Ukraine 'thách thức' Mỹ khi vẫn tấn công nhà máy lọc dầu Nga?

Ukraine tiếp tục nhắm vào các cơ sở năng lượng của Nga bất chấp sự phản đối của Mỹ. Các cuộc tấn công là một nỗ lực nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga, làm căng thẳng nguồn ngoại tệ chính của Moskva.

Ukraine đã tăng cường tấn công các nhà máy lọc dầu Nga thời gian gần đây. Ảnh: TASS

Theo Business Insider ngày 29/4, chỉ vài ngày sau khi Mỹ bỏ phiếu phê duyệt khoản viện trợ 61 tỷ USD được chờ đợi từ lâu, Ukraine đã làm một việc mà Nhà Trắng được cho là đã kêu gọi nước này không nên: tấn công một cơ sở dầu mỏ khác trong lãnh thổ Nga.

Ukraine nói rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày 24/4 đã gây thiệt hại hàng nghìn khối nhiên liệu của Nga. Tiếp theo đó là vào 26/4 khi 10 máy bay không người lái tấn công một nhà máy lọc dầu ở Krasnodar, khiến nhà máy này phải đóng cửa, tờ The Telegraph (Anh) đưa tin.

Đây chỉ là những vụ mới nhất trong chuỗi các cuộc tấn công dữ dội vào các cơ sở năng lượng của Nga do Ukraine phát động kể từ đầu năm nay.

Lý do Ukraine tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga là để gây thêm tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như sự chậm trễ trong viện trợ của phương Tây khi nước này phải vật lộn để giữ vững phòng tuyến.

Trong khi Mỹ càng lưỡng lự về viện trợ thì Ukraine lại có lý lẽ mạnh mẽ để tiếp tục cuộc chiến theo ý muốn của mình. Nhưng giờ đây dự luật viện trợ đã được thông qua, Ukraine có lẽ muốn “có thêm một chút đòn bẩy chính trị với Mỹ”, Rafael Loss, một thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nói.

Các thông tin cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách ngăn Ukraine tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga. Tờ Washington Post đưa tin những lo ngại từ Mỹ bao gồm tác động đến giá dầu toàn cầu và nguy cơ Nga leo thang xung đột.

Cuộc tranh luận về các cuộc tấn công cũng đã vạch trần những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Ukraine và đồng minh mạnh nhất của nước này.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King London, cho biết: "Việc tiếp tục điều đó là một động thái mạo hiểm".

Thách thức đồng minh hàng đầu?

Ukraine có nguy cơ bị đồng minh mạnh nhất của mình "xa lánh" khi đi ngược lại lập trường của Washington chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự khổng lồ.

Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích chỉ ra, chỉ riêng gói viện trợ mới từ Mỹ sẽ không thể giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến. Ann Marie Dailey, chiến lược gia địa chính trị tại RAND Corporation, nêu quan điểm Ukraine "cần những cách làm suy yếu Nga, bao gồm cả việc tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này".
Và Nga đã đáp trả. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm 27/4, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công lớn vào các cơ sở năng lượng của Ukraine.

Theo tờ Washington Post, Nga trước đây đã nói rằng các cuộc không kích như vậy là phản ứng trực tiếp đối với các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cơ sở năng lượng của Moskva, một lập trường dường như xác thực những lo ngại của Mỹ.

Mặc dù vậy, Ukraine vẫn có lý để chứng minh về "quyền tự quyết" của mình trong cuộc chiến, Olga Tokariuk, một thành viên tại Viện Chatham House ở London, nhận định.

Bà Tokariuk lưu ý, bằng cách "phớt lờ Nhà Trắng về các vấn đề quan trọng của chiến lược quân sự, Tổng thống Zelensky có thể chứng minh rằng Ukraine có thể tự đưa ra quyết định”.

Và, như một số nhà phân tích đã lưu ý, tình hình chính trị ở Mỹ - với việc cựu Tổng thống Donald Trump đang cạnh tranh để trở lại Nhà Trắng - có thể đồng nghĩa với việc đây là gói viện trợ cuối cùng Ukraine nhận được từ Mỹ.

Quan chức Lầu Năm Góc Celeste Wallander nói với một hội đồng thuộc Hạ viện Mỹ hồi đầu tháng này rằng một phần nguyên nhân khiến Mỹ khó chịu là do cơ sở hạ tầng năng lượng là mục tiêu dân sự chứ không phải mục tiêu quân sự, như tờ Washington Post đưa tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trước đó đã nói rằng Mỹ muốn "Ukraine tấn công các sân bay của Nga" hơn.

Nhưng cũng có câu hỏi về mức độ hiệu quả của các cuộc tấn công các cơ sở lọc dầu về mặt quân sự. Chuyên gia Dailey, chiến lược gia của RAND cho biết: “Việc loại bỏ một nhà máy lọc dầu cụ thể sẽ không làm suy yếu ngay nỗ lực của Nga. Nhưng việc liên tục gây áp lực lên ngành dầu mỏ của Nga sẽ có tác động đáng kể đến khả năng của Nga trong cuộc chiến này".

Theo bà Dailey, về lâu dài, sản lượng dầu thấp hơn sẽ làm giảm thu nhập từ xuất khẩu của Nga - loại ngoại tệ quan trọng mà nước này sử dụng để mua nguyên liệu cần thiết trong thời chiến.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ukraine-thach-thuc-my-khi-van-tan-cong-nha-may-loc-dau-nga-20240430183816921.htm