và 16/83 đơn kiến nghị, phản ánh giải quyết quá thời hạn so với thời hạn mà Lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng giao.

Trung tâm phát triển quỹ đất còn 2/10 vụ khiếu nại quá hạn và 7/61 đơn kiến nghị, phản ánh giải quyết quá thời hạn so với thời hạn mà Lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng giao.

Về phía Thanh tra huyện, qua kiểm tra xác suất các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho thấy có 11 vụ khiếu nại, tố cáo còn giải quyết chậm, quá thời hạn (4 vụ khiếu nại và 7 vụ tố cáo).

Còn tại UBND xã Liên Hồng có 1 vụ tố cáo đã giải quyết bị chậm, quá thời hạn 10 ngày (vụ ông Nguyễn Văn Quyền tố cáo ông Nguyễn Sơn Hà tham ô đất của gia đình ông bán cho hộ ông An và ông Lương).

"Để xảy ra những tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Chánh Thanh tra huyện, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng giai đoạn từ năm 2019 - 2021", kết luận thanh tra chỉ rõ.

* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Phi Long - Minh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/ha-noi-phat-hien-mot-so-vi-pham-trong-tac-tiep-cong-dan-tai-huyen-dan-phuong--i315830/