Khó khăn, thách thức trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn” với phương châm lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách và là khâu đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí; kiên quyết không bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí...

Biến tướng tham nhũng ngày càng tinh vi

Thời gian qua, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực của tỉnh nói chung, của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nói riêng rất quan trọng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có nhiều lĩnh vực, nhiều mặt thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng bộ các cấp ngày càng được củng cố, nâng lên. Tuy nhiên, với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của thế giới và khu vực trong thời gian tới, cũng như tình hình trong nước cho thấy, Bình Phước sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, đột phá.

Thực tế thời gian qua, không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, những người làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật. Hiện nay, hành vi tham nhũng, tiêu cực rất đa dạng, phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tham nhũng, tiêu cực có tính câu kết, có tổ chức, có biểu hiện “nhóm lợi ích” ngày càng chặt chẽ, khép kín, có sức mạnh “lũng đoạn” các quyết sách của cả tập thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Những lợi ích mà tham nhũng hướng đến không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn phi vật chất, không chỉ diễn ra trong khu vực công mà còn ở khu vực tư; có sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… Tham nhũng, lãng phí biểu hiện trong tất cả lĩnh vực công tác, đời sống chính trị của cán bộ, công chức, viên chức... thông qua việc sử dụng quyền lực, quan hệ, hiểu biết, kinh nghiệm, tiền bạc để “ẩn mình”, “bọc lót”, che chắn cho việc vi phạm rất chắc chắn, kỹ lưỡng. Thậm chí khi cần chúng sẵn sàng, bất chấp bằng mọi cách, mọi thủ đoạn móc nối để tác động ngược trở lại các cán bộ, công chức, các cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực để làm giảm hoặc vô hiệu hóa khả năng chống tham nhũng của các cơ quan này khi thực thi công vụ.

Tư tưởng thỏa hiệp, sống chung với tham nhũng

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực thiếu tu dưỡng và rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dễ bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân làm phát sinh nhận thức chính trị sai lệch trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Ngoài ra, mặt trái nền kinh tế thị trường trong giai đoạn Tỉnh ủy đang đẩy mạnh trải thảm đỏ kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư tại các địa phương trong tỉnh có thể làm thay đổi nhận thức, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên sùng tín lối sống thực dụng, hưởng thụ, tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân”, thích sống cuộc sống xa hoa, cống hiến thì ít mà muốn hưởng thụ thì nhiều, nên sách nhiễu, cố tình tìm mọi cách làm khó để vòi vĩnh, “gợi ý”, “lót đường”, “rải thảm”. Đây là thách thức không thể tránh khỏi trong khi chúng ta vừa tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vừa tiếp tục duy trì và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu để góp phần xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển vào năm 2030 mà Tỉnh ủy đã đề ra trong giai đoạn hiện nay.

Khi cán bộ, đảng viên thiếu sức chiến đấu, người dân coi tham nhũng, tiêu cực là bình thường, chấp nhận sống chung thì cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực sẽ gặp phải trở ngại, thách thức vô cùng lớn, vì nếu không nhận thức đúng thì hành động sẽ sai, dẫn đến việc cán bộ, đảng viên, nhân dân thỏa hiệp, sống chung với tham nhũng, tiêu cực.

Một khi coi cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực không phải là trách nhiệm của mình thì cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực sẽ không thể được tiến hành triệt để; tham nhũng, tiêu cực sẽ không được quét sạch. Đây là một thách thức có ảnh hưởng rất lớn nếu không chuyển hóa, đánh bật được nhận thức, tâm lý sai lệch này thì không thể thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.

Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của cán bộ, công chức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, đúng mức, chưa khắc phục tâm lý ngại đấu tranh với biểu hiện, hành vi tham nhũng; công tác tự kiểm tra trong nội bộ còn hạn chế. Bên cạnh đó, các đơn tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp chủ yếu từ nhân dân lên thuộc thẩm quyền giải quyết của ủy ban kiểm tra Đảng, vì vậy một số cơ quan thanh tra còn bị động trong công tác nắm tình hình, thông tin dư luận để chọn nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm để kiến nghị hoặc cùng phối hợp giải quyết dẫn đến có trường hợp vi phạm đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nể nang, né tránh

Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nể nang, né tránh, ngại va chạm khi phê bình và tự phê bình, theo phương châm “im lặng là vàng”, “dĩ hòa vi quý”, dù biết rất rõ hành vi tiêu cực của đồng chí mình nhưng không muốn phê bình, tố giác, vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân, đồng thời bị coi là có lý nhưng không có tình. Một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng vẫn nhận thức sai lầm rằng, công tác PCTN, tiêu cực rất nguy hiểm nên không mạnh dạn, quyết liệt trong phát hiện, đấu tranh, thậm chí còn tìm mọi cách né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác làm.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng chạy theo lợi ích cá nhân, thiếu tôn trọng pháp luật khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn có tư tưởng làm ơn, ban phát, có qua có lại từ đó hễ có cơ hội là tham nhũng dù số tiền không lớn. Về phía người dân, tâm lý “dĩ hòa vi quý”, không có thói quen sử dụng pháp luật để đấu tranh với cái sai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi bị xâm phạm dẫn đến thái độ thỏa hiệp, sống chung với tham nhũng; thậm chí, nhiều người dân, doanh nghiệp còn chủ động lo lót, hối lộ, để “được việc”, giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh. Người dân và doanh nghiệp còn tâm lý phải chấp nhận chi phí không chính thức để thuận lợi hơn khi giải quyết công việc. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu sức chiến đấu xảy ra ở một số cấp ủy, tổ chức đảng.

Các đối tượng trong vụ việc tham nhũng, tiêu cực đa phần là người có trình độ học thức, chuyên môn nghiệp vụ và địa vị xã hội, có đủ năng lực và các thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nên gây khó khăn trong công tác phát hiện. Bên cạnh đó, cán bộ biên chế được bố trí làm công tác kiểm tra, thanh tra ở cấp huyện, thị xã, thành phố hiện nay còn hạn chế, nhất là biên chế trong cơ quan ủy ban kiểm tra, thanh tra cấp huyện trong khi thời gian tiến hành một cuộc thanh tra, kiểm tra có hạn. Ngoài thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra, các cơ quan này phải thực hiện công việc chuyên môn khác nên đã ảnh hưởng đến chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và chất lượng phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó là vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa cao; chưa đủ sức phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng ngay trong nội bộ và chưa thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận đúng mức thực trạng tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách; còn tâm lý sợ ảnh hưởng đến thành tích, sợ liên đới trách nhiệm. Từ đó việc tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thời gian gần đây hầu như không có.

PCTN là bao gồm các hoạt động của hệ thống cơ quan đảng, bộ máy chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân. Căn cứ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững. Để thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN và liên ngành ở cấp huyện hiện nay chưa đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp một cách đầy đủ. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng.

Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên còn nặng về hình thức; chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; thậm chí còn được xem như một bí mật không được công khai. Bên cạnh đó, còn một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò của mình trong PCTN. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN hiệu quả chưa cao, hiện tượng phải hối lộ, “bôi trơn” hoặc tác động bằng hình thức khác để được thuận lợi hơn trong giải quyết công việc vẫn còn phổ biến. Một số cơ chế, chính sách còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm. Vấn đề phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ…

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/89/143320/kho-khan-thach-thuc-trong-phong-chong-tham-nhung-lang-phi