Hỗn loạn Libya đe dọa vẽ lại bản đồ Đại Trung Đông

Một đường đỏ tại Libya có thể khiến một cuộc chiến khu vực thảm khốc xảy ra...

Đoàn xe quân sự khổng lồ của Ai Cập sẵn sang kéo đến biên giới Libya

Nếu như tại Syria trước và trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2014 thế giới Ả rập ngoại trừ Iran đã đoàn kết, thống nhất, tập trung, để xâu xé Syria với khẩu hiệu “Assad must go” thì tại điểm nóng Lybia, cũng những thành phần đó đã hỗn loạn chĩa súng vào nhau…

Tại sao lại Lybia mà không phải là Syria? Đơn giản là vào năm 2015, Nga đã xuất hiện phá sạch, đập tan toàn bộ âm mưu, ý đồ của họ tại Syria, Nga đã chứng tỏ rằng, Nga là người chơi chính tại Trung Đông còn vững chắc mạnh mẽ, quyết liệt hơn cả Mỹ đã từng…khiến cho “đám công tử nhà giàu” khiếp sợ, không dám đối đầu với Nga và tất nhiên buộc phải “nhả miếng bánh Syria”.

Trong khi đó tại Libya sau khi NATO, đứng đầu là Pháp, Ý, Anh đã phá nát thì Libya như là một “miếng bánh vô chủ” tạo nên một chiến trường hỗn loạn, mạnh ai nấy chơi mà hầu như không có người chơi chính. Mỹ không, Nga cũng không, Nga khôn ngoan chơi nước đôi, còn Pháp và Ý thì không lộ mặt. Tất cả các “ông lớn” đều thực hiện sách lược chiến tranh lợi ích của mình bằng lính đánh thuê…

Điều kỳ lạ ở Libya là lực lượng “lính đánh thuê” không chỉ là những con người như quan niệm được hiểu lâu nay mà có cả xe tăng, máy bay… “đánh thuê”. Bởi lẽ, các quốc gia có tiền như Saudi, UAE…họ thuê cả phi công, lính lái của bất kỳ quốc gia nào kể cả là Nga, Mỹ hay Anh…sử dụng các phương tiện trang bị họ có…

Chẳng hạn, nếu như trên chiến trường Libya nếu có máy bay MiG-29 hoặc Su-24 hay hệ thống phòng không Pantsir-S1…nói chung, những thứ nào mà Nga bán trên thị trường, tham gia tấn công hoặc bị phá hủy thì đừng ngạc nhiên và vội cho rằng quân đội Nga đang tham chiến trên chiến trường Libya…Đó chỉ là lực lượng đánh thuê.

Bắt đầu từ Libya…

Có thể nói, cuộc chiến Syria đã gần như đóng băng tình hình Libya và chỉ sau khi Syria chỉ còn lại Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thì Libya bắt đầu nổi sóng…

Kể từ tháng 4 năm 2019, tướng Haftar đã cố gắng chiếm Tripoli để xóa sổ GNA, tuy nhiên, thời gian kéo dài đã cho các “nhà tài trợ” nhận rõ khả năng, thực lực của LNA và đặc biệt rất khó ổn định chính trị cho Libya nếu như một bên nào đó, GNA hay LNA thắng lợi khi mà các “nhà tài trợ” 3 bên 4 bề đan xen lợi ích…

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, chính vì không thể để “Faiz Saraj must go” như Nga không thể để “Assad must go”, nên Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cho Faiz Saraj không chỉ về đạo đức mà cả quân sự trực tiếp. Có thể nói, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya hoàn toàn là một kịch bản như Nga tại Syria…

Mặc dù LNA của tướng Haftar được sự hỗ trợ rất đông như Pháp, Ai Cập, UAE, Saudi …nhưng gián tiếp, thiếu quyết tâm và không dám gửi quân vì sợ đụng đầu trực tiếp với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và sợ mắc lầy. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, quyết đoán, trực tiếp và không sợ bị sa lầy…

Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, Thổ Nhĩ Kỳ không bắt buộc phải chiến thắng toàn bộ cuộc chiến, thống nhất Lybia vì không đủ lực khi xâm hại đến “làn ranh đỏ” lợi ích của các bên hùng mạnh, mà Erdogan chỉ cần bảo đảm chính quyền GNA an toàn, vững chắc là đủ, nghĩa là thỏa thuận “Khiên Địa Trung Hải” luôn có giá trị pháp lý.

Cú lội ngược dòng của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đã thành công ngoạn mục, LNA đã bị đẩy về phía Đông và nguy cơ thành phố cảng Sirte và căn cứ không quân Al- Jufra rơi vào tay GNA và đó có thể là dấu chấm hết cho LNA của Nguyên soái Khalifa Haftar…

Đến đây, sự hỗn loạn Bắc Phi từ Libya bắt đầu được kích hoạt…

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia đe dọa chiến tranh?

Trước tình hình Sirte và Al-Jufra rơi vào tay GNA và Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và liên minh như Pháp, UAE, Saudi, Nga ủng hộ LNA đề xuất ngừng bắn…nhưng GNA và Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện chỉ chấp nhận khi chỉ khi Thành phố Sirte và Al-Jufra thuộc quyền kiểm soát của họ.

Ngay lập tức, Ai Cập tuyên bố Sirte và Al-Jufra là “đường đỏ” về an ninh quốc gia Ai Cập. Nếu LNA xâm phạm, Ai Cập sẽ tấn công trực tiếp để bảo vệ LNA và an ninh quốc gia của mình. Ai Cập đã điều động hàng trăm xe tăng, binh lính tập trung tại biên giới phía Tây sẵn sàng chiến tranh...

