Học nghề giúp phụ nữ dân tộc thiểu số xã Vĩnh Ô thay đổi cuộc sống

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho hội viên là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh quan tâm. Điều này không chỉ tạo việc làm, thu nhập mà còn góp phần thay đổi nhận thức, giúp chị em vượt qua các rào cản tập quán lạc hậu để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lần đầu tiên chị em phụ nữ xã Vĩnh Ô được học nghề may công nghiệp - Ảnh: T.N

Hội LHPN xã Vĩnh Ô hiện có 284 hội viên sinh hoạt tại 7 chi hội. Đa phần đời sống của chị em còn gặp nhiều khó khăn do trình độ học vấn thấp, thiếu vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất. Nhằm giúp hội viên có điều kiện cải thiện cuộc sống, thời gian qua, Hội LHPN xã đã tích cực phối hợp với các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp, thay đổi nhận thức, tư duy trong phát triển kinh tế.

Chỉ tính riêng năm 2023, Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức 3 lớp sơ cấp nghề: may công nghiệp, chăn nuôi thú y và chế biến nấu ăn cho 78 học viên.

Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao, hội đã triển khai khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch để phối hợp với trung tâm dạy nghề mở lớp phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm sau khi học chị em có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Chị Hồ Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Ô cho hay: “Việc phối hợp tổ chức dạy nghề đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cũng như thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ DTTS trên địa bàn xã, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo”.

Tháng 10/2023, chị Hồ Thị Ang (sinh năm 1980), ở thôn Lền là một trong hai phụ nữ DTTS làm chủ hộ đầu tiên của xã Vĩnh Ô tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Chuyện làm đơn xin thoát nghèo của chị Ang đang truyền cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn. Chị Ang có hoàn cảnh khá éo le khi mất chồng từ năm 36 tuổi. Một mình chị nuôi 3 đứa con trong khi bản thân chị không có việc làm ổn định.

Dù khó khăn bủa vây nhưng chị đã nỗ lực vươn lên. Trước đây, nghề chính của chị là làm nương rẫy và trồng rừng, bóc vỏ tràm thuê theo thời vụ. Ngoài công việc làm thuê chị có nuôi 1 bò nhưng theo lối truyền thống của người dân địa phương là thả rông trâu, bò trong rừng. Vì thế mà mấy năm nay không phát triển thêm được con bò nào.

Đầu năm 2023, chị Ang có tham gia học lớp sơ cấp nghề Chăn nuôi thú y của hội phụ nữ nên biết thêm nhiều kiến thức bổ ích về chăn nuôi. Nằm trong diện được huyện hỗ trợ 3 con bò giống nên chị Ang áp dụng ngay kiến thức đã học là làm chuồng trại chăn nuôi bò chứ không thả rông như trước.

“Trước đây, không có chuồng, bò ăn ngủ trong rừng nên chẳng kiểm soát được, có khi bị chết, mất cũng không biết. Từ ngày có chuồng, tôi tranh thủ từ sáng sớm lùa 3 con bò lên bãi chăn thả cách nhà vài ki lô mét, chiều tối lại lùa bò về chuồng. Đàn bò là một trong những sinh kế thoát nghèo của gia đình nên tôi phải chăm sóc kỹ. Tôi cũng đang nhờ người quen đặt mua giống cỏ voi để trồng trong vườn, chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa mưa rét”, chị Ang chia sẻ.

Cũng trong năm 2023, lớp sơ cấp nghề May công nghiệp lần đầu tiên được tổ chức cho chị em phụ nữ xã Vĩnh Ô. Lớp này do hội phụ nữ phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Vĩnh Linh mở từ tháng 4-8/2023. Tham gia học có 18 chị em đều là phụ nữ DTTS. Để thuận lợi cho việc học tập, trung tâm đã đưa máy móc lên tận bản cho học viên thực hành. Cô giáo Nguyễn Thị Thơm, người trực tiếp giảng dạy và quản lý lớp chia sẻ: Nghề may vá vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì, đặc biệt việc thao tác trên máy may công nghiệp nếu không quen chân và khéo léo thì rất khó để điều chỉnh đường may theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, rất bất ngờ là chỉ sau vài ngày hướng dẫn, chị em đều sử dụng máy may được hết. Lớp có 18 học viên nhưng chỉ có được 10 máy để thực hành nhưng buổi học nào, chị em cũng đi đầy đủ, nhiều người còn đưa áo quần của mình và người thân lên nhờ cô giáo hướng dẫn cách may vá, chỉnh sửa.

“Ấn tượng nhất là các học viên học rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng hỏi cô giáo và học hỏi lẫn nhau. Trong lớp có 4 chị nắm bắt kiến thức rất nhanh, họ luôn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn những học viên còn lại”, cô Thơm chia sẻ. Cũng theo kế hoạch ban đầu khi mở lớp dạy nghề này, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Linh đã làm việc Công ty Cổ phần Phát triển may mặc Miền Trung (Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá) bố trí cho các học viên của lớp được thực tập, nâng cao tay nghề tại xưởng may của công ty, từ đó lựa chọn những học viên đáp ứng điều kiện tay nghề tuyển vào làm việc tại đây. Tuy nhiên, thời điểm từ giữa năm 2023 đến nay, doanh nghiệp khó khăn do không có đơn hàng nên kế hoạch này chưa thực hiện được.

Sau khi lớp sơ cấp nghề may công nghiệp này kết thúc thì 2 chị Hồ Thị Tùng và Hồ Thị Thin, ở thôn Thúc là 2 học viên đầu tiên bước ra khỏi bản làng vùng cao đến với các khu công nghiệp hiện đại ở tỉnh Đồng Nai nhờ tấm bằng sơ cấp nghề.

Theo chị Thu, cả Thin và Tùng đều được nhận vào làm việc tại một doanh nghiệp may mặc ở Đồng Nai. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, doanh nghiệp may mặc lâm vào cảnh khó khăn do tình hình khó khăn chung toàn cầu, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm của công nhân nên không đảm bảo thu nhập.

“Mới đây, tôi nghe báo là Thin và Tùng đều xin nghỉ việc ở nhà máy may để xin vào làm việc cho một doanh nghiệp lắp ráp điện tử. Dù chưa có nhiều cơ hội ứng dụng nghề đã học nhưng nhờ có tấm bằng nghề này mà các em đã mạnh dạn bước ra khỏi bản làng để tìm kiếm cho mình một công việc, có thu nhập nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình chứ không còn quẩn quanh với việc làm thuê cuốc mướn, bóc vỏ tràm... rồi lấy chồng sinh con như một vòng luẩn quẩn của người phụ nữ vùng cao. Dù trước mắt sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nơi thành phố lớn nhưng đây là cơ hội để các em thay đổi số phận của mình”, chị Thu chia sẻ.

Những thành quả bước đầu trong công tác đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ ở xã Vĩnh Ô đang từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên của các chị em để phát triển kinh tế, cống hiến, xây dựng quê hương.

Thời gian tới, Hội LHPN xã Vĩnh Ô xác định tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho hội viên. Hội sẽ khảo sát, nắm bắt nhu cầu của chị em để lựa chọn và đề xuất với các trung tâm đào tạo nghề mở các lớp theo nhu cầu thực tế về việc làm tại địa phương.

“Chúng tôi sẽ định hướng để chị em có thể lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bản thân, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ hội viên về vốn, cây, con giống nhằm xây dựng các mô hình sinh kế để chị em phát triển nghề đã học”, chị Thu nói.

Thủy Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/hoc-nghe-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-xa-vinh-o-thay-doi-cuoc-song/182456.htm