Không có thượng tôn pháp luật sẽ không có văn hóa giao thông!

Muốn hình thành văn hóa giao thông, trước tiên là từng cá nhân phải chấp hành quy định, tức phải thượng tôn pháp luật. Nếu không xây dựng được thói quen này thì không thể có văn hóa giao thông!

Đây là ý kiến được đại biểu nêu ra tại Tọa đàm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông”, do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức chiều 27.11.

Hơn 2.000 trường hợp bị xử lý vi phạm nồng độ cồn/ngày

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trong năm 2023, trên cơ sở xác định 3 nguyên nhân chính có khả năng dẫn tới nguy cơ cao về tai nạn giao thông (gồm vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ và vi phạm về xe quá khổ quá tải, cơi nới thành, thùng xe), Lãnh đạoBộ Công an đã có chỉ đạo sát sao về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông. Ảnh: Trần Hiệp

Riêng với lực lượng Cảnh sát giao thông, trong năm nay đã thực hiện 5 nhóm chuyên đề trên đường bộ, gồm: Kiểm tra người điều khiển xe trên đường trong cơ thể có chất ma túy, kiểm tra nồng độ cồn; kiểm tra vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên theo hợp đồng, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm; cơi nới thành thùng xe; xử lý vi phạm tốc độ; sử dụng giấy tờ giả liên quan người điều khiển phương tiện.

Kết quả cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý gần 3 triệu lượt trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, với số tiền phạt lên tới trên 5.000 tỷ đồng. Riêng về xử lý nồng độ cồn, trong 11 tháng qua, đã xử lý gần 700.000 trường hợp vi phạm, chiếm 23% tổng số vi phạm; tính trung bình một ngày hơn 2.000 trường hợp bị xử lý về vi phạm nồng độ cồn.

Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực. Riêng với tai nạn do sử dụng rượu bia đã giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22,6% số người bị thương.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong một tháng rưỡi vừa qua, kể từ khi Cục Cảnh sát giao thông lập 6 tổ tăng cường tại 58 địa phương, đã xử lý hơn 6.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó 232 trường hợp là công chức, viên chức, đảng viên vi phạm. Bên cạnh xử phạt hành chính, lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục rà soát trường hợp vi phạm và gửi thông báo về cơ quan đối với công chức, viên chức, đảng viên để xử lý theo quy định.

Từ biện pháp quyết liệt đó, trong cùng thời điểm trên, số vụ tai nạn giao thông do rượu bia giảm 37,5% so cùng kỳ, đặc biệt là tai nạn liên hoàn giảm 50% về số vụ và không để xảy ra số người chết; không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng (từ 3 người chết trở lên).

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Thống kê tai nạn đã tiệm cận thế giới

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính chung trong 10 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 9.826 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.496 người, bị thương 6.973 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ, số người chết và số người bị thương đều tăng. Trong đó, riêng tuyến đường bộ xảy ra 9.713 vụ, tăng 479 vụ; số người chết là hơn 5.400 người, tăng 177 người chết; số người bị thương 6.944 người, tăng 770 người.

Dù vậy, theo đánh giá của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, “chúng ta đã làm rất tốt và tai nạn đã giảm thực chất”.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng. Ảnh: Trần Hiệp

Để minh chứng cho nhận định này, ông Hùng dẫn số liệu thống kê từ Bệnh viện Việt Đức. Cụ thể, từ tháng 6.2018 – 5.2019, bệnh viện có 688 vụ tử vong và xin về, thì từ tháng 6.2022 – 5.2023 giảm chỉ còn 244 trường hợp. Có được kết quả này là bởi chúng ta đã thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh. Ảnh: Trần Hiệp

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh bổ sung, công tác thống kê về các vụ va chạm và tai nạn giao thông đang ngày càng hoàn thiện và tiệm cận thông lệ quốc tế, nhờ có sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ giữa lực lượng trực tiếp tiếp cận hiện trường với lực lượng y tế, chính quyền địa phương.

Cũng theo ông Minh, dù còn vụ tai nạn, song ý thức, hành vi của người tham gia giao thông được cải thiện rất nhiều. “Bức tranh tổng thể là tai nạn giao thông vẫn đang được kiểm soát”.

Thiếu nền tảng về văn hóa giao thông

Dù vậy, từ kết quả thẩm tra báo cáo đánh giá về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hằng năm, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An chỉ rõ, tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối, khi trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người chết vì tai nạn. Con số này ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác về kinh tế - xã hội, đòi hỏi chúng ta “phải nhận thức và có những tính toán phù hợp”.

Theo ông An, để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến 3 yếu tố, gồm người tham gia giao thông, phương tiện và kết cấu hạ tầng. Cả 3 yếu tố này đặt trên nền tảng cơ sở pháp luật, pháp lý.

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An. Ảnh: Trần Hiệp

Hiện, Quốc hội vừa cho ý kiến lần đầu với 2 dự án luật quan trọng có liên quan là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Song, theo ông An, cơ sở pháp lý có liên quan đến an toàn giao thông “không thiếu”. Về mặt chỉ đạo, điều hành, các cơ quan liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an, Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các địa phương có quyết tâm rất lớn trong bảo đảm an toàn giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông hiện cũng đang được làm tốt.

