Khó phân biệt viêm phổi do Mycoplasma với những bệnh khác

Mycoplasma là chủng vi khuẩn hay gây viêm đường hô hấp ở trẻ em hiện nay. Trẻ nhỏ có thể nhiễm Mycoplasma từ giọt bắn chứa vi khuẩn của người khác.

Mycoplasma là chủng vi khuẩn hay gây viêm đường hô hấp ở trẻ em hiện nay.

Số mắc bệnh do vi khuẩn tăng

Từ đầu tháng 5, Hệ thống Y tế MEDLATEC cho biết ghi nhận số lượng trẻ đến khám và điều trị vì bị viêm phổi do Mycoplasma tăng đột biến. Cụ thể, bé P.G.H (10 tuổi, Hà Nội) có biểu hiện sốt cao 39 độ kèm ho khan, diễn biến nhiều về đêm.

Gia đình chủ quan nghĩ con ốm sốt thông thường do thời tiết thay đổi nên tự mua kháng sinh kèm thuốc ho về điều trị. Uống được 3 ngày, gia đình thấy triệu chứng của trẻ không đỡ, cơn sốt không dứt. Sau đó, trẻ được đưa đến Phòng khám MEDLATEC Tây Hồ để thăm khám.

Sau khi khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ đây là trường hợp mắc viêm phổi. Bệnh nhi được chỉ định điều trị kháng sinh kết hợp cho xét nghiệm chuyên sâu để định danh chính xác tên loại vi khuẩn gây ra tình trạng trên. Kết quả xét nghiệm Mycoplasma Pneumoniae Real-time PCR dương tính.

Trong trường hợp này, với các triệu chứng không điển hình, cha mẹ dễ nhầm lẫn với ốm sốt thông thường dẫn tới xử trí sai cách, không mang lại hiệu quả điều trị. Theo các bác sĩ, do được thăm khám và điều trị kịp thời, trẻ tránh được những tình huống xấu ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe.

Trong khi đó, Khoa Nhi - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng cho biết tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị viêm phổi. Trong đó, có viêm phổi do Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.

Một trong số các trường hợp là bệnh nhi Nguyễn T. D (7 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng sốt nóng cơn trên 38 độ C, ho có đờm trong 2 ngày, sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà không đỡ.

Kết quả chụp X-quang, CT scaner ngực có tổn thương đông đặc thùy trên phổi trái, thùy trên phổi phải có đám đông đặc nhỏ. Xét nghiệm Mycoplasma pneumoniae dương tính.

Trẻ được hội chẩn chuyên khoa Nhi chẩn đoán tình trạng viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae và điều trị tích cực bằng kháng sinh theo phác đồ. Sau 12 ngày điều trị, tình trạng trẻ ổn định, giảm ho và cắt sốt.

Phần lớn trẻ mắc bệnh nhẹ

Để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ, các phụ huynh được khuyến cáo cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho bé. Vệ sinh nhà cửa, phòng sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh.

Mang khẩu trang để hạn chế bụi bẩn và vi khuẩn khi ra ngoài. Thường xuyên cho trẻ súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Điều trị dứt điểm các tình trạng bệnh có thể gây ra viêm phổi như: Trào ngược dạ dày, tim bẩm sinh.

Tiêm phòng đầy đủ các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là lao, cúm, sởi, phế cầu, HiB. Ngoài ra, đưa trẻ đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tiến triển nặng hơn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Chia sẻ về bệnh này, bác sĩ Nhi khoa Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, Mycoplasma hay còn gọi là Mycoplasma pneumoniae.

Đây là chủng vi khuẩn hay gây viêm đường hô hấp ở trẻ em hiện nay. Trẻ nhỏ có thể nhiễm Mycoplasma từ giọt bắn chứa vi khuẩn của người khác. Một khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn này chủ yếu sinh sống ở đường hô hấp, cá biệt ở một vài cơ quan khác.

Tại đây, nó có thể phát triển gây viêm mũi họng, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Trong nhiều trường hợp, do cơ thể kiểm soát được nên vi khuẩn không gây bệnh. Trường hợp này được gọi là người lành mang vi khuẩn.

“Mặc dù vậy, sau đợt cấp tính, vi khuẩn tồn tại khá lâu ở đường hô hấp, có thể tới 4 tháng. Thành ra những trẻ bị viêm đường hô hấp do Mycoplasma có thể sẽ ho dài hơn so với các con vi khuẩn, virus thông thường khác”, bác sĩ Giang cho biết.

Về triệu chứng, theo bác sĩ Giang, rất khó phân biệt bệnh do Mycoplasma với viêm đường hô hấp do các nguyên nhân khác. Bởi vi khuẩn gây bệnh nào cũng có thể khiến trẻ bị nặng, hoặc nhẹ. Trong khi đó, viêm đường hô hấp do Mycoplasma cũng gây ho, chảy mũi, sốt, mệt mỏi…

Trong trường hợp trẻ bị mức độ nhẹ, việc làm xét nghiệm là không cần thiết. Bởi, với nhóm này, nhiều trẻ thường tự khỏi. Ngược lại, nhóm bị viêm phổi hoặc nặng hơn cần phải làm xét nghiệm xem có mắc bệnh do Mycoplasma pneumoniae hay do vi khuẩn, virus nào khác. Đồng thời, những trẻ này cũng cần thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu hỗ trợ thêm.

“Hiện nay, mọi người thường làm xét nghiệm máu IgM Mycoplasma và PCR Mycoplasma để hỗ trợ chẩn đoán. Gọi là hỗ trợ bởi vì như đã nói ở trên, vi khuẩn sau khi xâm nhập có thể tồn tại rất lâu ở đường hô hấp mà không có triệu chứng. Do vậy ở những trẻ này, làm xét nghiệm IgM hay PCR đều có thể dương tính”, bác sĩ Giang chia sẻ.

Theo bác sĩ Đào Trường Giang, đã có những nghiên cứu cho thấy, IgM Mycoplasma có thể “dương tính” nhiều tháng sau đợt cấp. Cũng có nghiên cứu làm xét nghiệm PCR ở những trẻ có viêm đường hô hấp và những trẻ không có triệu chứng.

Kết quả cho thấy, cả 2 nhóm này đều có những trẻ PCR dương tính. Do đó, nếu chỉ dựa vào xét nghiệm “dương tính” tại một thời điểm thì không khẳng định hoàn toàn được rằng, trẻ đang bị viêm phổi do Mycoplasma hay do một nguyên nhân khác.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp, tổn thương, mức độ bệnh, cũng như các bệnh lý đi kèm mà bác sĩ sẽ quyết định xem trẻ có phải nằm viện không. Thông thường, những trẻ không đến mức viêm phổi hay mắc bệnh lý nặng ngoài phổi khác thì thường có thể được điều trị tại nhà.

“Bất kỳ trẻ nhỏ nào cũng có thể nhiễm Mycoplasma pneumoniae, nhưng phần lớn bị nhẹ hoặc không có triệu chứng. Số còn lại bị nặng, thường gặp là viêm phổi. Những trẻ bị nhẹ không cần xét nghiệm.

Trẻ bị nặng thì việc chẩn đoán viêm phổi Mycoplasma pneumoniae cũng vẫn còn gặp khó khăn. Không thể dựa vào xét nghiệm tại một thời điểm để khẳng định hoàn toàn mà cần kết hợp nhiều yếu tố, thậm chí xét nghiệm nhiều lần”, bác sĩ Đào Trường Giang nhấn mạnh.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kho-phan-biet-viem-phoi-do-mycoplasma-voi-nhung-benh-khac-post643691.html