Hướng đi hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo

ĐBP - Là một trong những huyện nghèo của cả nước, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó huyện Ðiện Biên Ðông xác định nhiệm vụ quan trọng là giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Phát triển chăn nuôi đại gia súc được coi là một trong những hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đã được huyện tập trung đẩy mạnh những năm qua. Thực tế chứng minh, từ chăn nuôi đại gia súc đã giúp nhiều người dân trên địa bàn cải thiện nguồn thu nhập, từng bước vươn lên.

Cán bộ thú ý xã Xa Dung tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò của hộ chăn nuôi.

Bài 1:Nền tảng từ Nghị quyết số 07

Với diện tích tự nhiên rộng, có một số đồng cỏ thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, khí hậu tương đối thích hợp, nguồn phụ phẩm nông sản phong phú có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc... Ðiện Biên Ðông được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi. Song do nhiều nguyên nhân, nhất là từ tư tưởng bảo thủ, trì trệ, thiếu quyết tâm làm kinh tế của một bộ phận nhân dân; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức và có giải pháp hữu hiệu trong việc phát triển chăn nuôi; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; người dân thiếu ý thức trong việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi… Ðiều này đã khiến việc chăn nuôi gia súc trên địa bàn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền huyện Ðiện Biên Ðông luôn trăn trở phải làm sao tìm được hướng đi phù hợp giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ông Bùi Ngọc La, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông chia sẻ: Sau nhiều lần họp bầu nghị sự BTV nhận thấy việc phát triển chăn nuôi trâu, bò theo quy mô gia đình là sát thực nhất với địa phương. Bởi không chỉ phát phát huy được thế mạnh của huyện mà còn tận dụng được nguồn nhân lực, kinh nghiệm chăn nuôi của người dân. Ðặc biệt, chăn nuôi trâu, bò không ảnh hưởng đến nguồn lương thực của con người mà còn tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản để phục vụ chăn nuôi. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường tương đối lớn, giá trị kinh tế lại cao. Bán 1 con trâu hoặc bò ít cũng được trên 10 triệu đồng, thậm chí 30 - 50 triệu đồng với con to. Ðây là nguồn thu nhập đáng kể với người nông dân.

Từ thực tế trên, sau khi đề xuất, tham mưu và tích cực xem xét, thảo luận, ngày 10/2/2017, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ðiện Biên Ðông khóa V đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07 về phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê (trong đó tập trung hơn vào nuôi bò do chịu hạn tốt) trên địa bàn huyện, giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu được huyện xác định là tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng gắn sản xuất với thị trường; ngăn ngừa và kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như môi trường chăn nuôi, vệ sinh thú y; từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi tập trung theo quy hoạch. Phấn đấu nâng tổng đàn gia súc đến năm 2020 lên thành hơn 57.400 con, mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi lên hơn 280ha. Ðể nghị quyết được triển khai hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức phổ biến, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng nghị quyết đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ðồng thời, quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết, tổ công tác hướng dẫn các xã thực hiện, ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra, các giải pháp chủ yếu được huyện xác định là: Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng trồng cỏ và tạo điều kiện khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò bằng việc giúp người dân vay vốn ngân hàng để mua giống, xây chuồng trại, trồng cỏ, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Cùng với đó, huyện chú trọng tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho cơ sở; tiến hành tập huấn các kỹ thuật mới cho cán bộ chăn nuôi, thú y; bồi dưỡng những nông dân điển hình tiên tiến trong việc lai tạo và phát triển đàn trâu, bò để làm hạt nhân nhân rộng sản xuất.

Một giải pháp quan trọng khác cũng được huyện Ðiện Biên Ðông quan tâm thực hiện là thu hút, huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ sự hỗ trợ của tỉnh, các chương trình, dự án trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ; thông qua các đoàn thể, tổ chức, hợp tác xã để liên kết hoạt động giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng với người sản xuất để giúp người dân vay vốn mở rộng chăn nuôi. Ðồng thời động viên, khuyến khích hộ chăn nuôi mạnh dạn bỏ vốn đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học vào chế biến thức ăn gia súc từ nguồn sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương. Việc này vừa đảm bảo chủ động nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển chăn nuôi để cải thiện thu nhập; các phòng, ban chức năng huyện phối hợp cung cấp thông tin chính xác về thị trường, giá cả nông sản, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn hộ chăn nuôi tiếp cận nhiều nguồn thông tin, chủ động khi lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, tạo động lực cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện.

Bài 2:Kết quả đáng mừng

Bài, ảnh: Ðức Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186679/huong-di-hieu-qua-trong-xoa-doi-giam-ngheo