Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp

Do nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, nên việc chuyển đổi số (CĐS) mới chỉ thực hiện được ở mức cơ bản. UBND tỉnh xác định, CĐS là yêu cầu tất yếu trong thời kỳ mới, nên cần khởi động để sớm thực hiện có hiệu quả.

Thời gian gần đây, khái niệm CĐS được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. CĐS là sự tích hợp các công nghệ, kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực; tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình sản xuất, kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng.

Trang trại Gia Trung ứng dụng công nghệ tưới nước, bón phân tiết kiệm tự động

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, CĐS là ứng dụng máy móc, công nghệ vào các khâu sản xuất như làm đất, gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. CĐS sẽ giúp nông dân thu được hiệu quả sản xuất cao hơn, ổn định hơn.

Qua CĐS, nông dân ứng dụng công nghệ để phân tích, đánh giá chất đất, thời tiết, khí hậu... để sản xuất cây, con cho phù hợp. Quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, CĐS sẽ giúp nông dân biết được cần điều chỉnh, bổ sung gì.

Ở giai đoạn bán sản phẩm, nhờ CĐS, nông dân có thể dễ dàng nắm bắt được giá cả, nhu cầu thị trường. Từ đó, bà con có thể thu hoạch vào thời điểm nào để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, tránh bị ép hàng, sản phẩm không tiêu thụ được.

CĐS còn giúp vận hành hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử bài bản hơn, loại bỏ bớt khâu trung gian, giúp nhà nông được bình đẳng hơn về giá bán trên thị trường.

Nhờ ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, sản xuất sầu riêng tại trang trại Gia Trung đạt hiệu quả kinh tế cao

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ngành Nông nghiệp Đắk Nông bước đầu đã có những chuyển biến đáng kể trong CĐS. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đã ứng dụng công nghệ như: Máy bay để phát hiện bệnh, phun, xịt thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng camera theo dõi vườn cây, chuồng trại; tưới nhỏ giọt, tiết kiệm...

Điển hình như trường hợp của trang trại chăn nuôi heo của Hợp tác xã Đồng Tiến (Đắk R’lấp). Từ nhiều năm nay, hợp tác xã này đã ứng dụng các công nghệ tự động trong theo dõi chuồng trại.

Hiện đơn vị còn sử dụng công nghệ số trong việc khẳng định chất lượng con giống, truy xuất nguồn gốc; sử dụng website để giới thiệu, quảng cáo về trang trại.

Ứng dụng CĐS đã giúp việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị trở nên bài bản, khoa học hơn, dễ dàng hoạch toán chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa) đang ứng dụng công nghệ số trong vận hành hệ thống tưới nước, bón phân tiên tiến. Theo đó, tùy vào nhu cầu, chủ vườn chỉ cần sử dụng ứng dụng được cài đặt trên điện thoại để tùy chỉnh về dung lượng, thời gian vận hành tưới nước, bón phân cho vườn cây...

Mã QR đã được nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng

UBND tỉnh đánh giá, CĐS trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt được những kết quả ở mức cơ bản và còn nhiều việc phải làm. Số lượng chủ thể, diện tích vườn, rẫy, nhà máy, cơ sở có CĐS còn ít, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, chậm được nhân rộng.

Chính vì thế, nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, thị trường, sản xuất thiếu ổn định, thu nhập từ nghề nông chưa cao.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, điều hành nhằm tận dụng tốt các chính sách, chương trình, dự án nhằm giúp nông dân từng bước CĐS. Việc CĐS sẽ được triển khai ở tất cả các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Bài, ảnh: Hồng Thoan

1,041

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/huong-toi-muc-tieu-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-87363.html