Mừng gỡ được những 'nút thắt cổ chai'

Một số con đường vừa rộng vừa đẹp được Nhà nước đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng xây dựng nhưng lại bị tắc nghẽn vì 'nút thắt cổ chai' khiến con đường gần như mất tác dụng và hết sức lãng phí. Đáng tiếc và khó hiểu hơn là thời gian gỡ những 'nút thắt cổ chai' này có khi kéo dài đến hàng chục năm.

Cuối tuần qua, nhiều tờ báo đưa tin về sự kiện thông xe đường Tạ Quang Bửu ở quận 8, TPHCM. Việc thông xe một con đường trong một đô thị lớn như TPHCM lẽ ra chỉ là một sự kiện bình thường, tuy nhiên điều khiến báo chí quan tâm nhấn mạnh ngay trên tựa bài báo là chi tiết “sau 23 năm khởi công”.

Khi mới về làm cư dân quận 8 cách đây 20 năm, điều làm tôi ngạc nhiên là con đường Tạ Quang Bửu vừa rộng vừa đẹp lại bị một chỗ “thắt cổ chai” khó hiểu ở đoạn giáp với đường Phạm Hùng.

Dù đoạn thắt cổ chai do vướng giải tỏa chỉ dài khoảng 300 mét nhưng đã vô hiệu hóa giá trị lưu thông của con đường này. Đoạn đường này đầy bùn lầy vào mùa mưa, mịt mù bụi vào mùa nắng và trở thành khu chợ tự phát khiến người dân không muốn đi ngang.

Do nhà ở ngay khu vực này nên thỉnh thoảng tôi lại đi qua đoạn nút thắt này, vừa như một cách đi tắt và vừa để thăm dò xem đoạn đường này có “động đậy” gì trong việc thi công không.

Càng về sau, sự mong ngóng càng giảm dần và bản thân tôi cũng như người dân trong khu vực không đi qua nút thắt này nữa mà chọn đi vòng qua một con đường nhựa cách đó vài trăm mét rộng rãi, sạch sẽ hơn. Khi tôi về sống ở khu này thì nút thắt cổ chai này đã có và con gái tôi chưa ra đời. Vậy mà khi con đường này thông xe, cháu đã là sinh viên năm nhất.

Những nút thắt mất hơn 20 năm mới gỡ xong như ở đường Tạ Quang Bửu cũng không phải quá hiếm. Chẳng hạn như tại tỉnh Bạc Liêu, trên đường Võ Văn Kiệt nối trung tâm hành chính tỉnh dài khoảng 2 ki lô mét, rộng hơn 30 mét vẫn còn hai căn nhà nằm chắn giữa đường cách nhau chừng 200 mét, mỗi căn chắn một phía làn đường khiến xe cộ đi lại khó khăn.

Mãi đến năm ngoái, chính quyền tỉnh Bạc Liêu mới thỏa thuận xong để chủ hai căn nhà này tháo dỡ và bàn giao mặt bằng. Như vậy, phải mất hơn 20 năm trục đường trung tâm thành phố này mới thật sự thông thoáng như được thiết kế. Nút thắt đáng tiếc này xuất phát từ việc chính quyền địa phương đã có sai sót khi ban hành quyết định thu hồi đất, áp giá bồi thường không bảo đảm quyền lợi nên người dân từ chối di dời, tạo thành điểm nghẽn kéo dài quá lâu.

Một nút thắt khác cũng khá nổi tiếng là căn nhà “bốn mặt tiền” số 845 đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TPHCM). Căn nhà này gần 10 năm nằm trơ trọi giữa giao lộ đường Âu Cơ và Lũy Bán Bích – Ba Vân như một tiểu đảo. Vì người đi đường bị căn nhà che khuất tầm nhìn, nhiều lúc giao thông qua đây bị rối loạn, ùn tắc.

Thế nhưng cũng do vướng giải tỏa, chính quyền không thỏa thuận được với người dân mà căn nhà cứ vậy nằm giữa đường hàng chục năm. Mãi đến cuối năm ngoái thì chính quyền và chủ nhà mới đạt được thỏa thuận di dời, trả lại sự thông thoáng cho con đường tấp nập xe cộ này.

Những nút thắt cổ chai khiến đường sá làm xong dù rộng đẹp nhưng xe cộ không lưu thông suôn sẻ như các trường hợp kể trên không phải là ít và không ít trường hợp có “thâm niên” từ năm năm trở lên.

Mấu chốt vấn đề vẫn là giải quyết sao cho thỏa đáng quyền lợi người dân có nhà đất phải giải tỏa. Bởi nếu có chỗ ở mới phù hợp thì có lẽ không mấy ai chọn phương án “cố thủ” để phải chịu cảnh khói bụi, tiếng ồn từ dòng xe cộ qua lại suốt hàng chục năm.

Đồng ý là chính quyền cũng có cái khó, cũng vướng mắc đó, nhưng nếu vướng mà mất tới 10-20 năm mới gỡ xong thì làm sao phát triển đô thị nhanh chóng như mong muốn được?

Tường Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mung-go-duoc-nhung-nut-that-co-chai/