Hàng nghìn nông dân thoát nghèo nhờ cây lùng

Từ khi rừng lùng tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An được cấp chứng chỉ FSC, rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực mây tre đã ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm lùng cho nông dân với giá cao. Nhờ đó, hàng nghìn hộ gia đình đã thoát nghèo, có thu nhập tốt và ổn định…

Hoàn thiện sản phẩm tại Công ty Đức Phong.

Lùng là loài cây thuộc họ tre đặc hữu, chỉ xuất hiện tại một số địa phương ở Nghệ An và Thanh Hóa, trong đó riêng tỉnh Nghệ An có 17.000ha rừng lùng. Trong vòng 2 thập kỷ qua, việc khai thác cây lùng tràn lan đã khiến nguy cơ về một vùng nguyên liệu bị cạn kiệt, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái địa phương.

KHAI THÁC LÙNG BỀN VỮNG

Chị Lương Thị Tiến ở bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cho biết rừng lùng Nghệ An có nguy cơ cạn kiệt với lối khai thác bừa bãi, không có kế hoạch và kỹ thuật. Kích thước bụi và các cây lùng ngày càng nhỏ, số lượng măng ít và chất lượng cũng suy giảm đi nhiều.

"Tập quán khai thác cũ là gặp cây nào chặt cây nấy, chặt từ gần tới xa; mọi công đoạn đều thủ công và tự phát, đa phần người dân bán sản phẩm thô trực tiếp. Cách đây 5 năm trở về trước, giá bán lùng rất thấp và bấp bênh lắm, chỉ đủ trang trải cuộc sống ngày nào hay ngày ấy", chị Tiến chia sẻ.

Từ năm 2018, chị Tiến cùng các hộ dân ở bản Mường Hinh bắt đầu tham gia dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Oxfam triển khai. Nhờ dự án này, chị và các hộ trong bản được tập hợp thành nhóm hộ khai thác và sản xuất lùng bền vững để tiến tới đạt chứng chỉ FSC (Chứng chỉ rừng bền vững do Hội đồng quản lý rừng thế giới - Forest Stewardship Council cấp). Chị Tuyển trở thành trưởng nhóm của 40 hộ dân.

Khai thác lùng ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.

Theo lời chị Tiến, họ được các chuyên gia chỉ dạy tận tình và cụ thể, từ cách phân loại và khai thác cây theo độ tuổi, cách chặt sát gốc và dọn rác sau khi khai thác. Cùng với lý thuyết, dự án còn hỗ trợ các mô hình thí điểm phục tráng rừng Lùng tại một số bản. “Chỉ sau đúng 1 mùa, tại những khoảnh rừng Lùng xấu nhất, cây Lùng đã hồi sinh”, chị Tiến phấn khởi.

"Cây lùng đã giúp 40 hộ dân trong nhóm của tôi nói riêng, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Quế Phong nói chung, đã thoát nghèo, đến nay đã có thu nhập ổn định, nhiều hộ khá giả, Giờ có bảo chúng tôi làm khác đi chúng tôi cũng không nghe. Giờ chúng tôi chỉ làm theo tiêu chuẩn bền vững thôi!”.

Chị Lương Thị Tiến, Trưởng một nhóm hộ nông dân khai thác lùng ở bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

“Thay đổi tập quán không phải điều dễ dàng gì. Người Quế Phong trước kia vốn chỉ quen “gặp đâu chặt đó”, nay phải chọn lọc, khai thác theo tháng, đúng tuổi cây; chặt xong phải dọn rác ngay để tạo không gian cho lùng phát triển, khiến thời gian đi rừng lâu hơn trước kia”, chị Tiến kể.

Dự án SCBV cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh và khai thác, phục tráng rừng lùng thoái hóa, sơ chế và bảo quản nguyên liệu lùng có hiệu quả kinh tế. Không chỉ có riêng nhóm hộ tại bản Mường Hinh của chị Tiến, mà hàng chục nhóm hộ khai thác và sản xuất lùng bền vững cũng đã hình thành trên địa bàn huyện Quế Phong.

Từ sự nỗ lực thay đổi của các nhóm hộ, đến ngày 25/2/2021, đã có 938,6 ha rừng lùng tại huyện Quế Phong được cấp chứng chỉ FSC. Chứng chỉ nảy đã mở ra nhiều cơ hội cho nhóm nông hộ, nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh Nghệ An đặt vấn đề thu mua lùng nguyên liệu lâu dài và hỗ trợ toàn bộ quá trình vận chuyển giúp bà con, với giá bán cao hơn 15-20% so với giá bán cho thương lái.

