Hơn 3 năm không thanh lý nổi những chiếc xe 'vô chủ'

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm giao thông trên địa bàn Hà Nội vốn đã không còn chỗ trống, nay càng trở nên quá tải. Việc hàng trăm nghìn phương tiện tạm giữ bị xuống cấp không chỉ gây lãng phí tài sản của người dân, áp lực lên các đơn vị tạm giữ mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa về cháy nổ...

Sự lãng phí có thể nhìn thấy

Ghi nhận của phóng viên tại một số bãi giữ xe vi phạm giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng những chiếc xe máy hư hỏng, phủ đầy bụi, dây leo chằng chịt, nằm chồng chất, ngổn ngang... đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, phòng chống cháy nổ.

Tại Công ty Hà Cầu - Thăng Long thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam, địa chỉ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông (đơn vị ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tai nạn với Công an một số quận, và một số tổ công tác 141, Công an thành phố Hà Nội...), dù đã quá tải, nhưng trong dịp Tết số lượng xe máy vi phạm vẫn được đưa về đây, tăng đột biến so với ngày thường.

Hàng nghìn chiếc xe chiếc xe máy hư hỏng, phủ đầy bụi, nằm ngổn ngang tại bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long.

Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết, ngày thường, khoảng 20-25 xe vi phạm được đưa về đây. Tuy nhiên trong những ngày Tết vừa qua, mỗi ngày có khoảng 30-40 xe vi phạm về bãi. Trong số những chiếc xe này đa phần là xe máy, ô tô chỉ có vài chiếc. Để bảo đảm diện tích, đơn vị này đã phải bỏ thêm chi phí làm lán xưởng để có chỗ chứa xe vi phạm. Thậm chí, Công ty này phải đưa đến nơi khác để gửi vì bãi xe đã quá tải.

Theo ghi nhận, những xe máy tạm giữ ở đây có đủ chủng loại, nhãn hiệu. Không ít xe thuộc dòng xe đắt tiền, cao cấp như Honda SH, Vespa LX... Tình trạng chung là dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng theo thời gian. Có những phương tiện trải qua nhiều năm nắng mưa, bụi bám từng lớp dày, các phụ tùng bị hoen gỉ không còn khả năng phục hồi.

Những xe máy tạm giữ ở đây có đủ chủng loại, nhãn hiệu, không ít xe thuộc dòng xe đắt tiền, cao cấp như Honda SH, Vespa LX...

Thông tin với phóng viên, ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long, cho biết, hiện nay, bãi giữ phương tiện vi phạm của Công ty có khoảng hơn 4.000 chiếc xe máy. Rất nhiều xe vi phạm được đưa về đây từ nhiều năm trước, phần lớn xe không giấy tờ. Có thể do tiền phạt vi phạm nồng độ cồn cao hơn giá trị xe nên chủ nhân không đến làm thủ tục để lấy xe về.

Đại diện Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho hay, dù đã làm hồ sơ để thanh lý những chiếc xe vô chủ, nhưng vì thủ tục pháp lý, mà hơn 3 năm nay chưa thể tiến hành đấu giá được một chiếc xe nào.

Đơn vị này đã phải làm lán xưởng để có chỗ chứa xe vi phạm.

Tương tự, tại bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 (thuộc Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) ở đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) - bãi để xe vi phạm của một số đội Cảnh sát gao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Nam Từ Liêm, tổ công tác đặc biệt 141 - Công an thành phố Hà Nội..., số lượng phương tiện bị tạm giữ do vi phạm lên đến hàng nghìn chiếc.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Phó Giám đốc Xí nghiệp 5, cho biết, từ đầu năm 2023, khi lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn thì lượng xe vi phạm đổ về bãi tăng "chóng mặt". Hiện nay chúng tôi đang trông giữ hơn 3.000 chiếc xe, chủ yếu là xe máy của người vi phạm nồng độ cồn.

Theo ông Lộc, đây là tình trạng chung của rất nhiều địa phương trên cả nước hiện nay và nguyên nhân chủ yếu là do mức phạt cao hơn giá trị xe nên nhiều chủ xe, người vi phạm bỏ xe, không đến làm thủ tục xử phạt nhận lại. Trong khi, quy trình thanh lý, bán phát mại xe vi phạm lại khá phức tạp. Ngoài việc phải xác minh, giám định phương tiện là vô chủ, không đủ điều kiện sử dụng, cơ quan Công an còn phải xin ý kiến của nhiều đơn vị khác nhau. Thời gian để hoàn tất thủ tục thanh lý những phương tiện này phải mất từ 2 đến 3 năm.

Bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 đang có hơn 3.000 phương tiện.

Theo các chuyên gia, việc hàng trăm nghìn phương tiện tạm giữ bị xuống cấp không chỉ gây lãng phí tài sản của người dân, áp lực lên các đơn vị tạm giữ mà còn tồn tại nhiều hiểm họa về cháy nổ. Không chỉ gặp khó trong vấn đề thanh lý phương tiện, mà việc tiêu hủy những phương tiện cũ nát này cũng không phải chuyện đơn giản. Bởi các chất thải từ phương tiện như ắc quy, pin, đèn,… tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rất lớn với môi trường nếu không được xử lý đúng cách.

Cần có giải pháp linh hoạt

Về việc xử lý phương tiện bị tạm giữ tại các bãi xe, luật sư Nguyễn Hoàng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ.

Các loại dây leo chằng chịt bám trên xe.

Theo đó, đối với phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, không có lý do chính đáng thì phương tiện đó sẽ bị tịch thu, sung công quỹ bằng hình thức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các đơn vị được giao đấu giá xe vi phạm cho biết, dù đã làm hồ sơ để thanh lý những chiếc xe vô chủ, nhưng vì nhiều lý do như thủ tục pháp lý, tình trạng phương tiện mà đã nhiều năm nay chưa thể tiến hành đấu giá.

Luật sư Nguyễn Hoàng nhận định, thực trạng này đang gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý, thu giữ phương tiện vi phạm giao thông. Đặc biệt hơn, có thể thấy những hành vi bỏ phương tiện khi vi phạm theo kiểu này, xuất phát từ sự coi thường pháp luật của một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Vì vậy, cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa, tránh thực trạng người vi phạm bỏ lại phương tiện, không chấp hành quyết định xử phạt của lực lượng chức năng.

Có những phương tiện trải qua nhiều năm nắng mưa, bụi bám từng lớp dày, các phụ tùng bị hoen gỉ không còn khả năng phục hồi.

Có ý kiến cho rằng, thay vì tạm giữ phương tiện, lực lượng chức năng cần xem xét để nâng cao mức xử phạt hành chính, phạt tiền trực tiếp với người vi phạm. Bởi lẽ, Cảnh sát giao thông bắt buộc lập biên bản tạm giữ phương tiện, thế nhưng người vi phạm có quyền đến nộp phạt để nhận lại phương tiện hoặc không. Sẽ chẳng ai muốn bỏ ra số tiền nộp phạt lớn hơn giá trị thực của phương tiện, thêm vào đó là hàng loạt thủ tục để đưa được xe của mình ra khỏi kho bãi.

Để giảm tải tại các điểm tạm giữ xe vi phạm, cũng như tránh lãng phí nguồn lực, chi phí cho việc giữ các phương tiện, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan việc xử lý vấn đề này triệt để.

Cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp tạm giữ phương tiện đối với những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng hoặc khi có căn cứ xác định phương tiện vi phạm không có nguồn gốc rõ ràng, bất hợp pháp.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hon-3-nam-khong-thanh-ly-noi-nhung-chiec-xe-vo-chu-166466.html