Khai quật nghĩa địa cổ, rùng mình hộp sọ bị khoan lỗ 3.200 tuổi

Tiến sĩ Gulan Ayaz tại Khoa Khảo cổ thuộc Đại học Van Yüzüncü Yıl cho biết, phát hiện này là một ví dụ đặc biệt về thủ thuật khoan sọ 3.200 năm trước.

Gần đây, các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện hộp sọ bị khoan lỗ trong chuyến khai quật tại một nghĩa địa tỉnh Van, miền đông nước này.

Tiến sĩ Gulan Ayaz tại Khoa Khảo cổ thuộc Đại học Van Yüzüncü Yıl cho biết, phát hiện này là một ví dụ đặc biệt về thủ thuật khoan sọ 3.200 năm trước. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được lý do tại sao hộp sọ bị khoan.

Theo một nghiên cứu năm 2011, việc khoan sọ trong thế giới cổ đại nhằm điều trị các vấn đề từ thể chất đến sức khỏe tâm thần. Nhóm nghiên cứu liệt kê ba lý do chính dẫn đến việc khoan sọ vào thời kỳ Đồ Đá Mới.

Thứ nhất, đây có thể là nỗ lực ma thuật hoặc tôn giáo để giải phóng linh hồn tiêu cực ra khỏi cơ thể. Lý do thứ hai là nghi thức khai sáng. Lý do cuối cùng và ít phổ biến nhất là trị liệu, điều trị chấn thương, khối u, co giật, động kinh, đau nửa đầu, mất ý thức và thay đổi hành vi.

Một bí ẩn khác về hộp sọ niên đại 3.200 năm ở tỉnh Van là người này có sống sót sau cuộc phẫu thuật hay không. Dù phần bị loại bỏ ngày nay trông khá sạch sẽ, không phải bệnh nhân nào cũng sống sót qua quá trình khoan, cắt, cưa và khoét lỗ trên hộp sọ. Tuy nhiên, bằng chứng từ Peru cho thấy nhiều người đã vượt qua được, bao gồm hơn 100 cư dân của Đế chế Inca.

Các nhà nghiên cứu cần thêm thời gian để xác định xem liệu người bị khoan sọ ở tỉnh Van cách đây 3.200 năm có sống sót sau phẫu thuật hay không. Tuy nhiên, có thể họ sẽ không bao giờ xác định được mục đích của cuộc phẫu thuật này liên quan đến ma thuật hay y học.

Theo bác sĩ giải phẫu thần kinh Raphael Davis, phẫu thuật khoan sọ (Trepanation) - còn được gọi là trephination - “đã xuất hiện từ 5.000 năm trước và được biết đến như một trong những thủ thuật y học lâu đời nhất trong lịch sử loài người”.

Theo Tập san Surgical Neurology International, khoảng 1.500 hộp sọ đã trải qua phẫu thuật trepanning được tìm thấy trên khắp thế giới, từ châu Âu đến vùng Scandivania và Bắc Mỹ; từ Nga, Trung Quốc đến Nam Mỹ (đặc biệt là ở Peru).

Tại phía nam trung tâm vùng cao nguyên Andes, phẫu thuật trepanning xuất hiện từ năm 200 đến 600. Phương pháp chữa trị này được sử dụng rộng rãi cho đến đầu thế kỷ XVI; ở Trung Quốc, nó đã được áp dụng trong hàng ngàn năm liền.

Thời cổ đại, con người tin rằng phẫu thuật khoan sọ là một cách chữa trị nhiều bệnh như các chấn thương ở đầu, cũng như có thể điều trị những cơn đau. Một số nhà khoa học còn nghĩ rằng phẫu thuật sọ được sử dụng để tách linh hồn khỏi cơ thể trong các lễ nghi thời xưa.

Con người đã sống sót và hồi phục sau phẫu thuật rất nhiều lần. Mặc dù hậu quả để lại là những vết sẹo trên xương nhưng các lỗ đục và hộp sọ thì đã lành lại, theo nghiên cứu công bố trên tập san American Journal of Physical Anthropolgy. Một người phụ nữ trung cổ qua đời trong lúc mang thai là ví dụ điển hình về một cuộc phẫu thuật thất bại. Hộp sọ của cô ấy có dấu vết rõ rệt của một lỗ tròn đường kính 4.6 milimet (0.2 inches).

“Chúng tôi đưa ra giả thiết rằng người phụ nữ mang thai đã bị tiền sản giật hoặc sản giật (2 điều kiện mang thai liên quan đến huyết áp cao) và cô ấy đã được phẫu thuật trepanning trực diện để giảm áp lực nội sọ. Dù vậy, cô ấy đã không vượt qua được ca phẫu thuật và qua đời với thai nhi trong bụng.” - theo ghi chép của các nhà nghiên cứu trong tập World Neurosurgery vào tháng 5/2018.

Xem thêm video: Phẫu thuật lấy búi tóc nặng gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi (Nguồn: THDT).

Thiên Trang (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khai-quat-nghia-dia-co-rung-minh-hop-so-bi-khoan-lo-3200-tuoi-1773510.html