'Không đủ uy tín hãy từ chức, đừng như con lươn, con chạch leo cao'

'Còn hơn một năm nữa phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ chiến lược cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhân dân mong người không đủ uy tín hãy từ chức, đừng như con lươn, con chạch mà leo cao', đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội - ảnh quochoi.vn).

Chiều nay (13.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương) đã đề cập tới báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Ông nói, qua báo cáo cho thấy việc khiếu kiện hành chính tăng, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng hơn 30%, tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng. “Tôi suy nghĩ, tại sao Đảng, Chính phủ quyết liệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm thực sự, cơ quan Công an rất tích cực, Tòa án làm việc liên tục nhưng tại sao vẫn cứ phức tạp, vẫn cứ nghiêm trọng. Có lẽ bên cạnh việc quyết liệt, nghiêm khắc hơn cần phải phát huy tính gương mẫu, tự giác của cán bộ Đảng viên thực hiện theo Nghị quyết về nêu gương của Hội nghị Trung ương lần 8 vừa qua”, đại biểu Trí nói

Vị đại biểu này cho rằng, đối với cán bộ lãnh đạo có lỗi, không còn uy tín, không đủ điều kiện, năng lực thì nên chủ động từ chức. “Sắp hết năm 2018, nhân dân chờ đợi sự chủ động của những người không đủ đức tài. Còn hơn 1 năm nữa phải chuẩn bị được đội ngũ cán bộ chiến lược cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhân dân mong người không đủ uy tín hãy từ chức, đừng như con lươn, con chạch mà leo cao. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội xây dựng Luật từ chức để luật hóa quy định của Đảng”, đại biểu Nguyễn Anh Trí góp ý.

Góp ý về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 10.11 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo có nêu một câu hỏi băn khoăn, lo lắng của cử tri. Cử tri cho rằng với tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng cao như hiện nay thì sắp tới có lắng xuống không. Khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, có quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng không.

“Các đồng chí Thường trực Ban chỉ đạo, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đều khẳng định một tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới rất "rực lửa" và tinh thần này vẫn còn duy trì”, đại biểu Học cho biết.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, qua nội dung báo cáo của Chính phủ, có cơ quan chịu trách nhiệm chính về phòng, chống tham nhũng vẫn xảy ra tham nhũng. “Hãy lắng nghe lời ca thán của người dân qua các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh đều có "giá" cả. Giá đó không mặc cả, không cò kè thêm bớt. Không ưng thì có người khác sẵn sàng thay thế. Đây là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay”, đại biểu Sơn nói.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp đề cập đến vấn nạn tham nhũng vặt là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.

Bà nói: “Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng vặt cũng có một sức tàn phá rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền

Theo nữ đại biểu này, việc xử lý loại tội phạm này không dễ do diễn ra mọi lúc, mọi nơi đến mức hành vi đưa phong bì, lót tay, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen và thực sự trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt.

Lương Kết

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/khong-du-uy-tin-hay-tu-chuc-dung-nhu-con-luon-con-chach-leo-cao-930146.html