Khẩn trương gỡ khó xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ.

Quang cảnh hội nghị theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trung Quốc là thị trường chính xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam

Tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến sáng 25/11, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, hiện nay tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98 - 99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan chiếm 1-2%.

Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022.

Trước đó, Bộ NN&PTNT nhận được phản ánh từ một số cơ sở xuất khẩu tôm hùm và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông.

Cụ thể, từ ngày 1/2/2021, thị trường Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm II. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Trong đó, tôm hùm bông tự nhiên được quy định cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu phải xin giấy phép về "Bảo vệ động vật hoang dã" từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc); thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm; các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký theo biểu mẫu mới để rà soát, tổ chức kiểm tra trước khi được phép xuất khẩu.

Giá tôm hùm có thời điểm tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các quốc gia tăng.

Các doanh nghiệp cần đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm

Bên cạnh gặp khó về thị trường, theo các chuyên gia, tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore.

Hơn nữa, nguồn cung thức ăn cho tôm hùm cũng không ổn định, khó kiểm soát nguồn cung cấp. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp chỉ phục vụ nuôi tôm trong bể chưa phù hợp nuôi lồng biển. Dù thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát được dịch bệnh, môi trường song mới chỉ có thể triển khai được ở quy mô nhỏ.

Theo Bộ NN&PTNT, các đơn vị cần khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ; đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển trong nước và trên thế giới.

Để xuất khẩu tôm hùm thuận lợi vào thị trường Trung Quốc, ông Lê Bá Anh cho hay, các doanh nghiệp cần đảm bảo các yêu cầu về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương.

Các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi. Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu…

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thủy sản năm 2017, điều kiện về nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi.

Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc, chuyển Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc.

Cùng với đó, các đơn vị khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ; đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển trong nước và trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn. Đến hết năm 2022, ngành thủy sản đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khan-truong-go-kho-xuat-khau-tom-hum-sang-trung-quoc-140208.html