HĐND TP. Hà Nội: Lấy phiếu tín nhiệm phải nghiêm túc, không hình thức

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND TP. Hà Nội bầu phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận hoạt động HĐND TP. Hà Nội nhiều đổi mới, hiệu quả - Ảnh: VGP/Gia Huy

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Hà Nội sáng 5/12. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Hoạt động HĐND TP. Hà Nội nhiều đổi mới, hiệu quả

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, bài bản, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức thực hiện TP. Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực công tác; trong đó có sự đóng góp tích cực của HĐND và đại biểu HĐND các cấp trong thời gian vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hoạt động của HĐND và các vị đại biểu HĐND các cấp của Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới; ngày càng đi vào thực chất, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 68/2021/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách; trong đó quy định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND tối đa là 19 người, tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND TP.

Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND TP phối hợp, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội", trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong hoạt động của HĐND các cấp.

HĐND TP. Hà Nội cũng đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với thực tiễn của TP.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, lan tỏa những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND TP. Hà Nội đã lựa chọn đúng những vấn đề quan trọng, được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm để tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình như: Dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị…

Các đại biểu HĐND TP. Hà Nội làm tốt nhiệm vụ người đại biểu Nhân dân, đã luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp xúc cử tri, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri trong xây dựng, hoạch định chính sách, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Kỳ họp 14 của HĐND TP. Hà Nội - Ảnh: VGP

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, tại kỳ họp này, đại biểu HĐND TP. Hà Nội cần tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật, những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế.

Từ đó có các giải pháp thiết thực, kịp thời, khả thi khi thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của TP. Hà Nội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Các cấp, ngành, địa phương phải tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với những nội dung thiết thực, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, có lộ trình phấn đấu thực hiện để tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Hà Nội cần tập trung tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô; quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế kịp thời cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu…

Lấy phiếu tín nhiệm cần đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tại kỳ họp này, HĐND TP, Hà Nội tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND Thành phố bầu, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vừa qua, Chính phủ đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội. Qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 cho thấy việc thực hiện mô hình chính quyền các cấp như hiện nay của TP. Hà Nội là hiệu quả và phù hợp thực tiễn.

Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để tổng kết việc thực hiện thí điểm để cụ thể hóa trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội. Đánh giá cao sự chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm cao của TP Hà Nội và các cơ quan liên quan trong việc chủ động xây dựng, trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô, TP. Hà Nội cần tập trung quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị HĐND TP tiếp tục tinh thần đổi mới trong hoạt động để HĐND TP Hà Nội luôn là "điểm sáng", "hình mẫu", "tiêu biểu đi đầu" trong hoạt động của các cơ quan dân cử trong cả nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND.

Tập trung giám sát những vấn đề quan trọng mà Nhân dân đang quan tâm; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp của HĐND và theo dõi, đôn đốc, bảo đảm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả... góp phần nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Gia Huy

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hdnd-tp-ha-noi-lay-phieu-tin-nhiem-phai-nghiem-tuc-khong-hinh-thuc-103231205113903518.htm