Hội nghị thượng đỉnh Amazon tìm kiếm lộ trình cứu lá phổi của thế giới

Tổng thống Brazil Inacio Lula da Silva và các nhà lãnh đạo đồng cấp ở các quốc gia Nam Mỹ hiện đang phải đối mặt với áp lực phải đưa ra các giải pháp táo bạo để cứu rừng Amazon đang bị tàn phá, khi Hội nghị thượng đỉnh Amazon vừa chính thức khai mạc vào ngày 8/8.

Bảo vệ "phá phổi xanh của Trái đất" - Amazon là nhiệm vụ của mọi quốc gia và mọi cá nhân. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Các quan chức Brazil đã tuyên bố sẽ tìm kiếm một lộ trình đầy tham vọng để ngăn chặn nạn phá rừng tại cuộc họp kéo dài 2 ngày của Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau 14 năm của nhóm 8 quốc gia, được thành lập vào năm 1995 bởi các quốc gia Nam Mỹ có chung lưu vực sông Amazon bao gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.

Là ngôi nhà của khoảng 10% đa dạng sinh học trên Trái đất, 50 triệu người và hàng trăm tỷ cây cối, Amazon rộng lớn là một bể chưa Carbon quan trọng, hỗ trợ làm giảm sự nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo nạn phá rừng đang đẩy nó đến một “điểm bùng nổ” một cách nguy hiểm, vượt qua ngưỡng đó, cây cối sẽ chết và giải phóng khí Carbon thay vì hấp thụ Carbon, gây hậu quả thảm khốc cho khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Brazil Marina Silva phát biểu tại một cuộc họp cấp bộ trưởng trước thềm hội nghị thượng đỉnh rằng các quốc gia trong khu vực quyết tâm “không để Amazon đạt đến điểm không thể quay đầu”.

Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira nhận xét, hội nghị thượng đỉnh sẽ đưa ra một tuyên bố chung, trong đó công bố hướng dẫn cho 8 quốc gia thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ mới để bảo vệ rừng nhiệt đới khỏi nạn phá rừng.

Ông cho biết tiến trình làm dự thảo đã được đàm phán trong thời gian kỷ lục là chỉ trong hơn một tháng.

Brazil, Colombia: Các ưu tiên cạnh tranh

Nạn phá rừng chủ yếu là vì lý do lấy đất để chăn nuôi gia súc, bên cạnh cũng phải kể đến việc nó được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều tệ nạn khác như buôn bán trái phép ma túy, vũ khí, gỗ và vàng…

Tại Brazil, nước xuất khẩu thị bò và đậu nành hàng đầu thế giới và cũng là nơi chiếm 60% diện tích rừng Amazon, sự tàn phá đã xóa sổ 1/5 diện tích rừng nhiệt đới.

Các nhóm môi trường đang gây áp lực để buộc cả 8 quốc gia phải thông qua cam kết của Brazil nhằm xóa bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030.

Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đang thúc đẩy các quốc gia khác tuân thủ cam kết cấm tất cả các hoạt động thăm dò dầu khí mới.

Trong một thông tin có liên quan, Brazil cho biết các mục tiêu của họ cho hội nghị thượng đỉnh bao gồm việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm cảnh sát quốc tế cho khu vực và một nhóm nghiên cứu khoa học theo mô hình của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Hội nghị thượng đỉnh cũng là một buổi tổng duyệt cho các cuộc đàm phán về khí hậu của COP30, cũng sẽ tổ chức vào năm 2025.

Nhóm hoạt động có trụ sở tại Mỹ Avaaz cho biết, hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại kết quả cụ thể nếu khu vực này nghiêm túc trong việc trở thành người đi đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, các nhóm bản địa - những người có các khu bảo tồn được bảo vệ là những vùng đệm quan trọng chống lại sự phá hủy của các khu rừng trên thế giới – đã thúc giục các nhà lãnh đạo Nam Mỹ nhanh chóng triển khai những hành động táo bạo.

“Cuộc đấu tranh của chúng ta không chỉ dành cho người bản địa, mà giành cho toàn thế giới để các thế hệ tương lai có thể tồn tại trên hành tinh này”, Nemo Guiquita, Thủ lĩnh cộng đồng bản địa Waorani, Ecuador chia sẻ với phóng viên báo AFP.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-amazon-tim-kiem-lo-trinh-cuu-la-phoi-cua-the-gioi-130769.html