Khu nhà giàu ở New York sống lại

Dù biến chủng Omicron đang tàn phá New York, một số lượng lớn cư dân vẫn chuyển đến khu phố Chelsea giàu có.

Không lâu sau khi tốt nghiệp Đại học Florida, Emily Locke (22 tuổi) quyết định chuyển đến khu Chelsea ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Với cô, nơi này cung cấp sự kết hợp hoàn hảo giữa các cửa hàng và khả năng tiếp cận nhiều tuyến tàu điện ngầm.

Locke biết về sự tàn phá của Covid-19 ở New York và rất nhiều người đã chạy trốn khỏi thành phố. Tuy nhiên, mùa hè này, cô chớp lấy cơ hội để thuê một căn hộ studio. Được tiêm phòng đầy đủ, cô đi tới các buổi biểu diễn Broadway và nhà hàng gần nhà.

Khi đại dịch gây ra cảnh chết chóc, tuyệt vọng khắp New York, các dãy nhà trong và lân cận Chelsea - khu phố cao cấp nổi tiếng với nhiều nhà hàng thời thượng, phòng trưng bày nghệ thuật và công viên trên cao High Line - trở nên trống trải.

Dòng người di cư khỏi Manhattan làm dấy lên các tiêu đề về sự sụp đổ của New York và sự suy tàn của đô thị Mỹ, theo The New York Times.

Đám đông đã quay trở lại chợ Chelsea ở Manhattan. Chelsea đang chứng kiến số lượng lớn người mới đến cũng như sự trở lại của các cư dân rời đi trong đại dịch.

Tuy nhiên, ngay cả khi biến chủng Omicron một lần nữa khiến thành phố rơi vào tình trạng bất ổn, tia hy vọng xuất hiện nhờ sự lấp đầy của những khu dân cư từng bị bỏ trống.

Những phát hiện mới cho thấy Chelsea là một trong những khu vực hàng đầu của New York thu hút dân cư trở lại, dẫn đến sự bùng nổ thị trường nhà ở. Giá thuê tăng vọt và vượt qua mức trước đại dịch.

“Covid-19 thật khủng khiếp. Những gì nó gây ra cho thành phố thật kinh hoàng. Nhưng mọi người không thể để virus ngăn cản cuộc sống mình mong muốn”, Locke nói.

Hồi sinh

Chelsea bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt gia tăng đột biến gần đây. Theo dữ liệu mới nhất của thành phố New York, có trung bình 2.600 ca mắc Covid-19 mới trên 100.000 cư dân Chelsea trong tuần qua. Tỷ lệ này cao nhất so với mọi khu vực lân cận trong thành phố.

Emily Locke chuyển từ Florida đến Chelsea vào mùa hè.

Emily Locke có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong tháng này và đã hồi phục. Cô hiểu sự nguy hiểm của biến chủng Omicron nhưng không sợ hãi vì tin rằng vaccine đang giúp nhiều người sống sót.

Chelsea là một trong số khu dân cư của quận Manhattan - nơi cuộc di cư nhanh chóng do đại dịch thúc đẩy dường như đã dừng lại, thậm chí dần đảo ngược. Ví dụ, dữ liệu từ Dịch vụ Bưu điện Mỹ cho thấy nhiều người chuyển đến hơn là rời khỏi Chelsea trong vài tháng của năm nay.

Dân số vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và xu hướng làm việc từ xa đang tạo điều kiện cho nhiều nhân viên rời xa văn phòng của họ tại Manhattan. Sự trỗi dậy của biến chủng Omicron đặt ra câu hỏi về việc dân công sở và khách du lịch sẽ tránh xa New York bao lâu.

Đối với nhiều bộ phận tầng lớp lao động của thành phố, bức tranh còn ảm đạm hơn: tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, hàng nghìn người phải vật lộn để trả tiền thuê nhà và đối diện lệnh trục xuất khỏi New York.

Tuy nhiên, sự hồi sinh ở Chelsea cho thấy khu dân cư giàu có của thành phố đang dần hồi phục. Nó cũng chứng tỏ sức hấp dẫn từ lâu của New York khi có nền văn hóa, giải trí phong phú và các điểm hấp dẫn xã hội.

Đại dịch khiến nhiều người phải từ bỏ các thành phố trên khắp nước Mỹ để đến vùng ngoại ô hoặc nông thôn. Tuy nhiên, dòng chảy này dường như đang chậm lại vì ngày càng có nhiều người tiêm chủng, các trường học cũng như cơ sở kinh doanh dần mở cửa trở lại.

