Khủng hoảng trái phiếu, doanh thu giảm mạnh TCBS vẫn muốn rót tối đa 7.300 tỷ đồng trái phiếu cho Capitaland Tower

TCBS sẽ đầu tư kinh doanh trái phiếu kèm quyền góp vốn tối đa 7.300 tỷ đồng vào Capitaland Tower - chủ đầu tư của dự án The Sun Tower.

Quyết định này vừa được Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) phê duyệt. Các lô trái phiếu dự kiến phát hành trong quý III, với hạn mức đầu tư mỗi mã trái phiếu không vượt quá 2.500 tỷ đồng.

Việc đầu tư trái phiếu, theo TCBS, sẽ đảm bảo tổng khối lượng cuối mỗi ngày không vượt quá hạn mức đầu tư. Tổng số dư nắm giữ các trái phiếu tuân thủ hạn mức rủi ro nội bộ của TCBS và tại mọi thời điểm tổng quy mô danh mục trái phiếu không vượt quá 70% vốn chủ sở hữu.

Capitaland Tower là ai?

Công ty TNHH Capitaland Tower được thành lập ngày 4/4/2016, tiền thân là Công ty TNHH Tư vấn và quản lý bất động sản Capitaland Việt Nam.

Doanh nghiệp này ban đầu có vốn điều lệ là 4,48 tỷ đồng (200.000 USD) do CVH Cayman Holdings Limited sở hữu 100% vốn. Người đại diện pháp luật là ông Lim Hua Tiong, khi đó là Tổng giám đốc Capitaland Việt Nam.

Đầu năm 2017, doanh nghiệp này tăng vốn lên hơn 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) thông qua việc sáp nhập với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Ban Mai.

Ngày 6/10/2017, Capitaland Tower được UBND TP HCM cấp quyết định chủ trương đầu tư số 5281/QĐ-UBND chấp thuận đầu tư dự án công trình tòa nhà văn phòng, thương mại - dịch vụ Khu phức hợp Sài Gòn-Ba Son, quy mô 6.042,0 m2. Ngoài tên gọi Capitaland Tower, dự án này còn được biết đến với tên gọi “Landmark 60 Bason”, được kỳ vọng là một trong những công trình cao nhất tại Việt Nam.

Vẽ ra viễn cảnh về một dự án hoành tráng, nhưng những năm sau đó, cơ cấu người đại diện vốn góp và người đại diện pháp luật của Capitaland Tower liên tục thay đổi, cũng tương đồng với sự xuất hiện của những "tay chơi" mới tại dự án này.

Đầu tiên phải kể tới việc thay đổi người đại diện theo ủy quyền cho phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại tại Capitaland Tower vào tháng 2/2018, từ ông Chen Liang Pang sang ông Chiu Bing Keung Kenneth (SN 1967). Không lâu sau đó, Tổng Giám đốc của Capitaland Tower cũng được giao cho ông Lê Đức Phong (SN 1972). Đồng thời, doanh nghiệp này cũng dời địa chỉ trụ sở chính về số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Tới đầu năm 2019, chủ mới trên giấy tờ của Capitaland Tower lộ diện, là CLV Investment 6 Limited, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại thiên đường thuế Cayman Islands.

Ông Chiu Bing Keung Kenneth, thực tế, là thành viên HĐQT của Công ty cổ phần phát triển bất động sản Alpha King (Alpha King). Tại Capitaland Tower, vị doanh nhân sinh năm 1967 từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch công ty, trong khi vị trí CEO hiện do ông Ngô Văn An (doanh nhân người Việt gốc Hoa, SN 1977) nắm giữ.

Ngày 10/7/2020, Capitaland Tower và CTCP Dịch vụ - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Setra Corp) đã ký kết thỏa thuận đặt cọc số 01/TTĐC/STR-CTC. Trong đó, Capitaland Tower sẽ chuyển nhượng phần dự án quy mô 6.042 m2 tọa lạc tại khu phức hợp Sài Gòn-Ba Son nêu trên cho phía đối tác.

Sau khi ký thỏa thuận với Capitaland Tower, trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 31/7/2020, Setra Corp đã thực hiện 31 đợt phát hành trái phiếu mã STRB2023001-031, huy động tổng cộng 3.750 tỷ đồng.

Dù vậy, nhân sự liên quan tới Alpha King, hay còn có bóng dáng của một tập đoàn bất động sản lớn tại TP HCM, chưa phải điểm dừng cuối cùng của dự án này.

Đầu năm nay, ba người đại diện vốn góp tại Capitaland Tower một lần nữa biến động, với sự xuất hiện của cá nhân có liên quan tới một trong những nhà phát triển bất động sản phân khúc cao cấp lớn nhất thị trường.

Trong lần thay đổi thông tin gần nhất ngày 13/4, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Capitaland Tower được đổi sang ông Hui Ho Wai Clement - Giám đốc phát triển bất động sản của một nhà phát triển bất động sản khá nổi tiếng.

Trái phiếu khủng hoảng, doanh thu của TCBS bị ảnh hưởng mạnh

Theo báo cáo tài chính quý II mới công bố, doanh thu môi giới trong ba tháng gần nhất của TCBS chỉ đạt 110 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lãi từ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 209 tỷ đồng, cũng giảm 36%.

Đáng chú ý nhất là doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán giảm 34% so với cùng kỳ, xuống còn 221 tỷ đồng. Nguyên nhân được TCBS cho biết do hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ảm đạm trong quý 2/2023, nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh và dòng tiền, trong khi nhu cầu hấp thụ trái phiếu bị thu hẹp do niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa quay lại với thị trường TPDN.

Chi phí hoạt động ghi nhận 177 tỷ đồng, giảm 20%, trong đó lỗ từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ là 54 tỷ đồng, hơn gần 4 lần cùng kỳ.

Kết quả là công ty thành viên do Techcombank sở hữu 89% vốn báo lãi trước thuế 552 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lãi trước thuế của TCBS chỉ đạt lần lượt 2.015 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, giảm 34% và 50% so với cùng kỳ, trong đó ảnh hưởng nặng nhất vẫn là sự ảm đạm của trái phiếu doanh nghiệp - vốn là mảng kinh doanh thế mạnh của TCBS những năm gần đây.

Minh Nhật

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khung-hoang-trai-phieu-doanh-thu-giam-manh-tcbs-van-muon-rot-toi-da-7300-ty-dong-trai-phieu-cho-capitaland-tower-post259369.html