Khi Pakistan có xe tăng VT-4, Ấn Độ trả lời bằng T-90 và MK-1A

Pakistan đã mua xe tăng VT-4 do đồng minh thân cận nhất là Trung Quốc sản xuất; để đáp trả, Ấn Độ cũng có kế hoạch nâng cấp ngay đội xe tăng của mình.

Gần đây, lô xe tăng chiến đấu VT-4 đầu tiên mà Pakistan nhập, đã chính thức được biên chế cho Quân đội nước này. Đây là loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) do công ty nhà nước Norinco của Trung Quốc sản xuất.

Việc giao xe tăng VT-4 cho Pakistan bắt đầu vào tháng 4/2020; vào tháng 9/2021, các cuộc thử nghiệm thực địa đã được tiến hành tại Pakistan. Lãnh đạo Quân đội Pakistan cho biết “VT-4 tương đương với bất kỳ loại xe tăng hiện đại nào trên thế giới, khi được tích hợp lớp giáp bảo vệ tiên tiến, khả năng cơ động, hỏa lực và công nghệ hiện đại; tương lai sẽ là xương sống của lực lượng xe tăng Pakistan”.

MBT VT-4 tương tự như xe tăng Type 99G mà Quân đội Trung Quốc đang sử dụng, mặc dù đã bị cắt giảm khả năng quan sát, động cơ và khả năng của pháo chính. Hiện tại, VT-4 là loại xe tăng có khả năng xuất khẩu cao nhất của Trung Quốc.

Điều thú vị là thiết kế của VT-4 có một số điểm tương đồng với T-72 của Liên Xô. Theo phán đoán của một số chuyên gia, Trung Quốc đã mua xe tăng T-72 từ Romania vào những năm 1980. Và không loại trừ khả năng, Trung Quốc đã sao chép những xe tăng này.

VT-4 được trang bị pháo nòng trơn 125 mm được ổn định hoàn toàn trên hai mặt phẳng; xe cũng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động kiểu băng chuyền, tốc độ nạp thường lên đến 8 viên / phút; đồng thời kíp xe chỉ còn 3 người.

Xe tăng VT-4 có thể bắn các loại đạn xuyên giáp, ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS), chống tăng sử dụng thuốc nổ công suất lớn (HEAT), đạn nổ phân mảnh (HE-FRAG). VT-4 cũng có tính năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo, giống như tên lửa 9K 119M Refleks của Nga.

Xe tăng VT-4 được trang bị 4 tên lửa chống tăng với tầm bắn 5.000 m; vũ khí phụ là súng máy đồng trục 7,62 mm. Trạm vũ khí điều khiển từ xa được cho là một lợi thế lớn của xe tăng, vì nó bảo vệ chỉ huy xe tăng khỏi hỏa lực của đối phương.

Khi đối thủ “không đội trời chung” Pakistan trang bị MBT VT-4, ngay lập tức vào tháng 2/2021, Quân đội Ấn Độ công khai số lượng 118 xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun (MK-1A) được phát triển trong nước.

MK-1A được thiết kế, phát triển và sản xuất bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Phương tiện chiến đấu (CVRDE) của Ấn Độ và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO); phối hợp với 15 viện nghiên cứu, 8 phòng thí nghiệm và một số công ty tư nhân.

Dự án MBT Arjun được bắt đầu vào năm 1972, với mục đích chế tạo một loại xe tăng “tối tân”, với hỏa lực vượt trội, tính cơ động cao và khả năng bảo vệ tuyệt vời. Mẫu Arjun đầu tiên được sản xuất vào năm 1996.

Theo DRDO, Arjun có lớp giáp có thể chống lại đạn xuyên giáp ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) và hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp, được điều khiển bằng máy tính kết hợp hệ thống ngắm bắn ổn định, có thể sử dụng cả ban ngày và ban đêm, xác xuất trúng mục tiêu rất cao.

Với 14 nâng cấp lớn, đến nay phiên bản Arjun MK-1A có thể phóng tên lửa, mặc dù cuộc thử nghiệm cuối cùng về khả năng loại xe tăng này vẫn đang được tiến hành. Phiên bản MK-1A có tỷ lệ nội địa hóa là 54,3%; so với phiên bản cũ hơn là 41%.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, trong một cuộc thử nghiệm do Quân đội Ấn Độ tiến hành, Arjun MK I được cho là có chất lượng tốt hơn T-90 của Nga. Arjun MK I cũng nhận được lời khen ngợi hiếm hoi từ Trung Quốc.

Hiện nay Ấn Độ đã quốc gia sử dụng nhiều xe tăng T-90 nhất trên thế giới, và hiện là xe tăng chiến đấu chủ lực của lực lượng xe tăng Ấn Độ; hiện Quân đội Ấn Độ đã triển khai T-90 đến khu vực biên giới xung đột với Trung Quốc.

Xe tăng T-90 do Liên Xô phát triển, nhưng do Nga sản xuất và được Ấn Độ mua lần đầu tiên vào năm 2001. Phiên bản T-90 Bhishma đầu tiên, được coi là phiên bản hiện đại hóa của T-90, được sản xuất từ Nhà máy chế tạo xe tăng hạng nặng Avadi vào năm 2004.

Xe tăng Bhishma được trang bị pháo nòng trơn 2A46M 125 mm, có khả năng bắn tất cả các loại đạn chống tăng. T-90 cũng có thể bắn đạn xuyên giáp dưới cỡ (APFSDS) và tên lửa dẫn đường chống tăng Refleks qua nòng pháo và nhiều loại đạn chuyên dùng khác.

Để tăng cường hơn nữa sức mạnh của lực lượng xe tăng, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, quân đội Ấn Độ đã đưa ra Yêu cầu cung cấp thông tin (RFI) về việc mua 1.750 MBT tiên tiến. Những xe tăng này sẽ phải được cung cấp trong khoảng thời gian hai năm sau khi ký hợp đồng.

Trong bản chào hàng của mình, Quân đội Ấn Độ yêu cầu loại xe tăng mới phải vận chuyển được bằng máy bay vận tải quân sự hạng nặng, có thể hoạt động ở nhiều địa hình khác nhau như sa mạc, đồng bằng và các khu vực có độ cao lớn. Nhiều khả năng, số xe này sẽ triển khai ở khu vực biên giới với Pakistan và Trung Quốc. Nguồn ảnh: Pinterest.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/khi-pakistan-co-xe-tang-vt-4-an-do-tra-loi-bang-t-90-va-mk-1a-1655638.html