Hãng tàu thừa nhận không thể xuất trả rác thải

Ngày 28/9, tại buổi làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 về xử lý phế liệu tồn, đại diện các hãng tàu đều thừa nhận không thể xuất trả rác thải sang các nước khác.

Phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng theo quy định bị cơ quan Hải quan phát hiện. Ảnh: T.H

Hơn 2.500 container phế liệu vô chủ

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý phế liệu tồn tại cảng Cát Lái, ngày 28/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã họp với các hãng tàu bàn giải pháp xử lý các container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái trên 90 ngày không có người nhận mà bên trong là phế thải, chất gây ô nhiễm môi trường.

Theo bà Phạm Thị Lèo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, hiện nay, tại cảng Cát lái còn tồn hơn 4.898 container hàng nhập khẩu đã quá 90 ngày kể từ ngày hàng cập cảng, trong đó có 2.700 container là phế liệu.

Để xử lý số phế liệu tồn đọng tại cảng, Chi cục Hải quan cửa khảu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chủ động gửi thư mời doanh nghiệp đứng tên là nhà nhập khẩu nhưng không có người đến làm việc và đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để truy tìm chủ nhân 2.500 (trong số 2.700 container) container, nhưng đến nay cũng không có người nhận.

Đối với các container tồn đọng trên 90 ngày và không có người nhận được xử lý theo Thông tư 203/2014/TT-BTC về xử lý hàng tồn đọng tại địa bàn hoạt động hải quan được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đang thực hiện phân loại, kiểm đếm, xác định giá … nhằm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với hàng hóa tồn đọng và đề xuất phương án xử lý.

Hãng tàu tái xuất rác thải?

Theo Phó Chi cục trưởng Phạm Thị Lèo, trong quá trình phân loại xử lý 2.500 container phế liệu nêu trên, nếu phát hiện phế thải, chất gây ô nhiễm môi trường cơ quan Hải quan kiên quyết yêu cầu hãng tàu, đại lý được hãng tàu ủy quyền phải mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định hiện hành (Luật Hải quan và Luật Hàng Hải).

“Đặc biệt, trong Chỉ thị 27 ban hành mới đây, Thủ tưởng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bổ sung quy định về việc tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – bà Lèo thông tin tới các hãng tàu.

Không phản đối trách nhiệm của mình đối với các container phế thải do hãng tàu vận chuyển, tuy nhiên đại diện các hãng tàu đều cho rằng họ không thể xuất trả phế thải sang các nước khác được, vì sẽ không có nước nào nhập khẩu nếu biết đó là phế thải. Biện pháp cuối cùng các hãng tàu có thể là thực hiện tiêu hủy.

Đại diện hãng tàu Maerk Line cho rằng, khi nhận vận chuyển hàng hóa, hãng tàu cũng không thể biết hàng hóa đó là phế thải. Hiện nay, nếu có container nào chứa phế thải cũng rất khó cho hãng tàu khi bị buộc phải tái xuất trả về nơi bán, bởi phía người bán sau khi bán phế liệu cho DN Việt Nam họ cũng biến mất, hãng tàu biết xuất trả cho ai.

Với những khó khăn nêu trên, bà Lèo khuyến nghị các hãng tàu nên đề xuất xin tái xuất các lô hàng vận chuyển hiện đã xác định là vô chủ đang tồn tại cảng Cát Lái trước khi Hội đồng xử lý hàng tồn đọng xử lý. Nếu sau khi phân loại là phế thải, chất gây ô nhiễm lúc đó hãng tàu tái xuất sẽ rất khó khăn do các nước sẽ không nhận lại các chất này theo công ước BASEL về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng.

"Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan 2014 quy định: Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiên vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Điều 74 Luật Hàng hải năm 2005 quy định thời điểm phát sinh vá chấm dứt trách nhiệm của người vận chuyển. Theo đó, trách nhiệm của người vận chuyển phát sinh từ khi người vận chuyển nhận hàng tại cảng nhận hàng, được duy trì trong suốt quá trình vận chuyển và chấm dứt khi kết thúc việc trả hàng tại cảng trà hàng. Hiện nay, các container phế liệu không có người nhận, có nghĩa là việc trả hàng chưa kết thúc, nên người vận chuyển là các hãng tàu phải có trách nhiệm đối với các lô hàng mình chuyên chở"- Phó Chi cục trưởng Phạm Thị Lèo nêu cơ sở buộc hãng tàu tái xuất rác thải.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hang-tau-thua-nhan-khong-the-xuat-tra-rac-thai.aspx