Không để tình trạng lấn chiếm, sử dụng tràn lan bãi sông

Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ để thực hiện quy định mới về phòng, chống lũ trên các hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Những điều chỉnh mới nhằm phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương ven hệ thống các sông này. Trong đó thực hiện theo nguyên tắc chống lũ triệt để bằng hệ thống đê và không để tình trạng sử dụng tràn lan bãi sông.

Quan điểm chống lũ triệt để bằng hệ thống đê

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Phạm vi quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình bao gồm địa phận 15 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Việc sử dụng bãi sông phải đảm bảo tuân thủ các quy định của luật Đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan, không làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, chứa lũ và không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Ông Trần Công Tuyên - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) (Ảnh: Văn Ngân/VOV.VN)

Ông Trần Công Tuyên - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) (Ảnh: Văn Ngân/VOV.VN)

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên ông Trần Công Tuyên - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai) cho biết, hệ thống công trình đê điều của Việt Nam có quy mô rất lớn với chiều dài khoảng 9.220km đê (6.458km đê sông, 1.171km đê cửa sông, 1.320km đê biển, 271km đê bao); trong đó, hơn 2.740km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng…

“Hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có lưu vực rất lớn, cùng với đó là tính chất lũ lớn, dài, xuyên quốc gia, có vai trò rất lớn về phát triển KT-XH. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng ghi nhận lũ lụt gây ra những hậu quả rất lớn về người và tài sản”, ông Trần Công Tuyên chia sẻ.

Theo ông Trần Công Tuyên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với hệ thống đê được xây dựng đồng bộ là xây dựng hệ thống hồ chứa với đa mục tiêu như cắt lũ… nên ít xuất hiện lũ, tuy nhiên theo tính toán của các cơ quan nghiên cứu khoa học, trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn cực đoan ở thượng nguồn, hồ chứa đã đầy nước, không còn khả năng cắt lũ, nguy cơ xảy ra lũ lớn lặp lại những trận lũ lịch sử là rất lớn.

“Hiện nay xuất hiện nhiều đợt mưa cực đoan, vượt ngưỡng lịch sử là thách thức rất lớn cho an toàn của hệ thống đê điều. Chưa bao giờ đầu tháng 5 ở miền Bắc xuất hiện mưa lũ lớn, các hồ chứa phải đồng loạt mở cửa xả lũ dài ngày như năm 2022 vừa qua. Năm 2018, mưa chỉ trong vòng vài giờ thủy điện Hòa Bình đã phải mở khẩn cấp 8 cửa. Hiện nay, hệ thống đê lâu ngày chưa được thử thách lũ lớn (đê khô) tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Bên cạnh đó là nhận thức của người dân và một số cơ quan quản lý, thờ ơ, chủ quan dẫn đến quản lý không tốt, vi phạm tràn lan. Trung Quốc năm 2020 đã phải xả lũ khẩn cấp, ảnh hưởng đến 79 triệu người, mức độ rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân xảy ra ở Trung Quốc là do các dòng chảy các con song đã bị thu hẹp. Vì vậy không được chủ quan và phải coi chống lũ là chống lũ triệt để bằng hệ thống đê ở hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình”, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều nêu ví dụ.

Điểm mới trong quy định về phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình

Theo Quyết định số 429/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung về một trong các giải pháp phòng, chống lũ là sử dụng bãi sông. Các khu vực dân cư tập trung hiện có theo quy định được tồn tại, bảo vệ: Được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.

Theo ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng quản lý đê điều, Cục Phòng chống Thiên tai (Bộ NN&PTNT), điểm mới đối với các khu dân cư hiện có là việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở trong khu dân cư hiện có sẽ thuộc thẩm quyền của các địa phương theo quy định tại Điều 27 Luật Đê điều, tạo điều kiện thuận lợi ổn định đời sống người dân ở các khu vực này”.

Sông Hồng chảy qua trung tâm TP.Hà Nội

Sông Hồng chảy qua trung tâm TP.Hà Nội

Đối với các khu dân cư hiện có dọc các hệ thống sông này nhưng chưa có trong quy định, UBND cấp tỉnh tổ chức xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ để đưa vào quy hoạch tỉnh và chịu trách nhiệm về số liệu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Khu phố cổ, làng cổ theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đê điều; diện tích nhỏ hơn 5 ha và có từ 400 người (hoặc 100 hộ) trở lên; diện tích lớn hơn 5 ha và có mật độ dân cư từ 80 người/ha (20 hộ/ha) trở lên, trong đó không được quy đổi khu vực có mật độ dân cư cao bù cho khu vực có mật độ dân cư thấp; có cao độ nền tự nhiên khu dân cư cao hơn mực nước lũ thiết kế đê.

Các bãi Tàm Xá - Xuân Canh và Long Biên - Cự Khối thuộc khu vực đô thị trung tâm TP. Hà Nội đã có trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được cấp thẩm quyền phê duyệt, được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại. Trong đó, diện tích xây dựng công trình, nhà ở mới và các hoạt động tôn cao bãi sông không vượt quá 5% diện tích bãi sông. Phần diện tích bãi sông còn lại được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, nhưng không làm tôn cao bãi sông hiện có. "Điểm mới của Quyết định 429 là cho phép các địa phương có thể điều chỉnh tăng diện tích xây dựng ở một bãi sông cụ thể vượt 5% nhưng phải khống chế tổng diện tích xây dựng của các bãi sông trên tuyến sông đó thuộc tỉnh không vượt quá 5% để đảm bảo thoát lũ và phải cụ thể hóa trong quy hoạch tỉnh", ông Tuyên giải thích.

