Không chỉ vịnh Maya, đã từng có 2 'thiên đường du lịch' khác từng phải đóng cửa vì thiệt hại của môi trường

3 'thiên đường du lịch' này đã từng phải đóng cửa tạm thời để ngăn chặn những tác động xấu của môi trường đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, nếu không đưa ra biện pháp cụ thể cho việc bảo vệ và trùng tu một cách đích đáng thì rất có thể sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn.

1. Vịnh Maya (Thái Lan)

Vào ngày 9/5 vừa qua, chính quyền Thái Lan đã ra quyết định chính thức về việc sẽ đóng cửa vịnh Maya thêm 2 năm để san hô và các loài động thực vật hoang dã có cơ hội phục hồi. Dự kiến, vịnh Maya sẽ được mở cửa trở lại vào năm 2021.

Đây không phải lần đầu tiên lệnh cấm này được ban hành, bởi trước đó, vào khoảng tháng 6/2018, chính quyền Thái Lan đã từng tạm đóng cửa nơi này để phục hồi hệ sinh thái.

Đây là lần thứ 2, chính quyền Thái Lan phải đưa ra tuyên bố đóng cửa bãi biển nằm trong Công viên Quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu, Koh Phi Phi, tỉnh Krabi. (Ảnh: Bangkok Post)

Đây là lần thứ 2, chính quyền Thái Lan phải đưa ra tuyên bố đóng cửa bãi biển nằm trong Công viên Quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu, Koh Phi Phi, tỉnh Krabi. (Ảnh: Bangkok Post)

Nhằm ngăn chặn những tổn thương cho môi trường do quá tải khách du lịch, bắt đầu từ tháng 6/2018, vịnh Maya đã đóng cửa 4 tháng. Cùng thời điểm đó, đảo Koh Phi Phi cũng phải tạm dừng đón khách.

Các hoạt động chủ yếu được du khách vô cùng yêu thích là lướt thuyền tốc độ hay lặn biển, tắm biển ít nhất 3 tiếng hay cho cá ăn. (Ảnh: Bangkok Post)

Chỉ trong vòng 3 năm, chính quyền Thái Lan đã phải đưa ra quyết định đóng cửa 4 hòn đảo và một vùng vịnh. Đồng thời, ra hạn thêm thời gian đối với vịnh Maya để bảo tồn hệ sinh thái môi trường. (Ảnh: Bangkok Post)

Trước đó, tháng 5/2016, chính phủ Thái Lan đóng cửa hòn đảo Koh Tachai và chưa tuyên bố ngày mở cửa trở lại. Vài tuần sau đó, ba hòn đảo Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai nằm ở Phuket cũng phải giới hạn lượng du khách tới đây.

Theo một thống kê, có khoảng 5.000 du khách tới thăm khu vực này, các hoạt động tham gia chủ yếu là lướt thuyền tốc độ hay lặn biển, tắm biển ít nhất 3 tiếng hay cho cá ăn. Tuy những hoạt động này đem lại sự thích thú cho du khách bởi cảnh quan nơi đây quá tuyệt vời, thế nhưng cũng chính nó đã góp phần rất lớn trong việc gây hại tới hệ sinh thái môi trường.

Tình trạng rác thải gây ô nhiễm đáng báo động của vịnh Maya. Đây cũng chính là điều thôi thúc các nhà chức trách phải đưa ra quyết định đóng cửa nơi này. (Ảnh: Bang Kok Post)

2. Cửu Trại Câu (Trung Quốc)

Cửu Trại Câu - khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia thuộc châu tự trị dân tộc Khương, dân tộc Tạng A Bá, ở miền Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã từng là một địa điểm thu hút đông đảo sự quan tâm và yêu thích của khách du lịch bởi chính vẻ đẹp hệt như "chốn thiên đường", ít nơi nào sánh bằng.

Vẻ đẹp được ví như "thiên đường chốn trần gian" ở Cửu Trại Câu (Trung Quốc). (Ảnh: Shutterstock)

Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu (có nghĩa là "Thung lũng chín làng") là khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia thuộc châu tự trị dân tộc Khương, dân tộc Tạng A Bá, ở miền Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Cửu Trại Câu được biết đến là thiên đường dưới hạ giới, với hàng trăm hồ nước trong vắt, màu xanh ngọc bích đẹp hút hồn, phản chiếu mây trời, rừng cây, đẹp tới ngỡ ngàng. Trước đây, Cửu Trại Câu cũng từng được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim kinh điển, trong đó nổi tiếng nhất là Tây Du ký.

Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích thuộc các cạnh của cao nguyên Tây Tạng, nổi tiếng nhờ hệ thống hồ đa sắc, thác nước nhiều tầng và các đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992, khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, trận động đất khá nặng vào hồi tháng 8/2017 đã khiến cho khu thắng cảnh Cửu Trại Câu phải quyết định đóng cửa để khắc phục hậu quả. Trận động đất đi qua đã phá hủy nhiều cụm cảnh quan như hồ Ngũ Hoa, thác Nuorilang. Sau đó, khung cảnh hoang tàn bao trùm khắp nơi đây khi các hồ nước từng xanh ngắt, trong vắt như gương đều trở nên đục ngầu.

