Huyện Duyên Hải: Hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp trong chuyển đổi sản xuất

Trên các diện tích sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt, nuôi thủy sản… huyện Duyên Hải đã tập trung triển khai nhiều nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp cho nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, như xây dựng nhà lưới để trồng màu; nuôi dê, bò sinh sản… qua đó, đã tạo điều kiện cho nông dân tận dụng được các lợi thế của địa phương trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nâng cao thu nhập; giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Anh Huỳnh Văn Điều (bên trái) giới thiệu về hiệu quả của mô hình trồng màu trong nhà lưới.

Đồng chí Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duyên Hải cho biết: thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân kết hợp với vốn của ngành nông nghiệp (Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025), huyện đã tập trung đầu tư cho nông dân ở các xã Ngũ Lạc, Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải, Đôn Xuân… để xây dựng nhà lưới trồng màu, nuôi dê, bò sinh sản. Đến cuối tháng 3/2024, Hội đã đầu tư được 20 mô hình nhà lưới kết hợp tưới tiết kiệm nước (100 triệu đồng/mô hình); các mô hình cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/1.000m2/năm.

Anh Huỳnh Văn Điều, ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải cho biết: gia đình đầu tư 170 triệu đồng để xây dựng nhà lưới kết hợp với tưới tiết kiệm nước trên diện tích 1.700m2 đất giồng cát; trong đó, vốn Nhà nước (theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh) đầu tư 100 triệu đồng. Từ khi thực hiện mô hình nhà lưới, mỗi năm gia đình sản xuất 03 vụ màu (01 vụ ớt, 01 vụ hành lá và 01 vụ củ cải trắng); gia đình lợi nhuận hơn 150 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 03, ngành nông nghiệp huyện Duyên Hải đã triển khai 42 mô hình trên các lĩnh vực, với tổng kinh phí trên 5,6 tỷ đồng. Trong này, thực hiện 02 mô hình trồng trọt VietGAP (trên 700 triệu đồng), 04 mô hình chăn nuôi (gần 400 triệu đồng), 15 mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP (tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng) và 21 mô hình trồng màu trong nhà lưới (tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng).

Đồng chí Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết: từ các nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho nông dân mở rộng chuyển đổi cơ cấu sản xuất; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và nâng cao thu nhập; hạn chế thấp nhất rủi ro trong canh tác và chủ động mùa vụ, tiết kiệm các chi phí trong sản xuất…

Trong quý I/2024, huyện Duyên Hải đã chuyển đổi hơn 35ha đất lúa sang luân canh 02 vụ lúa, 01 vụ màu và trồng cỏ; chuyển đổi 20,39ha nuôi thủy sản quảng canh và thâm canh sang thâm canh mật độ cao. Nâng tổng số toàn huyện có 774 hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao/1.696 ao/225,5ha.

Cũng theo nông dân Huỳnh Văn Điều, việc ứng dụng mô hình nhà lưới kết hợp tưới tiết kiệm nước; giúp nông dân tiết kiệm khoảng 40% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (quản lý được sâu bệnh); tiết kiệm từ 25 - 30% nguồn nước tưới và điện năng tiêu thụ so với trồng màu ngoài trời, không sử dụng nhà lưới. Từ hiệu quả của mô hình nhà lưới, thời gian tới, mong muốn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn thêm cho gia đình để mở rộng thêm 1.000m2 nhà lưới để trồng màu.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/huyen-duyen-hai-hieu-qua-nguon-von-ho-tro-nong-nghiep-trong-chuyen-doi-san-xuat-36842.html