Khi 'ma men' ngồi sau tay lái

'Không say không về' - đó là câu cửa miệng của dân nhậu để rồi không ít lần sau những trận dzô 'tẹt ga' đó là câu chuyện đau lòng. Ai cũng biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như xỉn 'quắc cần câu' và tự điều khiển tay lái về nhà. Nhưng, biết vậy, nhiều người vẫn phó mặc cho tay lái.

Quá nhiều tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do các ma men gây nên đã khiến bao gia đình phút chốc rơi vào cảnh bi thương, trong đó ngay chính bản thân những người say xỉn gây tai nạn cũng trở thành nạn nhân. Có 40% các vụ TNGT liên quan đến bia rượu. Sau những “chén chú chén anh” là “án tử” lơ lửng phía trước...

1. Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ”, trong đó có hành vi vi phạm nồng độ cồn vượt mức cho phép gấp 4 lần (0,94mg/lít khí thở). Bà Nga là người điều khiển xe BMW khi đã sử dụng bia rượu gây tai nạn nghiêm trọng tại ngã tư Hàng Xanh khiến 1 người chết, 5 người bị thương đêm 21-10.

Giờ chẳng ai còn quan tâm bà Nga trước đây là một cô sinh viên có chí tiến thủ, bao nhiêu năm làm đủ các công việc để thực hiện ước mơ có một nhà hàng riêng, trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Họ chẳng còn nhớ bà Nga là chủ của dãy cửa hàng ẩm thực mang phong cách Brazil nào nữa. Nhắc đến bà Nga, họ chỉ nhớ đến một người phụ nữ trung niên say “quắc cần câu” gây tai nạn chết người.

Cảnh sát giao thông xử lý một trường hợp điều khiển phương tiện có sử dụng bia, rượu.

Người say thì không bao giờ tự nhận rằng mình say, lúc nào nghĩ mình cũng tỉnh táo. Bà Nga cũng vậy. Sau khi gây tai nạn trong cơn hoảng loạn, bà Nga khai do có uống chút rượu nên ngủ gật. Qua ngày hôm sau, tỉnh táo hơn một chút, bà Nga cho rằng mình gặp sự cố khi điều khiển chiếc BMW. Quai hậu của chiếc giày cao gót bị vướng vào chân ga. Khi bà Nga định đạp thắng để dừng đèn đỏ thì lại nhấn chân ga khiến chiếc xe lao vào đám đông đang dừng đèn đỏ, húc tung nhiều người.

Cháu gái đang học lớp 10, con của chị Nguyễn Thị Kim Phụng (38 tuổi, quê Đồng Nai, ngụ Thủ Đức) không bao giờ còn được gặp lại mẹ. Gia đình anh Cao Chí Tài (23 tuổi, ngụ quận 10) thì phải đau đớn nhìn anh qua tấm kính phòng cấp cứu. Hơi thở yếu ớt, anh phải nhờ vào sự hỗ trợ của máy thở. Sự nghiệp của Tài dường như tiêu tan sau bao nhiêu năm miệt mài đèn sách. Tài vừa ra trường, được nhận vào làm trong ngân hàng, giờ đây, anh phải chống chọi với thương tật chỉ bởi chiếc quai hậu của nữ doanh nhân “quá chén” trong buổi tiệc sinh nhật con gái mình!

Những vụ TNGT nghiêm trọng mà người gây ra tai nạn sử dụng bia rượu chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ tai nạn nhưng khi xảy ra, ai cũng khai chỉ uống vài lon, vài ly xã giao. Hồi tháng 4, Mai Thuyết Giao (34 tuổi) điều khiển xe bán tải chở vợ từ quận 1 về quận 7 với tốc độ khá cao.

Vụ TNGT tại cầu Kênh Tẻ khiến nạn nhân rơi từ cầu xuống đường, tử vong.

Khi đến khu vực cầu Kênh Tẻ, Giao không làm chủ được tốc độ đã lao vào dải phân cách trên cầu rồi lao sang làn đường ngược lại tông vào xe máy do anh Lê Văn Tứ (21 tuổi, quê Kiên Giang) chở ông Lê Văn Thiện (65 tuổi) và xe máy của một cô gái trẻ khoảng 20 tuổi. Xe của Giao ủi xe anh Tứ vào sát lan can cầu. Ông Thiện văng ra sau va chạm và rơi từ cầu Kênh Tẻ xuống dạ cầu tử vong tại chỗ.

Xe của Giao lật ngang. Vợ chồng Giao rời khỏi hiện trường đến Công an phường đầu thú. Tại đây, Giao cho biết có làm vài lon bia với bạn bè trước khi xảy ra tai nạn. Lúc này, nồng độ cồn trong người Giao được đo ở mức 0,385mg/lít khí thở.

2. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì 40% số vụ TNGT hằng năm là do người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu và 11% số người chết liên quan đến bia rượu. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu nhưng các vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vẫn thường xuyên bị xem nhẹ khiến các vụ TNGT vẫn gia tăng.

Khi có bia rượu trong người, người điều khiển phương tiện sẽ mất bình tĩnh, không làm chủ được tay lái, không ước lượng đúng khoảng cách và tình huống, dễ gây tai nạn để lại hậu quả nặng nề cho những người xung quanh, liên đới và cho chính bản thân mình. Từng tự là nạn nhân của một vụ TNGT do bia rượu, anh Tùng (38 tuổi, nhà quận 6) có lần vì quá chén với bạn bè sau giờ làm để rồi không làm chủ được tay lái, tông vào dải phân cách bị thương nặng. Bây giờ ngồi một chỗ, sự nghiệp tiêu tan lại còn là gánh nặng cho vợ con nữa. Có muốn làm lại thì cũng quá muộn rồi.