Các bãi sông được nghiên cứu xây dựng: Các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định chỉ được xem xét đối với một số khu vực mà chiều rộng bãi sông (khoảng cách từ chân đê đến mép bờ của sông) lớn hơn 500 m, vận tốc dòng chảy trên bãi tương ứng với lũ thiết kế nhỏ hơn 0,2 m/giây.

Trong đó, diện tích xây dựng công trình, nhà ở mới và các hoạt động tôn cao bãi sông không được vượt quá 5% diện tích bãi sông. Phần diện tích bãi sông còn lại được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm cả xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng nhưng không làm tôn cao bãi sông hiện có.

Các khu vực bãi sông còn lại được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nhưng không được xây dựng công trình, nhà ở, trừ công trình quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 26 luật Đê điều; không được tôn cao bãi sông hiện có.

UBND tỉnh rà soát, lập, điều chỉnh nội dung phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh; khi sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà ở, địa phương phải lập dự án đầu tư cụ thể, gửi Bộ NN&PTNT thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.

Không thể sử dụng tràn lan bãi sông

Là đơn vị trực tiếp nghiên cứu và đề xuất cho điều chỉnh mới, ông Trần Công Tuyên nhấn mạnh việc cần sớm đưa phương án phòng, chống lũ vào quy hoạch tỉnh.

Theo chia sẻ của ông Tuyên, những sửa đổi trong Quyết định số 429/QĐ-TTg hiện nay đang hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là khu vực ven sông, ven đê.

Tuy nhiên hiện nay cũng là thời điểm nhiều địa phương đã và đang lập quy hoạch tỉnh để trình phê duyệt thì cần đưa ngay phương án phòng, chống lũ vào quy hoạch tỉnh để có cơ sở thực hiện quyết định này.

"Ngay cả những địa phương đã lập quy hoạch và đang trình hội đồng thẩm định quốc gia cũng có thể có những đề xuất, báo cáo bổ sung để kịp thời đưa phương án phòng, chống lũ vào quy hoạch chung của địa phương mình", ông Tuyên nhấn mạnh.

Ông Tuyên chia sẻ thêm, Quyết định số 429/QĐ-TTg được xây dựng trên tinh thần ưu tiên cao nhất là an toàn phòng, chống lũ, cùng với đó những yếu tố để tạo dư địa phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương cũng được cân nhắc kỹ càng hơn. Do đó việc vận dụng thực hiện của địa phương để tối ưu hóa được quyết định này rất quan trọng.

"Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các nội dung, đặc biệt là những đề xuất của địa phương. Quan điểm thực hiện là để giải quyết khó khăn theo cách tháo gỡ chứ không phải thỏa mãn mọi nhu cầu của các địa phương, không để theo hướng triệt để tận dụng bãi, sông. Với quy mô của nền kinh tế hiện nay, nếu để xảy ra vỡ đê thì hậu quả sẽ rất nặng nề", ông Tuyên nhấn mạnh.

Theo đại diện Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, về lâu về dài sẽ lập quy hoạch mới thay thể 257, khi có thời gian và nguồn lực.

“Các địa phương cần đưa ngay phương án phòng chống lũ vào quy hoạch của địa phương mình, cập nhật những nội dung trong quy định trình Hội đồng thẩm định quốc gia phù hợp với các quy hoạch mới”, ông Trần Công Tuyên khuyến cáo.

Ông Trần Công Tuyên cho rằng, hiện nay một số địa phương đang gặp khó khăn do yếu tố khách quan như Luật Quy hoạch mới thay đổi, hầu hết các địa phương chưa kịp điều chỉnh kịp, cập nhật. Tuy nhiên, có những địa phương như tỉnh Hà Nam đã kịp phê duyệt quy hoạch lũ chi tiết trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và thực hiện đúng trình quy định nên đã được Thủ tướng chấp thuận cho phép xây dựng công trình Cảng Yên Lệnh trên bãi sông Hồng.

"Trong khi đó, một số địa phương chưa kịp phê duyệt nên vướng quy định mới. Đặc biệt có địa phương còn đề xuất xây dựng cao hơn tỷ lệ 5% quy định hoặc không đúng vị trí xây dựng theo quy hoạch...Thậm chí có công trình đã xây dựng vi phạm rồi còn đề xuất tháo gỡ, xin được tồn tại, như vậy là đồng nghĩa với hợp thức hóa vi phạm”, ông Trần Công Tuyên nêu ví dụ.

Đại diện Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai nhấn mạnh: “Quyết định 249/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung các nội dung để giải quyết khó khăn, tạo thuận lợi cho các phương trong quản lý, sử dụng bãi sông nhưng không thể thỏa mãn nhu cầu quá lớn của các địa phương, không thể tận dụng triệt để bãi sông để xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến an toàn thoát lũ./.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/khong-de-tinh-trang-lan-chiem-su-dung-tran-lan-bai-song-post1016543.vov