Học tiếng đồng bào để gần dân hơn

Không chỉ làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, Thượng tá Đoàn Văn Hữu, Phó Trưởng Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) còn được biết đến là người chủ động học tiếng đồng bào. Chính việc làm này đã tạo sự gần gũi, sẻ chia với người dân, góp phần giữ vững tình hình ANTT địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thượng tá Đoàn Văn Hữu, Phó Trưởng Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) hướng dẫn người dân làm việc tại bộ phận một cửa. Ảnh: CACC.

Không để bị động, bất ngờ

Quỳ Châu (Nghệ An) là huyện miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Được phân công phụ trách công tác ở địa bàn đặc thù, qua hơn 2 năm, với vai trò là Phó Trưởng Công an huyện Quỳ Châu, Thượng tá Đoàn Văn Hữu đã thể hiện sự xuất sắc trong lãnh đạo và chỉ đạo công tác an ninh trên địa bàn.

Đối diện với nhiều thách thức do đặc thù miền núi và trình độ dân trí không đồng đều, Thượng tá Hữu đã biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, chủ động nắm bắt tình hình an ninh trật tự, đảm bảo mọi mặt của công tác đều được quản lý chặt chẽ, giải quyết hiệu quả các vấn đề xảy ra trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ.... từ đó để lại nhiều dấu ấn trong quá trình làm việc.

Trong thời gian qua, Thượng tá Đoàn Văn Hữu đã phát hiện, vận động, và ngăn chặn thành công 3 vụ sinh hoạt tôn giáo trái phép; tham mưu, vận động giải tán 5 vụ tụ tập đông người, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái phép; chỉ đạo, đấu tranh, và ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều tin xấu, độc trên không gian mạng, xử phạt hành chính 3 trường hợp vi phạm luật an ninh mạng với tổng số tiền hơn 22 triệu đồng; kiến nghị xử lý 2 trường hợp vi phạm về an ninh kinh tế.

Hơn 2 năm nhận nhiệm vụ tại huyện Quỳ Châu, Thượng tá Hữu đã trực tiếp chỉ đạo 6 xã trên địa bàn tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ đạt kết quả cao. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác rà soát tiêu chuẩn chính trị, nhất là rà soát tiêu chuẩn chính trị phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; thực hiện tốt công tác bảo vệ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn huyện, không để đột xuất, bất ngờ….

Tham mưu, triển khai, bố trí 100% quỹ đất xây dựng trụ sở làm việc của Công an xã (là một trong những huyện bố trí đất xong sớm nhất Công an tỉnh); tranh thủ kinh phí địa phương xây dựng 1 trụ sở, bố trí 5 cơ sở dôi dư để xây dựng trụ sở cho Công an cấp xã. Chỉ đạo xây dựng, kiện toàn lực lượng Công an huyện, nhất là việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn đội ngũ chỉ huy cấp đội, cấp xã.

Quan tâm, chỉ đạo triển khai tốt công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức quán triệt cụ thể các chương trình, kế hoạch, chủ trương lớn trong đơn vị.

Ngoài ra, Thượng tá Đoàn Văn Hữu cũng đã cùng cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tốt công tác xây dựng nông thôn mới, qua đó đã hướng dẫn về đích nông thôn mới đối với 12 bản, 1 xã trên địa bàn huyện Quỳ Châu.

Học tiếng đồng bào dân tộc để gần dân hơn

Công tác tại địa bàn huyện miền núi, nơi có 80% dân số là đồng bào Thái, trình độ dân trí còn hạn chế, nên Thượng tá Đoàn Văn Hữu đã nỗ lực tự học tiếng dân tộc để thuận tiện trong công tác tiếp xúc, gần dân, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tránh để kẻ xấu lôi kéo, xúi giục.

Tuyên truyền về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thượng tá Đoàn Văn Hữu chia sẻ: "Là lãnh đạo phụ trách lĩnh vực an ninh, phong trào, thường xuyên tiếp xúc với các già làng, trưởng bản, người có uy tín nên bản thân quyết định tự học tiếng Thái để có thể nói chuyện, trao đổi với người dân bản địa.

Việc học tiếng Thái ban đầu gặp một số khó khăn, tuy nhiên trên tinh thần tự nghiên cứu, học hỏi và thường xuyên nói chuyện với đồng bào, hiểu biết của tôi về văn hóa, tiếng nói và chữ viết cũng ngày một nâng lên. Khi giao tiếp bằng tiếng Thái, người dân luôn niềm nở, cởi mở, chia sẻ, qua đó đã thu được nhiều nguồn tin quan trọng phục vụ công tác".

Cũng theo Phó Trưởng Công an huyện Quỳ Châu, việc học tiếng Thái còn giúp nâng cao hiểu biết về bản sắc văn hóa, có thêm kiến thức về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn, tạo sự gần gũi, sẻ chia với bà con, vận động quần chúng và dễ dàng nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong đời sống hằng ngày.

Việc cán bộ Công an học tiếng đồng bào dân tộc phát huy vai trò là "cánh tay nối dài" để tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chủ trương lớn về phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT tới từng hộ gia đình ở khắp các bản làng vùng cao trên địa bàn.

Thượng tá Đoàn Văn Hữu, Phó Trưởng Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) trao quà Tết cho người nghèo trên địa bàn.

Bởi khi biết nói tiếng đồng bào miền núi thông qua giao tiếp với bà con dân bản, người cán bộ Công an sẽ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng dân cư, dễ dàng thấu hiểu phong tục tập quán và kịp thời nắm bắt mọi tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó, hóa giải mâu thuẫn, tăng cường đại đoàn kết các dân tộc, tránh để nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng, chia rẽ, giữ vững tình hình ANTT tại địa phương...

Văn Hậu - Khánh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoc-tieng-dong-bao-de-gan-dan-hon-16924050517250281.htm