“Hầu hết bà con giờ đây hiểu được rừng Lùng có chứng chỉ không chỉ mang lại thu nhập tốt hơn và sinh kế lâu dài, mà còn mang lại các giá trị bền vững khác về môi trường và xã hội”, chị Lương Thị Tiến khẳng định.

DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN THÀNH MỘT KHỐI BỀN VỮNG

Từ khi rừng lùng ở Quế Phong được cấp chứng chỉ FSC, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mây tre đã ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các nhóm hộ khai thác lùng. Có thể kể đến các doanh nghiệp: Công ty TNHH Đức Phong, Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm…

Công ty TNNH Đức Phong được thành lập trong bối cảnh nghề mây tre đan xuất khẩu của Nghệ An đang có chiều hướng mai một, do không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trải qua nhiều bước thăng trầm, bằng nhiều biện pháp Công ty TNHH Đức Phong đã dần cải tiến mẫu mã, tìm kiếm được thị trường, thường xuyên đào tạo nhân lực.

Đến nay, Công ty TNHH Đức Phong đã mở hơn 200 lớp dạy nghề mây tre đan, đào tạo cho hơn 5.000 lượt người, truyền nghề, dạy nghề cho 132 xã trên địa bàn 15 huyện thành thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Đức Phong cho biết sau khi tham gia dự án SCBV, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang kinh doanh bao trùm, đồng hành cùng bà con nông dân trồng tre lùng. Công ty đã ký kết hợp đồng thu mua tre nguyên liệu dài hạn với giá cao hơn, giúp công ty đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, với chất lượng cao và đồng nhất, đồng thời tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với sản phẩm làm từ tre đạt chứng nhận FSC, công ty đã thâm nhập và mở rộng được thị trường tại nước ngoài.

"Đến nay, Công ty Đức Phong đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 3000 hộ gia đình ở tỉnh Nghệ An. Không chỉ thu mua nguyên liệu, Công ty Đức Phong đặt hàng các tổ nhóm của nông dân sản xuất các sản phẩm đan lát thô theo mẫu của Công ty đưa ra. Sau đó, sản phẩm được đưa về công ty để chỉnh sửa, hoàn thiện và xuất khẩu".

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Đức Phong.

Theo ông Phong,chiến lược kinh doanh của Công ty là hướng tới sử dụng lao động nông nhàn ở nông thôn, đây là lực lượng lao động rất đông và rất cần việc làm để cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản phẩm làm giàu.

“Với một phần lợi thế vùng nguyên liệu quý hiếm của Nghệ An, đó là loại cây lùng có đốt dài, dẻo. Chính cây nguyên liệu quý hiếm này đã giúp công ty tạo ra dòng sản phẩm đan lát tinh xảo, phong phú bậc nhất đó là đèn lồng đan 2 lớp và các sản phẩm như khay hoa quả, đồ gia dụng trong nhà bếp… “, ông Thái Đại Phong chia sẻ.

Phát triển vùng nguyên liệu gắn với chiến lược sản xuất bền vững, cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, Công ty TNHH Đức Phong là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mây tre đan và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và của cả nước.

Theo ông Phong, trong những năm Covid-19 (từ 2020-2022), hầu hết các doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ phải thu hẹp tiêu thụ, thì giá trị xuất khẩu sản phẩm của Công ty Đại Phong vẫn tăng trưởng 25-30% mỗi năm.

“Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, giá cước vận chuyển tàu biển tăng cao gấp 10 lần, trong khi hàng mây tre đan là loại hàng cồng kềnh, nên giá trị cho mỗi container hàng rât thấp. Nguy cơ giá xuất khẩu không bằng giá vận chuyển, buộc phải ngừng xuất khẩu. Nhưng cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã tìm ra giải pháp sản xuất bàn ghế mây tre đan tháo rời được từng bộ phận (chân, lưng, tay vịn) riêng ra, nhờ đó mỗi container xếp được số lượng hàng cao gấp 10 lần so với trước đây, từ đó giải được bài toán cước phí”, ông Phong thông tin.

Với cách làm sáng tạo của Công ty TNHH Đức Phong, cùng với sự nỗ lực của nông dân sản xuất lùng ở Nghệ An, đã tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm lùng xuất khẩu bền vững, đem lại thu nhập tốt và ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình nông dân và hàng trăm công nhân lại doanh nghiệp.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hang-nghin-nong-dan-thoat-ngheo-nho-cay-lung.htm