K'buốt - nhạc khí độc đáo của người S'tiêng

K'buốt là nhạc khí thổi hơi có cấu tạo và kỹ thuật chế tác khá phức tạp của người S'tiêng (thường là người S'tiêng vùng cao) khu vực các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp… K'buốt ở một số nơi có cách gọi khác nhau như kèn K'buốt, kèn bầu K'buốt hay M'buốt.

K’buốt của người S’tiêng thuộc nhóm nhạc khí hơi rung vang, chi thổi, nhánh có dăm (lưỡi gà) và có nhiều ống phát âm cùng lúc. K’buốt được sử dụng trong dịp lễ hội, nhảy múa, đâm trâu và vào mùa xuân…

Ông Điểu Chơn (80 tuổi) ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập là một trong số ít người biết chế tác và sử dụng thành thạo K’buốt trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay. Ông Điểu Chơn cho biết, nhạc khí này thường được đồng bào S’tiêng thổi sau khi các nghi lễ cúng kết thúc, tiếng chiêng báo hiệu nhạc đón khách… Khi mọi người đã vui, say và tiếng chiêng có thể ngớt thì tiếng K’buốt vẫn nhẹ nhàng thủ thỉ tâm tình.

Ông Điểu Chơn ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thổi nhạc khí K’buốt

Ông Điểu Chơn ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thổi nhạc khí K’buốt

K’buốt còn có thể “đi” cùng những chàng trai khi lên rẫy, là tiếng lòng của những người yêu nhau, hò hẹn, cùng vui chơi, nhảy múa trong đám cưới… Người S’tiêng rất yêu quý và tự hào với K’buốt nhưng cách chế tác và thổi rất phức tạp nên hiện ít người còn biết sử dụng.

K’buốt cấu tạo khá phức tạp, gồm nhiều bộ phận; hộp cộng hưởng là quả bầu nậm tròn với phần thân trên gọn nhỏ như một cái vòi làm ống thổi. Tùy theo vùng, ý muốn của người chế tác, thân quả bầu có kích thước to, nhỏ khác nhau: loại bầu lớn có âm thanh trầm, loại vừa thì âm thanh trung và loại nhỏ có âm thanh cao. Tùy tính chất và cuộc vui, dịp sử dụng mà nghệ nhân sẽ chọn lựa loại nào để diễn tấu.

Trước khi chế tác, người làm phải đi vào rừng già chọn cây lồ ô vừa phải, không quá già, thân thẳng có các lóng dài. Cắt lấy 6 ống từ gốc lên ngọn theo các lóng dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Các ống đều được thông trống (như ống sáo của người Việt).

Ông Điểu Chơn ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập giới thiệu K’buốt - nhạc khí độc đáo của người S’tiêng

6 ống thoát âm của K’buốt được lấy từ trên cùng 1 cây lồ ô và phơi khô. Ống dài cho âm thanh trầm, ống ngắn âm thanh cao hoặc có thể chọn ống ngắn nhưng đường kính lớn để cho âm thanh trầm. Đặc biệt, mỗi ống của K’buốt có cao độ tương đương 1 cái chiêng trong dàn chiêng 6 chiếc của đồng bào S’tiêng. 6 ống thoát âm của K’buốt sẽ được chuẩn bị trước để tạo âm thanh đúng với âm thanh của 6 chiếc trong dàn chiêng.

Sau khi đã chuẩn bị quả bầu khô, 6 ống nứa được người làm đo trên thân quả bầu để khoét các lỗ có đường kính tương đương các ống; làm thành 2 hàng theo thứ tự từ trái sang phải và 6 lỗ tương tự ở vị trí đối xứng để có thể đưa các ống xuyên qua thân quả bầu theo phương ngang. Hàng trên (ở gần phần eo của quả bầu) gồm 4 ống có tên: Ngrâm, T’rơ, Tê, Me; hàng dưới 2 ống có tên: Ndớt, T’ru.

Cắm đầu có mắt của các ống xuyên qua quả bầu theo lỗ đã khoét sao cho phần mắt của các đầu ống vừa đủ lộ ra ngoài quả bầu. Người làm sẽ dùng sáp ong đất trét kín quanh các điểm kết nối giữa ống và quả bầu, vừa để cho kín kẽ vừa giúp giữ chặt, cố định các ống; khi thổi không bị thoát khí ra ngoài mà chỉ tập trung vào các ống, đi qua lỗ thoát âm để tạo âm thanh. Cũng chính vì cấu trúc phức tạp nên số người biết chế tác cũng như sử dụng thành thạo K’buốt ngày càng ít.

Âm thanh của K’buốt sáng, khỏe, đẹp, mượt mà và dày - rền vang hơn các loại nhạc khí thổi khác do có nhiều ống và nhiều âm thanh có thể vang lên cùng lúc. Đây là loại nhạc khí thổi được sử dụng thay cho âm thanh của dàn ching (chiêng) nên khi diễn tấu có thể thể hiện từ 2-6 bè cùng lúc. Âm thanh của K’buốt tương phản với âm thanh gõ từ dàn ching (chiêng), goong (cồng) nên thường được sử dụng như một nhạc cụ màu sắc trong hòa tấu chung dàn chiêng tại các hội vui có diễn tấu cồng, chiêng. K’buốt có thể chơi được hòa âm nên thường được sử dụng để đệm cho các bài hát trữ tình hoặc giao duyên.

Giai điệu của K’buốt mang theo tâm sự buồn, vui trong cuộc sống của cộng đồng người S’tiêng. Âm thanh của K’buốt lúc trầm lúc bổng, vang vọng, thiết tha, mang âm hưởng và cả nét hoang sơ của núi rừng Bình Phước.

Điểu Lành - Thổ Thanh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/140137/k-buot-nhac-khi-doc-dao-cua-nguoi-s-tieng