Hiệp định BBNJ - bước tiến mới của luật pháp quốc tế và triển vọng trong tương lai (Phần I)

Hiệp định BBNJ hướng tới mục tiêu đảm bảo bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển cho hiện tại và trong dài hạn.

Hiệp định BBNJ - bước tiến mới của luật pháp quốc tế và triển vọng trong tương lai (phần I). (Nguồn: Getty Images)

Vùng biển quốc tế quan trọng

Là khu vực nằm ngoài 200 hải lý, không thuộc quyền tài phán của bất cứ quốc gia nào, vùng biển quốc tế chiếm 2/3 diện tích biển, đại dương trên thế giới và bao phủ gần 50% bề mặt trái đất. Tại nơi này, tập trung các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, gồm sinh vật và phi sinh vật, mang lại lợi ích to lớn cho con người.

Vùng biển quốc tế đóng vai trò quan trọng không chỉ trong giao thông, vận tải mà còn trong phát triển kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu, góp phần vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng ven biển.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà đa số chưa được con người khám phá hết. Chỉ có số ít các quốc gia, tổ chức làm chủ về khoa học – công nghệ mới có năng lực tới khám phá thăm dò tại những vùng biển xa xôi và sâu thẳm đó.

Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa đạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, cộng đồng quốc tế nỗ lực có những hành động tập thể chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ làm suy thoái môi trường biển và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tới biển và đại dương.

“Trái ngọt” sau gần 2 thập kỷ

Quá trình đàm phán văn kiện ràng buộc pháp lý về đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia đã diễn ra trong gần 20 năm qua.

Ngày 4/3/2023, tại New York (Mỹ), Hội nghị liên chính phủ của Liên hợp quốc đã hoàn thành quá trình đàm phán về văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

Hiệp định BBNJ quy định bốn vấn đề quan trọng trong đảm bảo đa dạng sinh học. (Nguồn: marinetraining.eu)

Ngày 19/6/2023, Hội nghị liên chính phủ đã đồng thuận thông qua Hiệp định trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (sau đây gọi là Hiệp định BBNJ).

Ngày 1/8/2023, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết về Hiệp định BBNJ với sự ủng hộ của 150/193 quốc gia thành viên.

Từ ngày 20/9/2023, Hiệp định được mở ký trong vòng hai năm và sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi được ít nhất 60 quốc gia thành viên nộp phê chuẩn, phê duyệt, chấp nhận hoặc gia nhập.

Hiệp định BBNJ, gồm Phần Mở đầu, 12 Phần với 76 điều cùng với hai Phụ lục kèm theo, hướng tới mục tiêu đảm bảo bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển cho hiện tại và trong dài hạn, thông qua việc thực thi hiệu quả các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và tăng cường hợp tác quốc tế.

Hiệp định BBNJ quy định bốn vấn đề quan trọng trong đảm bảo đa dạng sinh học biển gồm: nguồn gene biển; các biện pháp, công cụ quản lý dựa vào vùng (sau đây gọi là ABMT), bao gồm các khu vực bảo tồn biển (MPA); đánh giá tác động môi trường biển (EIA) và xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển.

Nhấn mạnh việc sự kiện thông qua BBNJ là một kỳ tích, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi cho rằng, các nước đã cùng nhau đặt nền móng cho việc quản lý tốt hơn và bảo vệ các đại dương cho thế hệ mai sau.

BBNJ được thông qua không chỉ khẳng định chiến thắng của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, mà còn là bước đi lịch sử chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương, tiếp nối Công ước UNCLOS 1982 trong xây dựng và thực thi trật tự pháp lý trên biển vì hòa bình, hợp tác, phát triển và môi trường trong sạch.

UNCLOS có quy định về tự do đánh cá và tự do nghiên cứu khoa học biển tại biển cả, song chưa có quy định điều chỉnh về phân chia nguồn lợi là nguồn gene thu thập từ biển cả, chưa có cơ chế điều phối, kiểm soát các hoạt động trên biển nhằm bảo vệ nguồn gene này khỏi bị suy giảm, cạn kiệt. Hiện nay, hầu như chỉ có các nước phát triển và các công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gene biển và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận.

(*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

TS. Nguyễn Thị Lan Hương*

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hiep-dinh-bbnj-buoc-tien-moi-cua-luat-phap-quoc-te-va-trien-vong-trong-tuong-lai-phan-i-252152.html