Sự thay đổi dân số là điều đáng chú ý ở New York - một trong những nơi đầu tiên bùng phát dịch và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Một phân tích gần đây của Cơ quan quản lý thành phố New York cho thấy số lượng cư dân rời khỏi thành phố vào năm 2020 cao gấp 3 lần so với năm 2019. Dòng chảy này cũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng của thành phố: cư dân ở các khu vực giàu có nhất - nhiều người làm công việc văn phòng có thể "work from home" dễ dàng hoặc có nguồn lực để di chuyển - nhiều khả năng đã rời đi hơn những cư dân khác.

Năm nay, khu vực phía tây Manhattan, bao gồm Chelsea và Midtown - nơi chứng kiến khoản lỗ lớn nhất vào năm 2020, cũng chứng kiến mức thu nhập ròng lớn nhất của những người nói rằng họ dự định ở lại lâu dài.

Công viên High Line ở Chelsea vào tháng 12. Theo một cuộc khảo sát, một phần của khu vực lân cận đã chứng kiến sự gia tăng nhẹ về dân số trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến 11.

“Tôi có cảm giác như Chelsea đang hồi sinh sau đại dịch”, Michael J. Franco, nhân viên bất động sản, cho biết.

Franco cho biết doanh số bán căn hộ đã bắt đầu tăng. Tại một tòa nhà ở trung tâm Chelsea, 15 căn hộ được bán vào năm 2021 so với 3 căn hộ vào năm 2020.

Giá thuê cũng tăng vọt. Theo công ty StreetEasy, giá chào thuê trung bình vào tháng 11 ở Chelsea là 4.801 USD, tăng hơn 45% so với năm trước và cao hơn mức cao nhất 4.462 USD vào tháng 6/2019.

Các nhà môi giới và phân tích cho biết giá nhà ở tăng cao một phần do nhiều người trì hoãn việc chuyển nhà và tiết kiệm tiền trong thời kỳ đại dịch. Các chủ sở hữu bất động sản khác đã đưa căn hộ ra khỏi thị trường vì họ biết rằng có thể không nhận được giá tốt. Lãi suất thế chấp thấp đang khuyến khích mua nhiều hơn.

Trở lại

Tuy nhiên, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại công ty Moody's Analytics, cho biết New York phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Ông nói mặc dù sự trở lại của một số cư dân có thể làm nổi bật các khu vực cụ thể, về tổng thể, khu vực đô thị của thành phố New York vẫn đang mất dân số, chỉ với tốc độ chậm hơn.

“Tôi không nghĩ có ai nghi ngờ rằng New York sẽ không quay trở lại, chỉ là liệu nó có lấy lại được những gì đã mất trong đại dịch hay không”, Zandi nói.

Chelsea đang thu hút cả người mới đến và những cư dân cũ quay trở lại.

Khi đại dịch trở nên tồi tệ vào tháng 4/2020, Emily Bracken (45 tuổi) chuyển từ căn hộ của mình ở Harlem đến nhà chị gái ở quận Westchester. Bracken rất thích kết nối lại với gia đình. Nhưng sau vài tháng, cô bắt đầu thấy nhớ những điều nhỏ nhặt về cuộc sống ở New York.

Sau khi chuyển đến sống với chị gái trong đại dịch, Emily Bracken đã trở lại Chelsea và mua căn hộ ở đây.

Bracken tìm được căn hộ một phòng ngủ ở Chelsea - nơi cô bị thu hút vì dễ dàng đi đến Brooklyn hoặc các khu vực lân cận khác. Căn hộ nằm trong khoảng giá 500.000 đến 1 triệu USD.

“Tôi thích ý tưởng trở lại New York”, cô nói.

Yousif Alrasheed (25 tuổi), sinh viên tốt nghiệp Đại học Pace, chuyển từ Boston đến căn hộ một phòng ngủ ở Chelsea vào tháng 5. Anh không bao giờ nghĩ đến việc sống ở bất kỳ nơi nào khác.

“So với Boston, ở đây rất sống động”, anh nói.

Alrasheed yêu thích vị trí trung tâm của Chelsea và sự tập trung của các quán bar, nhà hàng gần đó.

Justin Silver (45 tuổi), người sống ở Chelsea 25 năm, chuyển đến Los Angeles vào mùa đông năm ngoái. Anh rất thích thời tiết và sự dễ dàng của giãn cách xã hội đây.

Tuy nhiên, khi vaccine ngày càng dễ tiếp cận, Silver chuyển trở lại căn hộ thuê ở khu phố sang trọng của Manhattan.

“Thật dễ dàng khi ở hòn đảo này. Việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều”, anh nói.

Thiên Nhi

Ảnh: Sarah Blesener

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khu-nha-giau-o-new-york-song-lai-post1286911.html