Kịch thể nghiệm trở lại đầy hứa hẹn

CLB Sân khấu Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM (hay còn gọi là Sân khấu 5B) từng rất thành công với loại hình kịch thể nghiệm vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, qua vở diễn đầu tiên mang tên Dư luận quần chúng

Vở "Ái tình ngoài hôn nhân" (tác giả Lê Thu Hạnh; đạo diễn NSƯT Mỹ Uyên, Quốc Thịnh) hiện đang liên tục sáng đèn tại Sân khấu 5B, hứa hẹn sự trở lại mạnh mẽ của dòng kịch này.

Nâng cao sức sáng tạo

Theo những người trong cuộc, nhằm giúp sân khấu kịch đến được với số đông khán giả trẻ, việc thể nghiệm những hình thức dàn dựng mới đang là xu hướng phổ biến. Đạo diễn Trần Văn Hưng cũng đồng quan điểm với xu hướng này, ông cho rằng "đã đến lúc các sàn diễn cần tìm hình thức dàn dựng mới, cá nhân nghệ sĩ phải cố gắng thể nghiệm để làm mới và tăng sự hấp dẫn cho vở diễn".

Một cảnh trong vở “Ái tình ngoài hôn nhân” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM

Như đã nói, Sân khấu 5B đã từng tạo cơn sốt phòng vé với loại hình "sân khấu thể nghiệm". Với lợi thế diễn trong không gian nhỏ, nghệ sĩ dùng lời thoại không cần micro đã buộc họ sống với nhân vật một cách chân thật. Từ đó nâng cao sức sáng tạo trong các tác phẩm thể nghiệm về hình thức dàn dựng.

Sau trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2023 tại Đà Lạt, đạo diễn Trần Văn Hưng cho hay 16 kịch bản tham gia trại sáng tác cần có đầu ra và Sân khấu 5B (hiện gọi là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM) sẽ là nơi đưa vở diễn thể nghiệm đến với công chúng. "Theo mô hình này, những ngày thứ năm và sáu trong tuần, kịch thể nghiệm sẽ được công diễn. Trước mắt, đạo diễn Minh Nguyệt sẽ đầu tư, dàn dựng vở "Trái tim kiêu hãnh", một thể nghiệm mới của chị trong sáng tác và hình thức dàn dựng" - đạo diễn Trần Văn Hưng thông tin.

Nhà lý luận phê bình sân khấu Cao Ngọc kỳ vọng về sự trở lại của loại hình sân khấu thể nghiệm. Bởi sự thể nghiệm là cách để các nghệ sĩ tìm kiếm sự chân thực, sống động trong diễn xuất, đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật, như vậy người diễn viên sẽ sống với nhân vật chứ không đóng kịch.

Theo các nhà chuyên môn, sự trở lại của loại hình sân khấu thể nghiệm Sân khấu 5B sẽ tạo điều kiện để các sân khấu xã hội hóa khác tiếp tục tìm kiếm cái mới trong hình thức dàn dựng. Có thể dẫn chứng dù chỉ là một vài cảnh diễn được thể nghiệm cái mới nhưng các vở như: "Giờ của quỷ" (Sân khấu Hồng Hạc); "Mặt nạ", "Con quỷ rối" (Sân khấu kịch Quốc Thảo); "Bí mật cây tre trăm đốt", "Mẹ hát rong" (Sân khấu Trương Hùng Minh); "Sắc màu" (Sân khấu IDECAF)... đã tạo được sự tươi mới trong vở diễn và được khán giả đánh giá cao.

Cần thay đổi trong nhận thức

NSND Trần Minh Ngọc phân tích sàn diễn TP HCM muốn làm mới qua những vở thể nghiệm cần phải tạo được cái mới trong nhận thức chung của người làm nghề, chỉ sáng tạo mới trong diễn xuất của nghệ sĩ là chưa đủ. Sáng tạo cái mới trong vở diễn phải mang tính tổng hợp của nhiều loại hình.

Các tác giả tham gia Chi hội Sáng tác TP HCM cũng cho rằng muốn thể nghiệm thành công thì phải cải tiến ngay từ khâu kịch bản. Tác giả Thanh Bình nêu ý kiến: "Khi đã đặt mình vào vị thế thể nghiệm cái mới, sự tiếp cận khán giả của vở diễn được hun đúc từ việc làm mới một cách nghiêm túc ắt sẽ thuyết phục người xem". Quả thật, với quan điểm này, vở "Dấu xưa", do tác giả Thanh Bình sáng tác kịch bản, đã chinh phục được khán giả, đến nay đã công diễn hơn 150 suất tại Sân khấu 5B và lưu diễn tại nhiều tỉnh, thành.

Đạo diễn trẻ Đinh Mạnh Phúc, người dựng vở "Giờ của quỷ", góp thêm: "Sân khấu thể nghiệm sẽ làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu TP HCM, đó là điều kiện tất yếu để góp phần đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển".

Hội Sân khấu TP HCM cho biết đang có kế hoạch khôi phục hoạt động của CLB Đạo diễn Sân khấu - Hội Sân khấu TP HCM, nhằm quy tụ các đạo diễn trẻ đang làm nghề để sáng tác những vở diễn thể nghiệm cho công chúng.

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/kich-the-nghiem-tro-lai-day-hua-hen-20230713212811339.htm