Hà Nội tính kè đê Bùi bằng bê tông: 'Kỳ lạ quá'

Theo TS Tứ, chỉ cần làm đê đất nhưng cần làm cho tốt, chỗ nào xung yếu có thể kè, còn kè toàn bộ đê thì không được.

Không được gia cố bền vững

Liên quan đến đề xuất của Hà Nội về việc kè đê Bùi bằng bê tông, ngày 3/8, trao đổi với báo Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, đã gọi là đê tả Bùi để phân lũ thì khi nào lũ lớn quá thì buộc phải cho tràn để xả vào phía phân lũ, đảm bảo cho phía bên kia không bị nước lũ đe dọa.

Về thông tin kè bền vững các đoạn xung yếu của đê sông Bùi, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, đây có thể là những đoạn không được phép tràn. Còn đoạn thiết kế để cho tràn thì phần chiều cao, dự kiến cho nước lũ tràn qua, không được gia cố bền vững.

"Việc này phải giao cho đơn vị thiết kế đê, tính toán cụ thể, gia cố bằng bê tông đến đâu. Còn đoạn nào và ở chiều cao nào cần phải để lũ lớn tràn qua, thì phải đắp những vật liệu, ví dụ như đất, để khi cần vỡ, nước sẽ tự phá vỡ.

Trên thế giới, đối với những công trình quan trọng, để bảo vệ đập không bị nước tràn qua đỉnh, ngoài tràn chính, người ta còn mở thêm tràn sự cố, được đắp bằng vật liệu dễ bị nước đẩy vỡ. Đó là loại tràn tự vỡ", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Những bao cát được chèn để ngăn nước tràn qua đê. Ảnh: Dân việt

Cũng theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đối với những vùng có nhiệm vụ phân lũ, ngoài công trình tràn, còn phải lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, có xét nhiệm vụ phân lũ.

Hàng năm sẽ điều chỉnh kế hoạch này. Ngay từ đầu năm phải dựa vào dự báo thời tiết, dự báo dòng chảy lũ, và dự báo việc xả nước từ các hồ chứa, từ các khu dân cư, đến khu vực phân lũ. Từ đó đi kiểm tra và lập kế hoạch phòng chống theo phương châm “bốn tại chỗ” cho các khu vực.

Quan trọng nhất, dự báo được mức nước ngập, và khu vực ngập, để dự báo cho người dân biết, chủ động chuẩn bị, khi cần sơ tán sẽ không bị động. Vào đầu mùa lũ, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sơ tán. Trong mùa lũ, khi có dự báo lũ sẽ dâng cao, thì cần cảnh báo cho người dân. Những việc dự báo, cảnh báo, cần có thời gian, để người dân không chỉ bảo vệ tính mạng, mà còn có thời gian kịp di chuyển tài sản, gia súc, thu hoạch mùa màng.

Việc thông báo với thời gian ngắn, chỉ khoảng trong một số giờ, là áp dụng, khi có sự cố như sắp vỡ đê, vỡ đập ở thượng lưu, nhằm bảo vệ tính mạng là chính.

Đặc biệt, đối với vùng phân lũ, vị nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: "Cần có chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất khi bị phân lũ. Việc này phải làm đầu năm để có kế hoạch tài chính. Đó là chưa kể tạo cho dân vùng lũ, những việc làm, tăng thêm thu nhập. Bởi người dân trong vùng phân lũ, chính thức chỉ được hoạt động sản xuất có một mùa".

Khu vực đê sông Bùi được đắp thêm các tải cát hộ đê. Ảnh: Lao động

'Kỳ lạ quá'

Về việc này, cùng ngày, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, ông chưa hình dung ra được về việc làm đê bê tông.

"Tôi rất ngạc nhiên về câu chuyện này bởi không biết đê bê tông ở đâu người ta làm và làm như nào tôi cũng chưa hình dung ra, không biết bền vững theo kiểu gì. Đứng về mặt kinh tế, để nói về việc kiên cố hóa tất cả đê bằng bê tông là không bao giờ có chuyện đó bởi khối lượng của đê rất lớn, còn nói là bê tông hóa cái mặt đê hoặc mái đê thì chuyện đó cũng cực kỳ công phu và tốn kém.

Bên cạnh đó, dù là vùng phân lũ hay không phân lũ thì vẫn phải bảo đảm cho cuộc sống của người dân an toàn tuyệt đối, an toàn trước các thảm họa thiên tai, không phải ở vùng phân lũ thì để họ sống thế nào thì sống", TS Đào Trọng Tứ nói.

Theo TS Đào Trọng Tứ, ông chưa thấy ở đâu làm đê bằng bê tông, nếu có chỉ có ở trong thành phố và chỉ có một số đoạn, còn nếu nói cả sông mà làm đê bê tông là không ổn.

Nói về thông tin cho kè tuyến đê tả Bùi bằng bêtông dự ứng lực, vị Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: "Đê mà làm bằng bê tông thì kỳ lạ quá, còn kè thì kè xung quanh, nhất là kè mạn tiếp giáp với sông. Bởi vậy, theo tôi chỉ cần làm đê đất nhưng cần làm cho tốt".

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng UBND huyện Chương Mỹ ngày 30/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất phương án kè các đoạn đê xung yếu của sông Bùi theo hướng bền vững.

Vật liệu được sử dụng để kè đê sông Bùi theo ông Chung cho biết là bê tông dự ứng lực (bê tông được nén trước để cải thiện khả năng chịu lực) có các bản rộng từ 40-60 cm.

“Sau đợt mưa lũ này, nếu Bộ cho phép thì thành phố sẽ làm luôn các đoạn đê xung yếu bằng bê tông cốt thép. Tôi nghĩ làm như vậy phải đến vài chục năm sau chúng ta không phải suy nghĩ gì cả”, ông Chung nói.

Trong một diễn biến khác, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất cho triển khai tôn cao và kiên cố hệ thống đê tả Bùi qua huyện Chương Mỹ.

Bên cạnh đó, cũng theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, để nâng cấp đê Bùi thì kinh phí dự kiến rẻ nhất cũng phải từ 50-70 tỷ đồng/km, thậm chí chỗ khó là 100 tỷ đồng/km. Đê trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 14km thì kinh phí có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-tinh-ke-de-bui-bang-be-tong-ky-la-qua-3363059/