Không dung túng những trường hợp vi phạm

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có văn bản về việc tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Trong đó, yêu cầu các đối tượng nêu trên chấp hành tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông, thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lãnh đạo thành phố đặc biệt nghiêm cấm lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

Thực tế cho thấy, dù đã biết rõ quy định nhưng nhiều người vẫn vi phạm, nhất là việc sử dụng rượu, bia rồi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều trường hợp đã không làm chủ được tay lái, gây ra những vụ va chạm, bị thiệt hại về tài sản và gây thương tích cho bản thân và người khác. Chỉ trong ba tháng (từ ngày 20/6 đến 20/9), Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã kiểm tra, xử lý gần 80.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước hơn 8.000 giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn và tạm giữ gần 9.000 ô-tô, xe máy. Trong số gần 80.000 trường hợp vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý có tới hơn 7.300 tài xế ô-tô và người lái xe máy vi phạm lỗi liên quan đến nồng độ cồn; nhiều tài xế khi bị kiểm tra cho kết quả nồng độ cồn ở mức rất cao. Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng một số cá nhân khi vi phạm các lỗi trật tự an toàn giao thông, bị lực lượng chức năng xử lý thì lại gọi điện thoại cho "người thân"... để nhờ can thiệp. Hành động này đã tác động tới quá trình xử lý các hành vi vi phạm của lực lượng chức năng.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên... là những người có học thức, có trình độ. Do đó, những cá nhân này cần phải phát huy tinh thần gương mẫu trong thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông, từ đó tạo tính lan tỏa tới cộng đồng. Để làm được điều này, bên cạnh việc nâng cao nhận thức thì cần có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với cá nhân vi phạm và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu, tập thể liên quan. Lực lượng chức năng cần thông báo về cơ quan, đơn vị đối với các trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước hoặc thông báo về địa phương nơi công dân cư trú để xem xét, xử lý theo nhiệm quy định ■

GIA MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-dung-tung-nhung-truong-hop-vi-pham-post716936.html