Iran đã sử dụng những loại vũ khí nào để tập kích đường không quy mô lớn nhằm vào Israel?

Đêm 13, rạng sáng 14-4, Iran tiến hành cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có nhằm vào lãnh thổ Israel. Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, hành động tấn công của Iran vượt xa mọi dự đoán với hơn 300 tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) được sử dụng.

Vậy những loại vũ khí Iran sử dụng trong đợt tập kích đường không nhằm vào Israel là gì và tại sao chúng nguy hiểm?

185 UAV tự sát đã được sử dụng

UAV tự sát là những phương tiện đầu tiên được Iran phóng lên không trung nhằm tới lãnh thổ Israel. Chúng xuất phát từ Kermanshah và một số tỉnh phía Tây Iran. Các nguồn tin quân sự tại Trung Đông cho biết, tổng cộng 185 UAV tự sát do Iran chế tạo đã được sử dụng. Dựa trên đoạn phim do các nhân chứng ở Iran, Iraq và Yemen ghi lại, loại UAV Shahed-136 và Shahed-238 đã được sử dụng trong cuộc tấn công.

Iran đã sử dụng tổng cộng 300 UAV tự sát và tên lửa trong đợt tấn công nhằm vào Israel. Ảnh: AP

UAV Shahed-136 lần đầu tiên được giới thiệu năm 2020; được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định tại tọa độ nhất định. Theo nhiều nguồn khác nhau, phạm vi hoạt động của nó là khoảng 1-2.000km. Shahed-136 có sải cánh hơn 2m và dài khoảng 3m, mang đầu đạn nặng 50kg. UAV sử dụng động cơ hai thì có công suất 50 mã lực, giúp nó có tốc độ bay khoảng 150-170km/giờ ở độ cao từ 60 đến 4.000m. Tốc độ thấp và kích thước của thiết bị khiến nó trở thành mục tiêu khó khăn cho các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, động cơ ồn ào và tốc độ thấp làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của Shahed-136 trước vũ khí phòng không tầm thấp.

Một số yếu điểm của Shahed-136 đã được sửa đổi và cải thiện ở phiên bản Shahed-238 với động cơ phản lực biến UAV tự sát này thành tên lửa hành trình cỡ nhỏ. Động cơ Ranseh-1 giúp UAV bay nhanh hơn và ít bị tổn thương hơn trước hỏa lực phòng không. Tuy nhiên, tầm hoạt động của Shahed-238 bị giới hạn hơn so với Shahed-136 và nguồn nhiệt đặc trưng của động cơ phản lực khiến chúng dễ bị phát hiện và ngăn chặn bởi các tên lửa quang-ảnh nhiệt.

UAV tự sát Shahed-136. Ảnh: Topwar

UAV tự sát Shahed-238. Ảnh: Topwar

Rất khó để đánh giá hiệu quả của UAV tự sát của Iran do thiếu dữ liệu khách quan. Tuy nhiên, theo kênh truyền hình N12 của Israel, tất cả UAV tự sát của Iran đều bị bắn hạ bên ngoài lãnh thổ Israel.

Iran không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc tấn công, nhưng khẳng định đã đạt các mục tiêu đề ra. Theo chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Hossein Salami, chiến dịch nhằm vào Israel đã thành công lớn hơn mong đợi.

Gần 150 tên lửa, trong đó có tên lửa siêu thanh được phóng tới Israel

Cùng với UAV tự sát, Iran đã sử dụng nhiều chủng loại tên lửa khác nhau trong cuộc tấn công. Hãng tin ABC News đăng tải, Tehran đã triển khai khoảng 150 tên lửa, còn The New York Times cho rằng, Iran đã sử dụng 146 tên lửa, trong đó có 36 tên lửa hành trình và 110 tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Ghadr mang đầu đạn chùm Khaybar Shekan và Dezful đã được ghi nhận. Sau cuộc tấn công, các bức ảnh chụp các bộ phận của tên lửa đạn đạo Emad và cảnh quay đánh chặn tên lửa hành trình Paveh đã chứng minh việc Iran sử dụng nhiều loại tên lửa trong vụ tấn công.

Tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung Ghadr và Emad là khoảng 1,5-2.000km với đầu đạn mang theo nặng 700-900kg. Chúng là một trong những loại vũ khí tiến công tầm xa mạnh mẽ của Iran.

Tên lửa đạn đạo Emad. Ảnh: Press TV

Điểm đáng chú ý là việc Iran lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo Dezful được giới thiệu vào năm 2019 với sai số lệch mục tiêu chỉ khoảng 5m và tầm bắn hơn 1.000km. Tên lửa mang đầu đạn nặng 600-700kg. Một tên lửa khác được lực lượng IRGC sử dụng là Khaybar Shekan sử dụng nhiên liệu rắn với tầm bắn được công bố là 1.450km. Hầu hết các bệ phóng tên lửa của Iran đều được ngụy trang giống như những xe công trình kéo để triển khai tới các vị trí tấn công.

Ngoài tên lửa đạn đạo, Iran còn sử dụng tên lửa hành trình Paveh, được giới thiệu vào đầu năm 2023. Loại vũ khí tấn công có tầm bắn 1.650km này khá đặc biệt khi chúng có thể liên kết với nhau để phân chia mục tiêu tấn công và tối ưu hóa khả năng sát thương.

Ngoài ra, các nguồn tin tại Iran cho biết, tên lửa siêu thanh cũng được sử dụng trong cuộc tấn công, nhưng không nêu rõ loại tên lửa đã được phóng đi. Đánh giá về hiệu quả đòn tấn công đường không nhằm vào Israel, kênh truyền hình quốc gia Iran Press TV thông báo, toàn bộ tên lửa siêu thanh hiện địa của Tehran đã vượt qua hệ thống phòng không Israel và bắn trúng mục tiêu. Ít nhất 7 tên lửa siêu thanh đã đánh trúng căn cứ không quân Nevatim của Israel.

Tên lửa hành trình Abu Mahdi. Ảnh: Press TV

Còn theo ABC News, ít nhất 9 tên lửa của Iran đã đánh trúng 2 căn cứ không quân của Israel. Tại căn cứ Nevatim, đường băng, nhà chứa máy bay và một máy bay vận tải C-130 bị hư hỏng. Hãng tin Fox News đăng tải, khoảng 50% tên lửa đạn đạo của Iran đã không đánh trúng mục tiêu. Chúng có thể bị đánh chặn hoặc chệch hướng.

Chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin nhận xét, việc tổ chức thành thạo một cuộc tấn công binh chủng hợp thành quy mô lớn đã khiến hệ thống phòng không Israel bị quá tải và để lọt nhiều mục tiêu. Theo đó, vũ khí “át chủ bài” của Iran trong đợt tấn công là tên lửa siêu thanh Fattah, đạt tốc độ Mach 15 (nhanh gấp 15 lần tốc độ âm thanh).

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/iran-da-su-dung-nhung-loai-vu-khi-nao-de-tap-kich-duong-khong-quy-mo-lon-nham-vao-israel-773296