Điều chúng ta đang thiếu hiện nay là một nền tảng về văn hóa, văn minh giao thông, nhất là giao thông đường bộ vẫn ở tình trạng thấp và kém. Điều này thể hiện ở sự bất tuân quy định, tùy tiện trong tham gia giao thông, ý thức trách nhiệm chưa cao, đâu đó vẫn còn có sự nể nang chưa xử lý dứt điểm, vẫn còn có sự buông lỏng quản lý, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận định.

Muốn xây dựng văn hóa giao thông phải tạo được thói quen tuân thủ

Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5.2024, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự án Luật có nhiều điểm mới,tiệm cận với những quy định của công ước quốc tế về giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống quy tắc; hướng đến ưu tiên sử dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông đường bộ… Dự án Luật đang nhận được nhiều kỳ vọng khi có hiệu lực sẽ tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An. Ảnh: Trần Hiệp

Cho rằng đến thời điểm này về cơ bản đã “yên tâm với nội dung được trình ra” tại dự thảo Luật, với những quy định “tương đối chặt chẽ, đồng bộ”, song ông An chỉ rõ vẫn cần phải bổ sung thêm, trong đó có việc tạo cơ chế để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vận dụng nâng cao trách nhiệm, tinh thần ọ thực thi pháp luật giao thông. Chẳng hạn, cần có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp hoặc tổ chức làm tốt, theo đó khâu thanh tra, kiểm tra có thể bớt đi. Tức là, Ban soạn thảo cần tính toán để có “cơ chế mềm”, bên cạnh “cơ chế cứng” quy định về chế tài.

Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền trong xây dựng văn hóa giao thông toàn diện, ông Trịnh Xuân An lưu ý, đó không chỉ là giáo dục trong nhà trường, mà còn phải thực hiện thông qua công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và phải làm nghiêm công tác này. Ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, nhất là lái xe phải hằn sâu ở khâu này, tạo thành thói quen như lên xe là phải thắt dây an toàn.

“Chúng ta còn thời gian để hoàn thiện dự thảo luật và cần bổ sung thêm nhiều nội dung, nhất là những quy định để nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần của người tham gia giao thông, hướng tới giao thông văn minh, hiện đại. Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Giao thông để hoàn thiện dự án luật này”, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho biết.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ĐBQH Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Trần Hiệp

Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ĐBQH Thành phố Hải Phòng, hiện nay chúng ta mới điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, nhưng phải điều chỉnh cả hành vi của chủ thể quản lý giao thông. Dẫn minh chứng khi đi qua cầu Chương Dương (Hà Nội), có làn đường ô tô riêng ở giữa song xe máy vẫn đi vào, ông Hồi lo ngại “nếu cứ để như thế sẽ tạo thói quen”. Do đó, việc điều tiết, kết nối để cảnh báo sớm, phân luồng từ sớm, từ xa của chủ thể quản lý giao thông là rất quan trọng.

Cho rằng nhìn qua bức tranh giao thông như chỉ số văn minh của đất nước, ông Hồi nêu ý kiến, để có thói quen, từ đó xây dựng văn hóa giao thông, phải có kỷ luật bắt buộc – đó là nguồn gốc sinh ra kỷ luật tự giác. “Nếu nghiêm thì nó mãi trở thành thói quen, nếu không kỷ luật bắt buộc thì sẽ chưa thể tạo ra sản phẩm có con người tham gia giao thông tự giác”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, khi muốn hình thành văn hóa giao thông, việc đầu tiên là từng cá nhân phải chấp hành quy định. “Nếu không xây dựng được thói quen thượng tôn pháp luật thì đừng hy vọng có văn hóa giao thông! Thói quen đó phải được hình thành trong mọi tầng lớp, đối tượng có liên quan”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông – Vận tải. Ảnh: Trần Hiệp

Từ kinh nghiệm thực tế, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông – Vận tải chia sẻ, thời gian qua, trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền đối với những sinh viên khóa mới; lựa chọn kỹ lưỡng hình thức tuyên truyền để hiệu quả nhất, như yêu cầu tất cả sinh viên phải ký cam kết không phóng nhanh vượt ẩu, phải đội mũ bảo hiểm, không chở số người quá quy định...

Nhìn nhận việc xây dựng văn hóa giao thông là công cuộc đòi hỏi sự bền bỉ, lâu dài và phải có sự quyết tâm cao độ của tất cả các bên, ông Long đề xuất, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, cần phải có những biện pháp gắn với trách nhiệm của các bên liên quan.

Ảnh: Trần Hiệp

“Nếu như chúng ta cứ chờ có kinh phí hoặc có chương trình thì mới làm công tác tuyên truyền hoặc tổ chức những những hoạt động hết sức trực diện thì rất khó đạt hiệu quả”, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông – Vận tải nhấn mạnh, với hàm ý công tác tuyên truyền phải gắn vào công tác hoạt động của nhà trường – vốn đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng văn hóa giao thông!

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-thong/khong-co-thuong-ton-phap-luat-se-khong-co-van-hoa-giao-thong--i351807/