Hiểm họa khi doanh nghiệp lơ là nhiệm vụ chính

Những ai tin vào sự bất khả chiến bại của bản thân thường sẽ đưa ra những quyết định sai lầm và tiến nhanh hơn đến sự diệt vong.

Hình minh họa: Christina Morillo/Pexels.

Nguy cơ thất bại đặc biệt cao khi luật chơi thay đổi liên tục hoặc trong suốt thời kì “suy thoái” như ta vẫn gọi ngày nay, và khó có ví dụ nào minh họa cho luận điểm này cay đắng hơn số phận của người Inca. Vào ngày 16 tháng 11 năm 1532, trên những ngọn núi gần Cajamarca, một cuộc đụng độ nổ ra khi nhà thám hiểm Francisco Pizzaro, chỉ với 180 quân lính và 27 kị binh, giao chiến với đội quân Inca vượt trội về số lượng.

Các sử gia ước tính rằng quân đội Inca có khoảng 12 nghìn người, thế nhưng bằng cách nào đó quân Tây Ban Nha đã giành được phần thắng trong trận chiến. Một triều đại từng là một đế chế hùng mạnh nhưng lại run rẩy trước một nhóm lính đánh thuê nhỏ bé cùng một nhà thám hiểm. Câu chuyện về trận đại bại của Inca ở Cajamarca cho đến tận ngày nay vẫn tiếp tục mê hoặc chúng ta.

Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện. Niềm tin vào sự bất khả chiến bại của vị Vua Inca là Atahualpa mới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của ông, và niềm tin đó mạnh mẽ tới độ người Inca tự tin tay không chạm trán quân Tây Ban Nha. Vua Inca tin rằng những kẻ ngoại quốc kia sẽ phải nghiêng mình kính sợ trước sự xuất hiện thần thánh của ông.

Tuy nhiên, Atahualpa bị bắt làm tù binh và bị tử hình chỉ một năm sau đó. Đáng ra sau trận chiến tàn khốc này, Đế chế Inca vẫn có cơ hội vực dậy nếu trước đó đất nước không bị suy yếu bởi các cuộc giao tranh nội tộc đẫm máu. Kể từ năm 1527, Atahualpa và người anh trai cùng cha khác mẹ của mình là Húascar đã liên tục giao đấu để giành quyền cai quản đế chế, vốn được cha của họ là Vua Huayna Cápac phân chia cho cả hai trước đó. Kết quả sau đó là một cuộc nội chiến chia cắt đế chế làm hai nửa, khiến vô số người thương vong và biến đất nước thành mảnh đất màu mỡ cho các cuộc nổi dậy.

Nhiều nhóm dân cư địa phương đã gia nhập lực lượng quân Tây Ban Nha với hy vọng sẽ thoát khỏi sự cai trị của người Inca, và người Tây Ban Nha đã nhanh chóng tận dụng lợi thế này. Quan trọng hơn cả là các bệnh dịch như đậu mùa, cúm và sởi bắt nguồn từ người châu Âu đã lan nhanh và xóa sổ hàng nghìn người bản địa, đẩy nhanh quá trình suy thoái của họ. Cho đến tận ngày nay vẫn còn một hồ nước ở Peru được đặt tên là Yaguar Cocha (nghĩa là Hồ Máu) như một lời nhắc nhở về những trận chiến khủng khiếp diễn ra trong suốt những ngày tàn của đế chế.

Vua Inca là Atahualpa tin rằng những kẻ mới đến sẽ phải tuân theo luật chơi của ông. Đây là sai lầm khiến chúng tôi nhớ đến câu chuyện về vị CEO của một công ty lớn, sau khi lắng nghe bài trình bày thuyết phục về khái niệm doanh nghiệp của một nhà khởi nghiệp, liền hạ cố nói với cậu doanh nhân trẻ: “Chúc may mắn!”. Chàng trai trẻ nghĩ một lát, sau đó nhìn lên và bình tĩnh đáp: “Ông cũng thế!”. Hiếm khi nào vị giám đốc điều hành cấp cao nọ lại ngạc nhiên và sửng sốt đến vậy.

Trong lịch sử doanh nghiệp, có vô số ví dụ về những công ty lâm vào tình cảnh khó khăn chỉ vì quá tự tin và đắm chìm trong thành công của chính mình. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong câu chuyện về Nokia ở phần đầu của cuốn sách cùng một số trường hợp nổi bật khác. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, doanh nghiệp cần dồn toàn lực vào việc duy trì vị thế của mình trên thị trường.

Nguy hiểm hơn, đúng vào những thời khắc như thế, họ lại bị sao lãng bởi những xung đột quyền lực nội bộ và những trận chiến bên lề thay vì dốc toàn lực để đối phó với đối thủ thật sự. Nếu như người Inca đứng lên đấu tranh với quân đội Tây Ban Nha bằng sự quyết tâm như cách họ đã thể hiện ở những cuộc chinh phạt các nước láng giềng hàng thập kỉ trước đó, thì có lẽ chúng ta sẽ phải viết lại lịch sử của khu vực Mỹ Latin.

Bên cạnh đó, còn nhiều lý do khác giải thích tại sao người Inca không quyết liệt chống trả những kẻ xâm lược đến từ châu Âu: họ choáng váng khi nhìn thấy thủ lĩnh thần thánh của mình bị bắt làm tù binh, khiếp sợ khi chứng kiến một loạt vũ khí xa lạ như đại bác và súng, trước những con vật kỳ lạ đáng sợ như ngựa và chó săn, và quan trọng không kém là họ cảm thấy choáng ngợp khi lần đầu diện kiến một nền văn hóa hoàn toàn khác sau thời gian sống trong thế giới cô lập của mình. Nếu đem ra so sánh, các trận chiến doanh nghiệp đang diễn ra hiện nay - hay có lẽ chúng ta nên gọi là cạnh tranh - đều thân thiện hơn các trận chiến của Đế chế Inca rất nhiều.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao trong những tình huống như vậy, đôi khi chúng ta tỏ ra quá chủ quan, quá chắc chắn. Chúng ta thiếu linh hoạt tới đâu, hạn hẹp tới mức nào trong nhiều doanh nghiệp? Chúng ta thường sao lãng thay vì tập trung vào những vấn đề quan trọng và “kẻ thù” như thế nào? Và quan trọng hơn là tại sao tất cả những điều này lại có thể xảy ra và làm thế nào để tránh được chúng?

Andreas Krebs và Paul Williams/NXB Dân trí & Tân Việt Books.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hiem-hoa-khi-doanh-nghiep-lo-la-nhiem-vu-chinh-post1407428.html