Thực tế, được sự ủng hộ của Pháp, giúp đỡ của UAE, Saudi, với lực lượng hiện có, với lợi thế địa lý…nhưng quân đội Ai Cập phải đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 14 ngàn lính đánh thuê của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria được triển khai với GNA.

Không chỉ vậy, Ai Cập cũng rơi vào tình thế rất khó khăn khi đang nguy cơ xuất hiện rõ ràng, cấp bách, một cuộc chiến phía Nam vì nguồn nước với Ethiopia. Đó là tháng tới, Ethiopia sẽ bắt đầu lấp đầy con đập mới tuyệt vời của mình trên sông Blue Nil làm thủy điện…

Cuộc xung đột vì đập nước này đã kéo dài nhiều năm khi Ai Cập cho rằng con đập sẽ làm giảm đáng kể nguồn cung cấp nước nếu được lấp quá nhanh. Ai Cập dự kiến sẽ mất ít nhất 22% lưu lượng nước và lo ngại rằng có tới 30% đất nông nghiệp có thể biến thành sa mạc.

Cả Ai Cập và Ethiopia đều bóng gió về khả năng thực hiện các bước quân sự để bảo vệ lợi ích của họ và, sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán có thể dẫn đến xung đột khi…nếu bạn là Ai Cập, bạn sẽ làm gì khi bỗng nhiên 30% đất nông nghiệp bị biến thành sa mạc?

Nước Pháp đang lộ diện? Mỹ chọn phe...

Nên nhớ: Cộng hòa Pháp một thời là Đế quốc thực dân đã từng có Châu Phi là thuộc địa đấy. Bây giờ châu Phi vẫn không thể hoàn toàn tách rời lợi ích quốc gia Pháp. Không tin? Hãy nghe các tuyên bố của các đời Tổng thống Pháp:

“Không có châu Phi, Pháp sẽ không có lịch sử trong thế kỷ 21” - François Mitterrand, 1957

“Không có châu Phi, Pháp sẽ rơi vào hàng ngũ quyền lực của thế giới thứ ba” - Jacques Chirac, 2008

Bảy mươi năm sau ngày độc lập của châu Phi, 15 quốc gia Tây Phi đã đồng ý giới thiệu một loại tiền tệ chung vào năm 2020, thay thế một nửa số CFA Franc. ECO, loại tiền mới sẽ thay thế tám loại tiền hiện tại trong khu vực. Đại tá Muammar Gaddafi, lãnh đạo Cách mạng Libya, người ủng hộ một loại tiền tệ duy nhất cho châu Phi là “chủ mưu”…

Lập tức, Pháp chủ trì, đã giết chết Gaddafi, biến Libya như hôm nay. Nói ra điều này để chứng tỏ lợi ích quốc gia Pháp tại châu Phi đừng có ai coi thường, bỏ qua. Châu Phi quan trọng như thế nào trong chiến lược toàn cầu và lợi ích Pháp để khiến Pháp sẵn sàng làm mọi thứ...Pháp vẫn đang là cường quốc, đế quốc có VKHN. Thế thôi.

Có khả năng và chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập sẽ thảo thuận tạo ra một vùng đệm vùng ảnh hưởng tại Libya. Tuy nhiên, các vùng đệm tách biệt như vậy sẽ đe dọa đến lợi ích và an ninh của Pháp và, Pháp không muốn, đã lên tiếng…

Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, Thierry Burkhard, nói rằng Cộng hòa Pháp nên chuẩn bị chiến tranh với một kẻ thù đối xứng. Và, ông đã trích dẫn tình hình ở Bắc Phi là một ví dụ:

“Thay vì đàn áp các cuộc nổi dậy, đối đầu “đối xứng nhà nước” là một hình thái mới. Sự tách biệt các vùng ảnh hưởng ở Libya giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cho thấy các cuộc đụng độ như vậy có thể bắt đầu sớm hơn so với kế hoạch và không xa Pháp”.

Tức là các vùng ảnh hưởng tạo ra của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập…nó sẽ mang tính nhà nước…đối đầu trực tiếp với Pháp khiến cho Pháp không dễ dàng đàn áp như trước.

Rõ ràng đã xuất hiện tại Bắc Phi một cục diện địa chính trị mới ảnh hưởng tiêu cực đến sự bá quyền của nước Pháp khiến Pháp không thể ngồi nhìn. Đó là lý do sự đụng độ quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp xung quanh Libya. Pháp có thể can thiệp vào Libya mạnh hơn nếu như lợi ích của Pháp không được tính đúng.

Như vậy, tại Libya, xung quanh LNA và GNA đã hình thành 2 lực lượng hỗ trợ đối đầu: Bên LNA có Pháp, Ai Cập, UAE, Saudi; bên GNA có Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Qatar và Mỹ chính thức gia nhập khi cử phái viên quân sự cấp cao đến làm việc với Tripoli.

Điều đặc biệt là Algeria – một quốc gia có sức mạnh quân sự đáng gờm mặc dù ít nhắc đến nó đứng bên nào, nhưng thực tế, tuyên bố của họ rằng, “Sự sụp đổ của Tripoli sẽ là lằn ranh đỏ, bởi vì nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Libya” đã chúng tỏ Algeria đứng về GNA.

Rốt cuộc, GNA và Thổ Nhĩ Kỳ có dám vượt qua đường đỏ mà Ai Cập đã vạch ra để chiếm hoàn toàn ảnh hưởng Libya? Khó đấy, nhưng nếu…thì khả năng vẽ lại hoàn toàn bản đồ Đại Trung Đông và gây ra hậu quả tàn khốc cho toàn bộ khu vực là chắc chắn…

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hon-loan-libya-de-doa-ve-lai-ban-do-dai-trung-dong-3409470/