Khung cảnh hoang tàn bao trùm khắp nơi đây khi các hồ nước từng xanh ngắt, trong vắt như gương đều trở nên đục ngầu sau trận động đất vào tháng 8/2017. (Ảnh: Pinterest)

Mặc dù từ đầu tháng 3/2018, khu du lịch này đã được mở cửa trở lại nhưng du khách sẽ không thể tham quan toàn bộ công viên như trước đây mà sẽ chỉ được tới các địa điểm bao gồm: thác nước Nuorilang, hồ Trường Hải, hồ Gương, hồ Ngũ sắc và hồ Shuzheng. Ngoài ra, du khách đi du lịch tới Cửu Trại Câu cũng cần phải đăng ký theo đoàn, không được đi lẻ và phải có bảo hiểm du lịch.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu tối đa những rủi ro và thiệt hại về môi trường và con người cũng như đảm bảo sự an toàn, chính quyền địa phương cũng hạn chế số lượng khách du lịch bằng cách giới hạn tổng số lượng khách tối đa chỉ được 2.000 người. Hiện tại, công tác khắc phục vẫn chưa hoàn thiện hoàn toàn.

3. Boracay (Phillipines)

Boracay đối với người Phillipines là một niềm tự hào, là trái tim của ngành du lịch đảo quốc này. Nhiều năm liền xuất hiện trong các danh sách bãi biển đẹp nhất hành tinh do các tạp chí du lịch uy tín bình chọn, đảo Boracay ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý của khách du lịch. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có tới gần 4 triệu du khách tới đây, trong đó, có không ít khách du lịch tới từ Việt Nam.

Boracay đối với người Phillipines là một niềm tự hào, là trái tim của ngành du lịch. (Ảnh: Pinterest)

Dòng nước xanh như ngọc, trong vắt nhìn thấy tận đáy và không khí trong lành, thoáng mát chính là những điểm cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm Boracay(Phillipines). (Ảnh: Shutterstock)

Liên tục đứng đầu trong top 10 những bãi biển đẹp nhất châu Á và thứ hai trong top 25 bãi biển đẹp nhất thế giới do du khách bình chọn trên trang Tripadvisor, Boracay nhanh chóng lan tỏa được vẻ đẹp của mình ra khắp thế giới. Trong đó, bãi biển White Beach chính là minh chứng tuyệt vời nhất.

Hòn đảo đẹp mộng mơ dưới nắng vàng, từng được ví như "thiên đường chốn gian" ở Boracay. (Ảnh: Voyage)

Tuy nhiên, cũng chính từ khi Boracay được nhiều người yêu thích và tìm đến đã kéo theo hàng ngàn những hậu quả khác, trong đó hậu quả nặng nề nhất liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, làm cho hòn đảo thần tiên này chìm ngập trong mùi rác và các đống phế thải chồng chất lên nhau. Chưa kể, loài tảo xanh đặc trưng của vùng đất này cùng những bờ biển kéo dài và bãi cát trắng mịn đã nhanh chóng trở nên loang lổ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vốn có bởi thế mà mất đi từ khi nào không hay...

"Quá tải du lịch" chính là lý do làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên của hòn đảo Boracay. (Ảnh: Shutterstock)

Du khách tới đây chi trả 1 tỷ USD mỗi năm, nhưng họ đã để lại những núi rác khổng lồ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đảo. (Ảnh: Shutterstock)

Ngay từ khi hàng loạt các thông tin liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên đáng báo động ở Boracay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, các nhà chức trách Phillipines đã quyết định đưa ra biện pháp tình thế là tạm đóng cửa hòn đảo này trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 26/4/2018.

Sau 6 tháng ngừng đón nhận du khách, chính quyền địa phương tạm thời vẫn cấm tất cả các môn thể thao dưới nước, đồng thời đóng cửa vĩnh viễn 3 sòng bạc nổi tiếng tại Boracay theo yêu cầu của Tổng thống Duterte. Gần 400 khách sạn và nhà hàng vi phạm các quy định về môi trường đã phải đóng cửa.

Không chỉ vậy, một loạt quy định mới sẽ được áp dụng, như cấm uống rượu, hút thuốc, tổ chức tiệc tùng trên bãi biển, giới hạn số lượng du khách và khách sạn... Các hãng hàng không và tàu phà cũng được yêu cầu hạn chế dịch vụ tới đảo này.

Tổng số du khách tối đa được phép có mặt trên đảo là 19.200 người, vào bất kỳ thời điểm nào. Cũng theo quy định mới, khu vực bãi biển cũng sẽ không được phép dùng để kinh doanh nghề xoa bóp, bán rong, đốt lửa trại hay xây dựng lâu đài cát để chụp ảnh.

Các quy định khắt khe được đặt ra và yêu cầu phải thực hiện một cách nghiêm túc của chính quyền địa phương đã đem lại một diện mạo mới cho Boracay, khiến cho du khách cảm thấy vô cùng bất ngờ.

Xem thêm

Tuệ An

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/khong-chi-vinh-maya-da-tung-co-2-thien-duong-du-lich-khac-tung-phai-dong-cua-vi-thiet-hai-cua-moi-truong-77169.html