Số liệu gần đây nhất của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, tại thành phố xảy ra hơn 350 vụ TNGT làm 337 người chết, 91 người bị thương. Đa phần các vụ TNGT này, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong cơ thể vượt mức quy định cho phép. Nồng độ cồn cao trong máu đã dẫn đến các vi phạm khác như chạy không đúng làn đường, vượt đèn đỏ, lạng lách, chạy tốc độ cao.

Chứng kiến các vụ TNGT do “ma men” gây ra, nhiều người tỏ thái độ bất bình, nhất là sau khi gây tai nạn, người điều khiển phương tiện thường đổ cho các lý do “trời ơi”. “Ăn nhậu thì chẳng ai cấm. Khi xã giao thì cũng làm vài lon nhưng quá đà, không làm chủ được bản thân thì không thể chấp nhận được! Vừa gây thảm cảnh cho chính mình, cho người khác, vừa tạo gánh nặng cho xã hội, ép nhau uống đến “quắc cần câu” có đáng không?” - anh Thành (một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở quận 7) bày tỏ.

Anh Nguyễn Tân Tiến, tài xế xe tải tuyến Sài Gòn - Tiền Giang cho biết, hơn 20 năm lái xe, khi cầm đến vô lăng, anh đều nghĩ đến gia đình nhỏ của mình nên rất cẩn thận, không dám sơ suất khi lưu thông trên đường. Vậy mà nhiều lần anh Tiến vẫn suýt bị liên lụy vì những người say xỉn điều khiển phương tiện trên đường.

“Họ xỉn nên chạy bất chấp, lạng lách, tạt đầu xe. Lúc đó chắc họ nghĩ người khác phải tránh chứ họ chẳng cần phải tránh ai! Họ gặp nạn đã đành rồi nhưng liên lụy đến người khác thì tội cho gia đình người ta và chính họ lắm. Tôi có nhiều bạn lái xe tải đường dài, có người đang yên đang lành bỗng nhiên dính vào vụ TNGT “trời ơi” chỉ vì nạn nhân say xỉn trượt té vào bánh xe tải tử vong. Trong lúc chờ Cơ quan công an điều tra, xe bị tạm giữ, mất phương tiện kiếm sống mà lỗi lại chẳng phải do mình mới đau!” - anh Tiến tâm sự.

Hiện trường vụ TNGT ở ngã tư Hàng xanh do bà Nga gây ra làm 1 người chết và 5 người bị thương.

3. TNGT liên quan đến việc người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường có nồng độ cồn cao tại TP Hồ Chí Minh đang có chiều hướng gia tăng. Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh đã mở nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn. Hằng đêm, tại các điểm nóng về TNGT, Phòng CSGT phối hợp với công an các quận huyện, cảnh sát cơ động, cảnh sát 113 tăng cường lực lượng, lập nhiêu trạm chốt, nhất là các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu, các tuyến quốc lộ, nơi đông dân cư để đo nồng độ cồn bằng máy móc, thiết bị.

Phương pháp này được thực hiện bằng cách đo nồng độ cồn định tính, tài xế ngồi trên xe để kiểm tra, nếu không phát hiện nồng độ cồn thì cho xe di chuyển ngay, nếu phát hiện mới yêu cầu tài xế dừng xe vào điểm xử lý để tránh tình trạng ùn ứ giao thông. Bằng phương thức trên, từ đầu năm đến nay có 3.892 lượt tài xế bị kiểm tra nồng độ cồn, phát hiện và lập biên bản gần 100 trường hợp, tạm giữ 36 mô tô, 48 ô tô và 3 xe tải.

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông tập trung ở độ tuổi thanh, thiếu niên và người lao động. Các vụ TNGT liên quan đến bia rượu thường tập trung từ 20-24h đêm, nhiều nhất là vào những ngày cuối tuần, lễ tết. Xử phạt những người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông cũng gặp khó khăn bởi họ thường không hợp tác, xúc phạm các tổ làm nhiệm vụ, không chịu ký vào biên bản, kéo dài thời gian xử lý, đôi khi chống lại người thi hành công vụ.

Trung tá Phong đánh giá: “Có bia rượu trong người, khi bị kiểm tra, người vi phạm thường bị mất kiểm soát, không chịu mình say, không công nhận nồng độ cồn cao vì chỉ uống 1-2 lon bia, dễ dẫn đến tranh cãi. Nhiều vụ xử lý vi phạm, CSGT phải nhờ đến các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, công an địa phương mới xử lý được. Việc xử phạt người có nồng độ cồn tham gia giao thông không phải ở việc mức phạt cao hay thấp, có đủ sức răn đe hay không mà cốt yếu là ở ý thức của người tham gia giao thông. Họ phải nhận thức được việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng bia rượu dễ gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác!”.

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng luật sư Trường - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, chế tài xử phạt hành vi sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông đã quy định rõ ràng trong luật. Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 đã quy định, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị phạt cao nhất là 18 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 6 tháng tùy vào mức độ vi phạm. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là 4 triệu đồng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là 7 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1 đến 4 tháng.

Với hành vi sử dụng rượu bia gây thiệt hại cho người khác tại Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự với hình thức bị phạt tù từ 3 đến 10 năm tù.

Mạnh Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/khi-ma-men-ngoi-sau-tay-lai-517286/